Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng
Cần tăng cường thanh kiểm tra đột xuất về an toàn thực phẩm tại địa phương
Tại buổi làm việc của Đoàn giám sát với lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng, đại diện lãnh đạo thành phố cho biết, các cấp ủy Đảng, chính quyền thành phố xác định công tác an toàn thực phẩm là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, liên tục và là trách nhiệm của toàn xã hội, mỗi hộ gia đình, người dân. Trong quản lý an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, bảo quản thực phẩm tươi sống, trên địa bàn thành phố chưa có vùng đất bị cảnh báo ô nhiễm, không đủ điều kiện sản xuất rau quả. Đến năm 2016, toàn thành phố có 3.500ha diện tích canh tác sản xuất rau theo hướng an toàn, 500ha sản xuất rau an toàn, 25 cơ sở sản xuất được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích canh tác 242,5ha; 540 trang trại chăn nuôi, phần lớn chấp hành tốt các quy định về điều kiện vệ sinh thú y. Thành phố hiện có 1.580 cơ sở, điểm giết mổ gia súc, phần lớn là cơ sở nhỏ, lẻ… Trong nuôi trồng, đánh bắt, khai thác, chế biến thủy sản và các sản phẩm thủy sản, sản lượng giai đoạn 2011-2016 đạt 301.440,9 tấn; 5 cơ sở được cấp giấy chứng nhận VietGAP trong chăn nuôi thủy sản, 34 cơ sở được xếp loại đủ điều kiện sản xuất giống thủy sản. Hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành về an toàn thực phẩm được củng cố, kiện toàn; công tác thông tin, truyền thông hiệu quả, tạo chuyển biến về mặt nhận thức của người dân. Công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành và chuyên ngành được đẩy mạnh.
Tuy nhiên tình trạng ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm dù đã được kiểm soát nhưng nguy cơ vẫn còn cao, đặc biệt tại các khu công nghiệp. Việc kinh doanh, sử dụng phụ gia thực phẩm, các chất cấm, chất ngoài danh mục cho phép, hóa chất bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng… trong sản xuất, nuôi trồng, chế biến thực phẩm diễn biến phức tạp, gây khó khăn trong công tác quản lý. Bên cạnh đó, năng lực hạn chế của đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý an toàn thực phẩm tại cấp xã, phường, thị trấn; cùng với việc chồng chéo trong chức năng, nhiệm vụ gây khó khăn trong quản lý; các chế tài chưa đủ mạnh, nhất là chưa thể xử lý hình sự đối với trường hợp vi phạm an toàn thực phẩm nhiều lần khiến cho việc xử lý vi phạm an toàn thực phẩm tại địa phương gặp nhiều khó khăn.
Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải phát biểu tại buổi làm việc
Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát Quốc hội đánh giá cao sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của thành phố và các ngành chức năng trong quản lý an toàn thực phẩm; nhiều đơn vị, cơ sở sản xuất thực phẩm của thành phố áp dụng được công nghệ sản xuất, mô hình quản lý hiện đại trở thành tiêu biểu của địa phương và cả nước. Chia sẻ những khó khăn của thành phố trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm, các thành viên Đoàn giám sát đề nghị thành phố cần tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất, xử lý trách nhiệm công vụ của các cơ quan chức năng; tăng cường công tác tuyên truyền, với sự vào cuộc tích cực của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các tổ chức thành viên, nhất là trong công tác giám sát và phản biện xã hội; tăng cường quản lý, xây dựng quy hoạch cấp phép tại các chợ dân sinh. Đề nghị thành phố cân đối tài chính, bổ sung cho lĩnh vực quản lý, thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm; nhân rộng điểm sáng về việc ứng dụng khoa học công nghệ vào truy suốt nguồn gốc thực phẩm; đề xuất các kiến nghị cụ thể để Đoàn giám sát tổng hợp, trình Quốc hội trong kỳ họp tới.
Trưởng Ban Dân nguyện, Trưởng đoàn công tác Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh, thành phố cần sớm rà soát, kiểm tra và xử lý những hạn chế trong thực hiện quy định pháp luật về an toàn thực phẩm mà Đoàn giám sát đã chỉ ra. Đồng thời, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất, thanh tra công vụ nhằm kiểm soát chặt hơn các vi phạm, sớm ngăn chặn các nguy cơ liên quan đến an toàn thực phẩm. Việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền các cấp, các ngành khi để xảy ra vi phạm tại địa bàn mình quản lý cũng cần được quan tâm hơn. Ngoài ra, ngành y tế thành phố cần phát huy hơn nữa vai trò của Trung tâm Y tế dự phòng TP- đơn vị được Bộ Y tế chỉ định là đơn vị kiểm nghiệm phục vụ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.
Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cùng tổ công tác số 1 khảo sát thực tế tại chợ hải sản xã Kiến Quốc, huyện Kiến Thụy
Ngay tại buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nguyễn Văn Tùng tiếp thu các ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội, thành viên Đoàn giám sát và trực tiếp chỉ đạo các Sở, ban ngành có liên quan của thành phố sớm hoàn thiện báo cáo trình Đoàn giám sát; tăng cường công tác tuyên truyền; thanh tra, kiểm tra đột xuất về lĩnh vực an toàn thực phẩm, phát hiện vi phạm và xử lý kịp thời; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, đề xuất biện pháp xử lý trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, đơn vị khi để xảy ra vi phạm an toàn thực phẩm.
Tổ công tác số 2 khảo sát thực tế tại Nhà máy nước An Dương
Cũng trong ngày 23/2, Đoàn giám sát Quốc hội chia làm 2 tổ khảo sát thực tế tại chợ hải sản Kiến Quốc (huyện Kiến Thụy), Công ty TNHH Việt Trường (quận Đồ Sơn), Cục Hải quan thành phố, Công ty cổ phần xuất khẩu Huy Quang, Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương 3 (huyện An Dương), Hợp tác xã Công ty Mỹ Trung (quận Kiến An), Công ty cổ phần Cấp nước Hải Phòng- Nhà máy nước An Dương (quận Lê Chân) và chợ Trần Quang Khải (quận Hồng Bàng). Ở mỗi điểm đến cụ thể, các tổ giám sát đều có những phân tích, đánh giá cụ thể về ưu, nhược điểm và đề xuất giải pháp để các điểm trên phát huy hiệu quả trong bảo đảm an toàn thực phẩm cũng như chấn chỉnh, xử lý sai phạm.