Đoàn giám sát của Quốc hội đã làm việc với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011- 2016

06/03/2017

Tiếp tục Chương trình làm việc của Đoàn giám sát với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011- 2016, sáng 6/3, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát của Quốc hội đã làm việc với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam về nội dung này. Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát Uông Chu Lưu chủ trì buổi làm việc.

Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam 

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ, có chức năng nghiên cứu những vấn đề cơ bản về khoa học xã hội; cung cấp luận cứ khoa học cho Đảng và Nhà nước trong việc hoạch định đường lối, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển nhanh và bền vững của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa; thực hiện tư vấn về chính sách phát triển; đào tạo sau đại học về khoa học xã hội; tham gia phát triển tiềm lực khoa học xã hội và nhân văn của cả nước.

Báo cáo tính hình thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016 của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Chủ tịch Nguyễn Quang Thuấn cho biết hiện nay, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam có 32 đơn vị nghiên cứu khoa học, 06 đơn vị tham mưu giúp việc, 05 đơn vị sự nghiệp khác, 01 đơn vị nghiên cứ khoa học cấp cơ sở. Trong đó có 34 đơn vị trực thuộc là tổ chức nghiên cứu khoa học hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản được ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên và 04 đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm một phần chi thường xuyên. Bộ Nội vụ đã giao số lượng chỉ tiêu biên chế cho Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam là 2.596 người. Tuy nhiên, hiện nay, số lượng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam hưởng lương từ ngân sách là gần 2.100 người, thấp hơn số lượng biên chế được giao.

Theo Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Nguyễn Quang Thuấn, về cơ bản quy mô cơ cấu tổ chức của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam được bảo đảm, có sự cân đối về các lĩnh vực khoa học cơ bản, được trải dài từ Bắc vào Nam. Sự phân định trong thực thi nhiệm vụ cũng được sắp xếp, kiện toàn bảo đảm không chồng chéo, không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động và nâng cao chất lượng chuyên môn gắn với vị trí việc làm và yêu cầu cải cách hành chính hiện nay. Tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị sự nghiệp công lập ngày càng được chủ động, linh hoạt trong mọi lĩnh vực hoạt động tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính.

Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Nguyễn Quang Thuấn phát biểu tại buổi làm việc

Tuy nhiên, lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cũng cho rằng thể chế chính sách và các chế độ đại ngộ trọng dụng đối với đội ngũ các nhà nghiên cứu khoa học, các thành phần hành chính phục vụ công tác nghiên cứu khoa học nói chung, công chức, viên chức Viện Hàn lâm nói riêng còn hạn chế, chưa được hưởng bằng các lĩnh vực khác nên khả năng thu hút, khai thác sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao chưa thật hiệu quả. Bên cạnh đó, việc xây dựng và hoàn thiện Đề án xác định vị trí việc làm trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học xã hội cơ bản là vấn đề khó khăn bởi khó phân định lĩnh vực hoạt động nghiên cứu, tham mưu, tư vấn và đào tạo nguồn nhân lực của các nhà khoa học.

Lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đề nghị cần xác định rõ tiêu chuẩn, định mức, phân loại đội ngũ công chức với chức năng tham mưu, hành chính của Viện Hàn lâm được hưởng chế độ phụ cấp công vụ 25% như các đối tượng công chức khác theo quy định của pháp luật. Đồng thời, sớm nghiên cứu và ban hành văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm các chế độ chính sách ưu đãi, thu hút nhà khoa học làm việc; cơ chế tự chủ trong các tổ chức nghiên cứu khoa học cơ bản; cơ chế tài chính, thanh toán khoán sản phẩm khoa học, cơ chế thuê, đặt hàng chuyên gia, nhà khoa học trong việc xây dựng các văn bản quy phạm, dự án, đề án hỗ trợ phát triển địa phương và doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả, tránh hành chính hóa công tác nghiên cứu khoa học.

Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đánh giá cao các nội dung báo cáo của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, phản ánh khá đầy đủ tình hình kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011- 2016, đưa ra được những đánh giá, đề xuất giải pháp kiến nghị nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về cải cách bộ máy hành chính nhà nước. Thành viên Đoàn giám sát cho rằng tại các cơ quan tham mưu, giúp việc cho Chủ tịch Viện Hàn lâm, tuy số lượng định biên không nhiều nhưng lại bị chia nhỏ thành quá nhiều đơn vị cấp phòng, ban trong Văn phòng Viện dẫn đến tỷ lệ số lượng cán bộ lãnh đạo quản lý trên số viên chức cao. Số lượng các đầu mối các đơn vị có cùng chức năng, phạm vi nghiên cứu còn nhiều.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại buổi làm việc

Các thành viên Đoàn giám sát cũng đề nghị Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đánh giá việc thực hiện chức năng của Viện Hàn lâm, làm rõ những loại việc nào mang tính chất quản lý hành chính, có tính chất công vụ, loại việc nào thuần túy mang tính sự nghiệp như nghiên cứu khoa học, giáo dục, đào tạo; làm rõ đặc thù trong nội dung cải cách hành chính ở đơn vị sự nghiệp công so với các bộ, ngành khác;  xác định vị trí pháp lý và cách thức tiến hành cải cách tổ chức bộ máy đối với từng loại hình đơn vị thuộc Viện Hàn lâm. Trong quá trình rà soát về chức năng, nhiệm vụ, cần làm rõ những loại việc cần được Nhà nước tiếp tục đầu tư, bảo đảm kinh phí hoạt động, loại việc nào có thể xã hội hóa. Đặc biệt, tại các đơn vị còn phụ thuộc vào ngân sách, cần rà soát làm rõ yêu cầu về cơ cấu tổ chức bộ máy, tỷ lệ sử dụng đội ngũ cơ hữu và chuyên gia từ bên ngoài và yêu cầu về cải cách tổ chức hành chính, tinh giản biên chế đối với bộ phận này như thế nào.

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tiếp thu các ý kiến nhận xét của Đoàn giám sát, tiếp tục hoàn thiện các nội dung báo cáo gửi Quốc hội theo hướng bổ sung làm rõ các nội dung Đoàn giám sát đề nghị giải trình thêm; đưa ra những giải pháp cụ thể về kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng tăng cường cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bảo đảm tinh gọn tổ chức, biên chế, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. 

Tin và ảnh: Bảo Yến