Ủy ban thường vụ Quốc hội giám sát các công trình giao thông BOT tại Cần Thơ

22/03/2017

Ngày 20/3, tại Cần Thơ, Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) do Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên làm Phó Trưởng đoàn Thường trực đã giám sát tại hai công trình quan trọng của Bộ Giao thông- Vận tải là dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp Quốc Lộ 91 đoạn Km14 + 000 đến Km 50 + 889 và dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng Quốc Lộ 1 đoạn Cần Thơ - Phụng Hiệp theo hình thức hợp đồng BOT.

Ủy ban thường vụ Quốc hội giám sát các công trình giao thông BOT tại Cần Thơ               Ảnh: Hoàng Anh

Sau khi kiểm tra thực địa, Đoàn đã nghe các nhà thầu, đơn vị quản lý Dự án là Công ty cổ phần đầu tư Quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang và Công ty TNHH BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp báo cáo một số vấn đề liên quan đến nguồn vốn, thời gian thi công, chiều dài tuyến, phương thức quản lý, khai thác công trình sau khi hoàn thành.

Tại các buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đã đặt câu hỏi với đại diện Bộ Giao thông - Vận tải, các ban ngành liên quan và nhà đầu tư về các vấn đề: Quy định tiêu chí dự án đầu tư theo hình thức BOT; tiêu chí đánh giá năng lực của nhà đầu tư trong quá trình chỉ định thầu và thực hiện dự án; việc lập, thẩm định dự án, xác định giá trị công trình, phương án hoàn vốn, kiểm soát hoàn vốn, khai thác dự án đã chặt chẽ, đúng quy định pháp luật hay chưa? Làm rõ lý do các trạm thu phí không bảo đảm khoảng cách 70km khiến mật độ trạm thu phí dày đặc. Giải trình rõ việc thu phí các phương tiện giao thông nhưng không tính tới yếu tố quãng đường lưu thông thực tế, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; chi phí quản lý của nhà đầu tư chưa được quy định cụ thể dẫn tới sự chênh lệch lớn giữa các dự án...

Phát biểu tại buổi làm việc, thay mặt Đoàn giám sát, Phó Trưởng Đoàn Thường trực Nguyễn Đức Kiên ghi nhận những hiệu quả kinh tế- xã hội ban đầu của các dự án mang lại cho địa phương; ghi nhận chất lượng các công trình Đoàn đã tới thực địa. Phó trưởng đoàn Thường trực Nguyễn Đức Kiên cho biết, Đoàn sẽ tiếp tục làm việc với Bộ Giao thông- Vận tải, Bộ Kế hoạch- Đầu tư, Bộ Tài chính, đại diện Ngân hàng Nhà nước và giám sát tại một số địa phương như Long An, Bến Tre... Trong quá trình giám sát, các cơ quan liên quan cần tiếp tục giải trình rõ các vấn đề như: Chỉ áp dụng hình thức đầu tư BOT cho các dự án xây dựng tuyến đường hoàn toàn mới hoặc cải tạo, nâng cấp những tuyến đường không phải là độc đạo để người dân có quyền lựa chọn; yêu cầu các dự án giao thông BOT phải tổ chức đấu thầu. Đối với Bộ Giao thông- Vận tải, đề nghị chủ động xây dựng danh mục dự án thực hiện BOT; bổ sung các tiêu chí đánh giá năng lực nhà đầu tư; đưa ra cơ chế kiểm soát lưu lượng xe minh bạch, hiệu quả thông qua việc thực hiện Đề án thu phí không dừng trên toàn tuyến; quy định về việc thường xuyên công khai, cập nhật lưu lượng phương tiện, doanh thu hoàn vốn, thời gian thu phí hoàn vốn của dự án...

Sau kiểm tra thực địa, ngày 21- 22/3, Đoàn giát làm việc với UBND TP. Cần Thơ, tỉnh Bến Tre và các đơn vị liên quan về việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT; phát hiện những hạn chế, bất cập đồng thời đề xuất, kiến nghị hoàn thiện và giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về khuyến khích đầu tư, khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT.

Theo ĐBND