Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc làm việc tại Hà Tĩnh

24/03/2017

Ngày 23 – 24/3, Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc do Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến làm Trưởng đoàn đã có cuộc làm việc tại Hà Tĩnh về kết quả thực hiện phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển; phân định xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao.

Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc  làm việc tại Hà Tĩnh 

Theo Báo cáo của UBND tỉnh Hà Tĩnh, thời gian qua, tỉnh đã triển khai thực hiện các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, các bộ, ngành về phân định xã, thôn (bản, làng, phum, sóc) theo trình độ phát triển. Thành lập Hội đồng tư vấn giúp Chủ tịch UBND tỉnh thực hiện rà soát thôn, xã đặc biệt khó khăn vùng miền núi, dân tộc. Công tác điều tra, khảo sát, lập hồ sơ xác định các xã, thôn (bản, làng, phum, sóc) đáp ứng theo các tiêu chí. Việc rà soát được thực hiện công khai, minh bạch từ cơ sở, đối với các thôn, bản có tổ chức họp lấy ý kiến nhân dân. Năm 2013, tại Quyết định số 447/QĐ - UBDT ngày 19.9.2013 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về việc công nhận thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực I, II, III vùng miền núi dân tộc giai đoạn 2012 - 2015, Hà Tĩnh có 107 xã được công nhận là miền núi. Trong đó, có 20 xã khu vực I; xã khu vực II là 38 xã và xã khu vực III là 49 xã. Năm 2016, UBND tỉnh đã có Tờ trình số 13/TTr – UBND trình Ủy ban Dân tộc phê duyệt với 104 xã miền núi, trong đó xã khu vực I là 15 xã, xã khu vực II là 89 xã và không có xã khu vực III. Số xã khu vực III giảm 100% là do tiêu chí quy định đối với xã đặc biệt khó khăn khu vực III tại Quyết định 50/2016/QĐ - TTg ngày 3.11.2016 của Thủ tướng Chính phủ quá cao, như tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo, và đối với Hà Tĩnh thì tiêu chí hộ nghèo và cận nghèo là chưa phù hợp.

Hà Tĩnh kiến nghị, mức độ khó khăn ở các khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung là khác nhau, do vậy, khi ban hành tiêu chí phân định khu vực cần căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng vùng để ban hành bộ tiêu chí đúng, sát với từng vùng, bảo đảm công bằng trong thực hiện các chính sách đối với vùng đặc biệt khó khăn. Đề nghị QH, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương có cơ chế chính sách đặc thù riêng đầu tư cho vùng miền núi, dân tộc của tỉnh.

Khẳng định Hà Tĩnh đã và đang nỗ lực vượt khó vươn lên, dù thường xuyên phải đối mặt với lũ lụt, các thành viên Đoàn giám sát đề nghị, Hà Tĩnh cần làm rõ những vướng mắc trong Quyết định 50/2016/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí xác định thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 - 2020. Có phải chỉ vướng mắc trong tiêu chí hộ nghèo hay không? Cần thiết phải bổ sung cơ chế đặc thù gì cho các tỉnh bị ảnh hưởng bởi lũ lụt? Làm rõ mối quan hệ giữa phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển; phân định xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao với thực tế phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Bởi lẽ, mục tiêu của phân định lại vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển là nhằm hoạch định chính sách, chú trọng ưu tiên đầu tư phát triển các vùng này, chứ không phải cào bằng chính sách cho các vùng, miền như cách làm cũ.

Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến, những vấn đề của Đoàn giám sát nêu ra tại cuộc làm việc cần được Hà Tĩnh nghiên cứu, tiếp tục phân tích làm rõ. Kết quả thực hiện phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển; phân định xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao sẽ là cơ sở để Hội Đồng Dân tộc xem xét, đánh giá lại các chính sách đầu tư cho phù hợp, qua đó xây dựng dự án Luật về hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Trước đó, Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc đã khảo sát thực tế tại hai xã Sơn Tiến và Sơn An (huyện Hương Sơn); xã Lộc Yên (huyện Hương Khê); làm việc với UBND huyện Hương Sơn và UBND huyện Hương Khê

(Nguồn ĐBND)

Các bài viết khác