Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2

16/05/2017

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 10, chiều 16/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Ủy ban thường vụ Quốc hội tiến hành thảo luận cho ý kiến về Báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải báo cáo tại phiên họp

Báo cáo với Ủy ban thường vụ Quốc hội về Kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, qua 2.073 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV của các đại biểu Quốc hội tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Ban Dân nguyện đã tổng hợp và chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, giải quyết 3.320 kiến nghị của cử tri. Trong đó có 168/3.320 kiến nghị (chiếm 5,1%) nội dung liên quan đến các hoạt động của Quốc hội; 3.119/3.320 kiến nghị (chiếm 94%)có nội dung tập trung vào công tác điều hành của Chính phủ; (có 13/3.320 kiến nghị), nội dung kiến nghị đề cập đến các hoạt động của Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao; 20/3.320 kiến nghị liên quan đến hoạt động của các tổ chức Chính trị - xã hội và các cơ quan, tổ chức khác.

Đối với các kiến nghị thuộc thuộc thẩm quyền giải quyết của Quốc hội, 168/168 kiến nghị của cử tri đã được giải quyết và có văn bản trả lời (đạt 100%). Cụ thể trong đó có 54/168 kiến nghị (chiếm 32,1%) liên quan đến vấn đề xây dựng pháp luật; 71/168 kiến nghị (chiếm 42,3%) liên quan đến các hoạt động giám sát; 43/168 kiến nghị (chiếm25,6%) có nội dung liên quan đến công tác giới thiệu, lựa chọn nhân sự ứng cử đại biểu Quốc hội, về hoạt động của đại biểu Quốc hội... Các kiến nghị này đều được các cơ quan của Quốc hội, nghiên cứu, trả lời đầy đủ tới cử tri. Đặc biệt đối với 05 kiến nghị có nội dung liên quan đến lĩnh vực chuyên môn của nhiều cơ quan của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã kịp thời chỉ đạo, yêu cầu các Ủy ban của Quốc hội cùng phối hợp xem xét, giao Ủy ban pháp luật chủ trì trả lời cử tri.

Đối với 3.119 kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ đã tiếp nhận, nghiên cứu, giải quyết và có văn bản trả lời 3.119/3.119 kiến nghị của cử tri (đạt 100%). Trong đó, có 2.124 kiến nghị (chiếm 68,1%) đã được trả lời giải trình, cung cấp thông tin với cử tri; 535 kiến nghị (chiếm 17,2%) đã được nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết xong; 460 kiến nghị (chiếm 14,7%) đang trong quá trình giải quyết, cụ thể có 22 kiến nghị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 46 kiến nghị thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, 43 kiến nghị thuộc Bộ Y tế, 22 kiến nghị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, 32 kiến nghị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, 46 kiến nghị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Tòa án nhân dân tối cao đã trả lời 10/10 kiến nghị của cử tri (đạt 100%); Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã trả lời 3/3 kiến nghị của cử tri (đạt 100%); 20 kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của các tổ chức chính trị - xã hội, Văn phòng Chủ tịch nước và các cơ quan, tổ chức khác, liên quan đến chế độ chính sách đối với các cán bộ tham gia hoạt động trong các tổ chức chính trị - xã hội; về đề nghị giám sát và xử lý vi phạm trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ,... đã được Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan trung ương xem xét, giải quyết và trả lời.

Báo cáo giám sát nhận định, mặc dù số lượng kiến nghị cử tri gửi tới Chính phủ, các bộ, ngành là rất lớn (3.119 kiến nghị, kỳ trước chỉ là 856 kiến nghị), nhưng Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành đã rất nỗ lực, tích cực trong việc nghiên cứu, tiếp thu và chỉ đạo giải quyết, trả lời cử tri, kết quả là toàn bộ 3.119 kiến nghị được trả lời, 94 văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành ngay trong thời gian giữa hai kỳ họp thứ 2 và thứ 3 của Quốc hội để kịp thời giải quyết những vấn đề mà cử tri tại nhiều địa phương quan tâm. Trưởng Ban Dân Nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, hiện Ban Dân nguyện đang phối hợp với Cổng thông tin điện tử Quốc hội để đăng tải công khai đầy đủ các kiến nghị cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp

Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến phát biểu tán thành với các nội dung đã nêu trong Báo cáo kết quả giám sát của Ban Dân nguyện. Đồng thời đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành trong công tác giải quyết kiến nghị của cử tri. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, Báo cáo kết quả giám sát của Ban Dân nguyện đã đánh giá, phản ánh được khá kỹ, tương đối đầy đủ việc giải quyết kiến nghị cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV.

Tuy nhiên, để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả trong việc tập hợp, tổng hợp giải quyết kiến nghị của cử tri, đáp ứng sự mong đợi của cử tri và nhân dân cả nước trong thời gian tới, tại phiên họp, một số ý kiến thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành cần có giải pháp khắc phục tình trạng trả lời, giải quyết kiến nghị cử tri đôi lúc còn chậm, chưa đầy đủ; hạn chế tối đa trả lời vòng vo; đồng thời quan tâm giám sát đối với những ý kiến kiến nghị những vụ việc bức xúc ở địa phương; làm rõ thêm tính khả thi của chính sách khi tiếp thu ý kiến đã ban hành chính sách nhưng lại không bố trí ngân sách để thực hiện...

Cho rằng Báo cáo của Ban Dân nguyện đã thể hiện có chiều sâu khi phân loại, sắp xếp các nội dung kiến nghị của cử tri ra thành các nhóm lĩnh vực theo thẩm quyền cụ thể, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao sự chuẩn bị và cố gắng của Ban Dân nguyện trong công tác phân tích, xây dựng báo cáo. Tuy nhiên, để tiếp tục nâng cao chất lượng, đáp ứng sự mong đợi của cử tri cả nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, đối với nhóm kiến nghị chưa giải quyết, còn tồn đọng, Ban Dân nguyện cần nghiên cứu, phân tích rõ hơn những kiến nghị này thuộc về chính sách pháp luật, hay công tác điều hành, chỉ đạo, quản lý. Theo Chủ tịch Quốc hội, bất cứ kiến nghị cử tri thuộc trong phạm vi, thẩm quyền của Bộ, ngành nào thì Bộ, ngành đó đều phải có trách nhiệm giải quyết ngay và báo cáo.

Kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị Ban Dân nguyện tiếp tục rà soát số liệu, chỉnh lý một số nội dung trong báo cáo trên cơ sở các ý kiến đóng góp của Ủy ban thường vụ Quốc hội tại phiên họp. 

Thu Phương

Các bài viết khác