Tham dự Phiên họp có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương Thào Xuân Sùng; các Phó Chủ tịch, Ủy viên thường trực và Ủy viên Hội đồng Dân tộc…
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến phát biểu khai mạc phiên họp lần thứ 4
Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, ngân sách 9 tháng đầu năm 2017 vùng dân tộc thiểu số và miền núi, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, tình hình đời sống kinh tế, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi cơ bản ổn định. Các vấn đề an sinh xã hội, thực hiện các chính sách dân tộc tiếp tục được các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương quan tâm thực hiện; đồng bào các dân tộc yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế, chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tổng số vốn từ ngân sách Trung ương giao trên 4,5 nghìn tỷ đồng đã được Ủy ban Dân tộc đã triển khai, thực hiện 11 chương trình, chính sách trong năm 2017.
Ban cán sự Đảng, Đảng ủy, lãnh đạo Ủy ban Dân tộc đã bám sát các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ quyết liệt triển khai nhiệm vụ kế hoạch của năm đã đề ra. Đồng thời, tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo, điều hành với phương châm sâu sát, cụ thể, quyết liệt và có hiệu quả. Công tác dân tộc và việc thực hiện các chính sách dân tộc được chính quyền địa phương quan tâm, phối hợp nên đạt được kết quả khả quan, góp phần củng cố niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số với Đảng và Nhà nước, tạo điều kiện thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương…
Toàn cảnh phiên họp thứ 4 của Hội đồng Dân tộc
Tuy nhiên, đến nay tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi còn khá cao so với bình quân chung cả nước, nhất là miền núi Tây Bắc, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 34,5%; ngân sách Trung ương bố trí thực hiện các chính sách, chương trình, dự án còn thấp so với kế hoạch, chưa thể hiện tính ưu tiên. Đặc biệt, một số chính sách mới ban hành năm 2016 và 2017, nhưng chưa được bố trí vốn triển khai thực hiện; phần lớn các tỉnh chưa quan tâm triển khai cũng như chưa chủ động sử dụng vốn ngân sách địa phương, nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình mục tiêu quốc gia; công tác phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan thiếu thống nhất.
Các thành viên Hội đồng Dân tộc nhận định, báo cáo của Ủy ban Dân tộc đã phản ánh tương đối đầy đủ, toàn diện tình hình thực hiện chính sách dân tộc; trao đổi vướng mắc từ thực tế; nêu rõ, việc cân đối, bố trí, cấp vốn không đồng bộ, kịp thời ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả chính sách và phát sinh một số vướng mắc trong triển khai thực hiện. Việc kiến nghị bỏ, gộp các ban, phòng Dân tộc ở cấp tỉnh, huyện không chỉ gây tâm lý hoang mang mà còn làm đội ngũ cán bộ dân tộc ở địa phương vốn đã thiếu lại càng yếu, công tác tham mưu bị ảnh hưởng.
Nhiều ý kiến kiến nghị, cần cân đối ngân sách, bố trí đủ nguồn lực cho các chính sách dân tộc đã được phê duyệt theo thứ tự ưu tiên sớm nhất để đạt các mục tiêu đề ra, qua đó góp phần nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Việc xây dựng cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành trong xây dựng chính sách dân tộc, phân bổ nguồn lực, nâng cao vai trò của cơ quan quản lý, ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách cũng được kiến nghị. Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành ghi nhận và tiếp thu các ý kiến của các đại biểu; cho biết sẽ tổng hợp đầy đủ, báo cáo Quốc hội.Tại Phiên họp, Hội đồng Dân tộc nghe Ủy ban Dân tộc báo cáo phương hướng, nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và dự toán ngân sách Trung ương 3 năm tới cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến vào các dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi); dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi); dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tố cáo; dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).