Kiến nghị đẩy mạnh giải quyết khiếu nại, tố cáo còn tồn đọng

07/11/2017

Chiều ngày 07/11, tại phiên họp toàn thể thảo luận về các Báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2017, Quốc hội đã nghe trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2017. Theo kết quả giám sát, từ ngày 16/8/2016 đến 15/8/2017 các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Đoàn Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Quốc hội nhận được tổng số 42.855 đơn thư.

Trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2017, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, trong kỳ báo cáo, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Đoàn Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Quốc hội  nhận được tổng số 42.855 đơn thư, tăng so với cùng kỳ 167 đơn. Trong đó có 28.023 đơn trùng lặp, nặc danh, mạo danh, không rõ nội dung…(chiếm 65,4%). Sau khi nghiên cứu, Quốc hội đã chuyển 7.121 đơn đến các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân, Viện kiểm sát Nhân dân, Tòa án Nhân dân các cấp để giải quyết (đạt tỷ lệ 48%) và đã nhận được 3.591 văn bản trả lời, đạt tỷ lệ 50,4%.

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trình bày Báo cáo                                           Ảnh: Đình Nam

Nội dung đơn thư gửi đến Quốc hội chủ yếu thuộc lĩnh vực đất đai (chiếm 60-65%) như thu hồi đất, khung giá bồi thường, hỗ trợ và bố trí tái định cư; về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; về tố cáo một số cán bộ, công chức sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, tài chính và trong giải quyết khiếu nại, tố cáo; ngoài ra là các vấn đề về chế độ, chính sách cho người có công, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, hoạt động của doanh nghiệp, các dự án BOT, về thuế, phí, lệ phí, về chống tham nhũng,… Trong lĩnh vực tư pháp: chủ yếu liên quan đến oan sai, bỏ lọt tội phạm, đề nghị xem xét giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án, quyết định đã có hiệu lực; tố cáo trách nhiệm của điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, chấp hành viên có biểu hiện tiêu cực và thiếu khách quan trong thực thi nhiệm vụ.

Đánh giá kết quả giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo do Quốc hội chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội nêu rõ, qua giám sát cho thấy các cơ quan ở Trung ương và địa phương đều tích cực triển khai các nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đặc biệt, công tác giải quyết các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài đã có những chuyển biến rất rõ rệt. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã phân công đồng chí Phó Thủ tướng trực tiếp hàng tuần chủ trì họp, rà soát từng vụ việc, kết quả là đã chỉ đạo giải quyết được 450 vụ việc tại 17 tỉnh, thành phố thể hiện sự nỗ lực của Chính phủ và cơ quan hành chính các cấp. Trong lĩnh vực tư pháp số lượng đơn thư do Quốc hội chuyển đến Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao được giải quyết tăng so với cùng kỳ. Công tác phối hợp của Uỷ ban nhân dân các địa phương với Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các tổ chức đoàn thể cùng tham gia, vận động người dân chấp hành những quyết định giải quyết đúng pháp luật được đẩy mạnh; sự phối hợp với các bộ, ngành trong giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng chặt chẽ và hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, báo cáo giám sát cũng chỉ ra rằng, đơn thư khiếu nại, tố cáo do Quốc hội chuyển đến các cơ quan ở Trung ương và địa phương được giải quyết, trả lời có tỷ lệ thấp chỉ đạt 50,4%; tỷ lệ số vụ việc khiếu nại tố cáo đã được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết nhưng qua giám sát nhận thấy còn có căn cứ để xem xét lại là 27,3% (30/110 vụ việc) cho thấy chất lượng giải quyết khiếu nại tố cáo vẫn còn nhiều bất cập.

Bên cạnh đó, còn có tình trạng người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp chưa thực hiện đúng quy định pháp luật về định kỳ tiếp công dân, ủy quyền cho cấp phó hoặc giao các ngành, cơ quan chuyên môn tiếp thay còn khá phổ biến, có vụ việc rất đơn giản, nếu công dân được người đứng đầu tiếp thì vụ việc có thể được giải quyết ngay, nhưng vì người tiếp thay không đủ thẩm quyền giải quyết nên vụ việc kéo dài, công dân phải đi lại nhiều dẫn đến bức xúc. Bên cạnh đó, trong một số trường hợp người đứng đầu còn chậm chễ, chưa thực hiện đúng thời hạn giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân. Năng lực một số cán bộ, công chức làm công tác tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo còn hạn chế nhất là cấp cơ sở (cán bộ học chuyên ngành luật làm việc trong lĩnh vực này chỉ khoảng 30-50%), công tác bồi dưỡng nghiệp vụ chưa được thường xuyên dẫn đến chất lượng giải quyết khiếu nại lần đầu chưa cao…

Ngoài ra, thực tế cho thấy phần lớn công dân không khởi kiện ra tòa khi công dân không đồng tình với các quyết định giải quyết khiếu nại, hoặc quá thời hạn mà khiếu nại không được giải quyết theo quy định của Luật khiếu nại (tỷ lệ khởi kiện chỉ khoảng 5%), mà tiếp tục gửi đơn thư vượt cấp hoặc gửi tới các cơ quan dân cử, đại biểu dân cử, đề nghị xem xét.

Từ những tồn tại, hạn chế trên, Ủy ban thường vụ Quốc hội kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung nghị quyết Nghị quyết số 228/1999/NQ-UBTVQH10, Nghị quyết số 694/2008/NQ-UBTVQH12, và Nghị quyết số 759/NQ-UBTVQH13 về công tác tiếp công dân, xử lý đơn, thư của Quốc hội, tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ, đầy đủ trong công tác tiếp nhận, xử lý đơn thư; theo dõi đôn đốc, giám sát việc giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân gửi tới Quốc hội; gắn kết công tác xử lý đơn thư với các hoạt động giám sát, chất vấn; tăng cường giám sát các vụ việc cụ thể; quan tâm xây dựng phần mềm quản lý dữ liệu, xử lý đơn thư dùng chung trong Quốc hội.

Đối với Chính phủ, kiến nghị chỉ đạo các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các địa phương rà soát trả lời 2.865 đơn thư do Quốc hội chuyển đến chưa được giải quyết; chỉ đạo giải quyết dứt điểm đối với những vụ việc mà đoàn giám sát đã có kiến nghị, phân tích làm rõ nguyên nhân vì sao đơn thư do Quốc hội chuyển đến được xem xét, giải quyết, trả lời đạt tỷ lệ thấp. Nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý đất đai nhằm hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo; tiếp tục rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng. Cần có cơ chế xử lý trách nhiệm đối với cán bộ không thực hiện nghiêm túc Luật tiếp công dân, Luật khiếu nại, Luật tố cáo; xử lý nghiêm cán bộ có sai phạm được phát hiện qua khiếu nại, tố cáo của công dân, có biện pháp hiệu quả thu hồi đất đai, tài sản bị thất thoát. Bố trí cán bộ đủ năng lực, có trình độ chuyên môn về pháp luật làm công tác tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, thường xuyên bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ; tổ chức thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý cán bộ thiếu trách nhiệm, vi phạm trong giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Đối với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, kiến nghị nâng cao hiệu quả trong hoạt động truy tố, xét xử, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; nâng cao tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; chỉ đạo giải quyết đơn thư do Quốc hội chuyển đến còn tồn đọng.

Bảo Yến