Đại biểu lo ngại thực trạng lấn chiếm đất đai ở khu vực dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành

13/11/2017

Sáng 13/11, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp.

Trước đó, theo Theo Tờ trình của Chính phủ về Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Cảng hàng không quốc tế Long Thành được triển khai trên diện tích 5.000 ha, với vai trò là cảng hàng không quốc tế cửa ngõ lớn và quan trọng bậc nhất quốc gia, trong tương lai sẽ nâng tầm lên khu vực Đông Nam Á. Dự án chia thành 3 giai đoạn với khái toán tổng mức đầu tư giai đoạn một đến năm 2025 là 5,45 tỷ USD. Để khởi công vào năm 2019, Chính phủ dự kiến tổng chi phí thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là hơn 1 tỷ USD.

Đại biểu lo ngại thực trạng lấn chiếm đất đai ở khu vực dự án Long Thành

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc - tỉnh Đồng Nai phát biểu tại Hội trường      Ảnh: Đình Nam

Là đại biểu tỉnh Đồng Nai, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho biết, người dân địa phương mong muốn dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành sớm được thực hiện bởi vì 12 năm qua gần như đó là dự án treo. Bên cạnh việc cần bảo đảm tính khả thi của dự án này, đại biểu nhấn mạnh đến khâu giám sát việc thực thi. Bởi đã có rất nhiều những dự án lớn khi đưa ra thì rất đơn giản nhưng cuối cùng lại phình ra ghê gớm, gây ra bức xúc trong người dân và tạo ra nợ công. Do đó, bên cạnh việc tiếp thu những vấn đề hết sức cụ thể về mặt kỹ thuật, về mặt kinh tế, đại biểu rất mong có được một sự giám sát thật chặt chẽ để mang lại niềm tin cho người dân và xây dựng được một công trình mới trong quá trình phát triển đất nước.

Lo ngại thực trạng lấn chiếm diễn ra tại khu vực dự án, đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến – tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai cần điều tra, khảo sát nhu cầu diện tích đất ở đối với từng hộ gia đình, số hộ nhận suất tái định cư tối thiểu bằng đất, số hộ có nhu cầu tái định cư tập trung, số hộ có nhu cầu tách hộ trên cơ sở số liệu điều tra dùng để thiết kế các lô đất trong các khu tái định cư ra sao. Đồng thời, đại biểu đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai xem xét việc quy định suất tái định cư tối thiểu cho phù hợp với khả năng nhu cầu và mức đã bồi thường so với thực tế.

Chung quan điểm, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng – tỉnh Bến Tre phản ánh tình trạng tái lấn chiếm đất đai ở khu vực Long Thành đã được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm. Theo đại biểu, làm thế nào để tránh được tình trạng này là hết sức quan trọng. Thực tế đã có nhiều hộ “nhảy dù” lấn chiếm, phải bồi thường tái định cư cho cả các hộ nhảy dù, hơn nữa, sau khi thu hồi rồi lại tiếp tục tái lấn chiếm. Do đó, đại biểu đề xuất Nghị quyết của Quốc hội cần bổ sung quy định, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, lợi dụng chính sách trục lợi, lấn chiếm đất đai.

Đề nghị sớm xúc tiến quy hoạch một thành phố Long Thành

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường – Tp.Hà Nội phát biểu tại Hội trường

Theo đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường – Tp.Hà Nội, để lựa chọn phương án thu hồi đất, thực hiện các chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư cho người dân khi thu hồi đất thì dự án này thiếu các dữ liệu chi tiết để tính toán chắc chắn, chính xác quy mô đất thu hồi, phương án hỗ trợ, chuyển đổi tái định cư cho người dân một cách phù hợp nhất…

Đại biểu đề nghị tính toán kỹ giữa cái được và mất khi quy hoạch hai khu tái định cư. Theo báo cáo của dự án, ngay trong giai đoạn 2018-2019 dự án sẽ xây dựng xong khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn với diện tích 282 hecta và có hơn 4 nghìn lô đất, trong đó 98% dành để tái định cư cho 4.727 hộ. Sau đó, giai đoạn 2018-2020 thì xây khu tái định cư Bình Sơn với diện tích 282,79 hecta và phân thành 1539 lô đất, trong đó 30% lô đất này dành để tái định cư cho 469 hộ.

Đại biểu cho rằng, đối với những vùng đang quy hoạch và đầu tư phát triển mới, giá sử dụng đất trên thị trường sẽ thay đổi hàng ngày. Trong khi 4.727 hộ khi tái định cư Lộc An - Bình Sơn đã được nhận đền bù di dời xong trong 2018-2019 thì 469 hộ khu Bình Sơn đến 2020 mới thực hiện di dời tái định cư, khi đó giá đất trên thị trường thay đổi rất nhiều. Lúc đó việc thực hiện bồi thường cho những hộ này theo giá trên thị trường hay giá của người đã nhận ở đợt trước. Đây chính là nguyên nhân gây khiếu kiện trong đền bù tái định cư và là khó khăn trong giải phóng mặt bằng hiện nay.

Bên cạnh đó, kinh nghiệm trên thế giới cho thấy khi hình thành một sân bay quốc tế từ 25 triệu đến 50 triệu hành khách thì thường sẽ kéo theo sự phát triển của các trung tâm thương mại, trung tâm logistic, trung tâm về cư trú cho cán bộ khu vực này. Sân bay Long Thành được quy hoạch với lưu lượng đến 100 triệu hành khách, cách Tp. Hồ Chí Minh 40km, cách Biên Hoà 30km, cách Vũng Tàu 70km, nằm ở trung tâm vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ. Do vậy chắc chắn sân bay Long Thành sẽ hình thành phát triển khu đô thị mới theo hướng dịch vụ và các trung tâm phát triển.

Việc hình thành khu tái định cư ở Bình Sơn với diện tích gần 290 ha sẽ phá vỡ quy hoạch để hình thành một thành phố sân bay hiện đại trong tương lai. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ sớm xúc tiến quy hoạch ngay một thành phố Long Thành song song với quy hoạch xây dựng sân bay Long Thành. Việc làm này không chỉ mang lại nguồn thu hàng trăm ngàn tỷ mà còn giúp hình thành trung tâm phát triển hiện đại ở khu vực Đông Nam Bộ.

Phát biểu giải trình, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể tiếp thu các ý kiến và mong muốn Quốc hội ủng hộ dự án. Bộ trưởng cho rằng, nếu theo tiến độ này thì 2025 mới đưa giai đoạn 1 của sân bay Long Thành vào hoạt động. 8 năm tới có thể nói là hết sức khó khăn cho ngành giao thông cũng như cho Tp.Hồ Chí Minh, vì sân bay Tân Sơn Nhất đã quá tải nghiêm trọng. Do đó, Bộ trưởng khẳng định việc triển khai sân bay Long Thành là đòi hỏi cấp thiết, là dự án quan trọng cấp quốc gia, đáp ứng nhu cầu thực tế, khi mà người dân, kể cả các nhà đầu tư và mục tiêu phát triển du lịch.

Về lo lắng của đại biểu ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, Bộ trưởng Bộ Giao thông xác định đây là dự án trọng điểm quốc gia, ảnh hưởng rất nhiều hộ dân nên việc triển khai thực hiện cần hết sức thận trọng. Sau khi Quốc hội có ý kiến, Chính phủ phê duyệt, Bộ Giao thông Vận tải sẽ cùng các bộ, ngành phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai rà soát từng phần việc sẽ thực hiện, lên phương án triển khai sao cho công khai minh bạch.

Vân Ngọc