Đánh giá cụ thể hơn về các hành vi hạn chế cạnh tranh thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam

15/11/2017

Sáng 15/11, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội đã tiến hành thảo luận ở Hội trường về Dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi). Phát biểu tại Hội trường, đa số các đại biểu Quốc hội nhất trí với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Cạnh tranh theo Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, một số ý kiến cũng đề nghị Ban soạn thảo cần đánh giá cụ thể hơn về các hành vi hạn chế cạnh tranh thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, gây tác động hoặc có khả năng gây tác động, hạn chế cạnh tranh đáng kể trên thị trường Việt Nam để có cơ sở cho việc chuẩn bị về tổ chức và con người để thực thi nhiệm vụ này.

Theo Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi), thực tiễn thực thi pháp luật cạnh tranh tại Việt Nam cho thấy, trong thời gian gần đây đã xuất hiện một số vụ việc cạnh tranh được thực hiện ở nước ngoài, nhưng có ảnh hưởng nhất định đến thị trường Việt Nam, chẳng hạn, thoả thuận ấn định phí và phụ phí vận chuyển tàu biển giữa các hãng tàu lớn của nước ngoài có ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam, hay thương vụ mua bán, sáp nhập có giá trị giao dịch lớn được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng có tác động tới thị trường Việt Nam như thương vụ Tập đoàn Abbott mua lại Công ty dược phẩm CFR; Tập đoàn Boehringer Ingelheim International mua lại Sanofi SA trong lĩnh vực thuốc thú y… Luật Cạnh tranh năm 2004 chưa quy định cơ sở pháp lý rõ ràng để điều chỉnh các hành vi diễn ra bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, nhưng có ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường cạnh tranh tại Việt Nam. Trong khi đó, tại một số nước trên thế giới như Hoa Kỳ, Canada, Úc, New Zealand, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… các cơ quan cạnh tranh gần đây đã điều tra, xử lý nhiều vụ việc thoả thuận hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế xuyên biên giới.

Vì vậy, để bảo vệ môi trường cạnh tranh tại Việt Nam, dự thảo Luật đã mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với “hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam” (Điều 1 dự thảo Luật). Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh như trên sẽ giúp đem lại một số hiệu ứng tích cực như sau: Thứ nhất, tạo hành lang pháp lý để điều tra và xử lý toàn diện mọi hành vi cạnh tranh dù xảy ra tại đâu nhưng có tác động hoặc có khả năng gây tác động tiêu cực đối với thị trường Việt Nam, góp phần ổn định nền kinh tế nội địa; Thứ hai, tạo cơ sở pháp lý cho cơ quan cạnh tranh Việt Nam hợp tác với cơ quan cạnh tranh của các nước khác trong quá trình điều tra, xử lý các vụ việc cạnh tranh, tạo điều kiện thực thi các cam kết về cạnh tranh trong các Hiệp định thương mại song phương và đa phương.

Theo đó, tại Điều 1. Phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi): "Luật này quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam; hành vi cạnh tranh không lành mạnh; tố tụng cạnh tranh; biện pháp xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh; quản lý nhà nước về cạnh tranh".

Cơ sở pháp lý quan trọng cho cơ quan cạnh tranh Việt Nam hợp tác với cơ quan cạnh tranh của các nước khác

ĐBQH Nguyễn Thị Mai Phương cho rằng việc mở rộng phạm vi điều chỉnh là một cơ sở pháp lý quan trọng cho
cơ quan cạnh tranh Việt Nam hợp tác với cơ quan cạnh tranh của các nước khác

Nhất trí với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Cạnh tranh theo Tờ trình của Chính phủ, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Phương – tỉnh Gia Lai, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Tuân - tỉnh Thái Bình cho rằng, việc quy định không chỉ giới hạn hành vi hạn chế cạnh tranh được xác lập thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam mà còn điều chỉnh cả hành vi hạn chế cạnh tranh được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đáng kể trên thị trường Việt Nam để đáp ứng với yêu cầu của thực tiễn. Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh là một cơ sở pháp lý quan trọng cho cơ quan cạnh tranh Việt Nam hợp tác với cơ quan cạnh tranh của các nước khác trong quá trình điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh để thực thi các quy định của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và cũng phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, đại biểu Phạm Văn Tuân đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ tính khả thi của quy định trong trường hợp các quốc gia, khu vực chưa có điều ước quốc tế với Việt Nam thì việc thực thi quy định về cạnh tranh sẽ gặp nhiều khó khăn.

Bày tỏ nhất trí với quy định trên, tuy nhiên, đại biểu Quốc hội Mai Thị Kim Nhung - tỉnh Quảng Trị đề nghị cần diễn đạt điều này như sau: "Luật này quy định về những hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh, bao gồm hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khó khăn gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam, cạnh tranh không lành mạnh, xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh, quản lý nhà nước về cạnh tranh". Đại biểu cho rằng, việc diễn đạt như trên sẽ rõ hơn về phạm vi điều chỉnh của luật, bao gồm 4 nhóm quan hệ pháp luật, đó là hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh, tố tụng cạnh tranh, xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh và quản lý nhà nước về cạnh tranh. Để thể hiện nội hàm rộng hơn, khái quát hơn trong xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh, đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo xem xét bỏ từ "biện pháp" trong cụm từ "biện pháp xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh" bởi xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh không chỉ là biện pháp mà còn là hình thức xử lý, mức độ xử lý tùy thuộc vào tính chất, hậu quả do hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh gây ra.

Đánh giá cụ thể hơn về các hành vi hạn chế cạnh tranh thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam

Phát biểu thảo luận tại Hội trường, đại biểu Quốc hội Trần Hồng Nguyên – tỉnh Bình Thuận cho rằng, việc Dự thảo luật mở rộng phạm vi điều chỉnh theo hướng không chỉ giới hạn hành vi hạn chế cạnh tranh được xác lập thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam mà còn mở rộng cả hành vi hạn chế cạnh tranh thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam là cách tiếp cận mới, phù hợp với nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Để tạo cơ sở pháp lý thực hiện quy định này, Dự thảo luật đã dành ra 2 Điều về hợp tác quốc tế trong quá trình tố tụng cạnh tranh tại Điều 111 và nguyên tắc hợp tác quốc tế trong quá trình tố tụng cạnh tranh tại Điều 112.

ĐBQH Trần Hồng Nguyên đề nghị đề nghị đánh giá cụ thể hơn về các hành vi hạn chế cạnh tranh thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam

Tuy nhiên, thực tiễn qua 12 năm thi hành Luật Cạnh tranh, Bộ Công thương đã chủ động tiến hành hoạt động điều tra tiền tố tụng đối với nhiều ngành, lĩnh vực có tính chất quan trọng, nhạy cảm trong nền kinh tế. Nhưng tính đến năm 2016 cũng mới chỉ thực hiện được 87 cuộc điều tra tiền tố tụng. Trong đó, số vụ việc điều tra liên quan đến các hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường và lạm dụng vị trí độc quyền là 8 vụ việc và đã được Hội đồng cạnh tranh xử lý 6 vụ việc. Kết quả này cho thấy mặc dù các cơ quan có thẩm quyền rất nỗ lực nhưng số vụ việc được phát hiện và xử lý còn rất khiêm tốn. Việc Dự thảo luật chỉ dành 2 điều có nguyên tắc chung để điều chỉnh hành vi hạn chế cạnh tranh thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam là chưa đủ cơ sở pháp lý. Thực tiễn cho thấy việc điều tra, xử lý hành vi hạn chế cạnh tranh được xác lập thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam cũng rất khó khăn. Mặc dù các cơ quan có thẩm quyền đã nỗ lực rất nhiều nhưng kết quả đem lại còn rất khiêm tốn. Trong khi đó việc điều tra hành vi hạn chế cạnh tranh thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam sẽ phức tạp và khó khăn hơn nhiều.

Vì vậy, đại biểu Trần Hồng Nguyên đề nghị cơ quan soạn thảo cần đánh giá cụ thể hơn về các hành vi hạn chế cạnh tranh thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, gây tác động hoặc có khả năng gây tác động, hạn chế cạnh tranh đáng kể trên thị trường Việt Nam để có cơ sở cho việc chuẩn bị về tổ chức và con người để thực thi nhiệm vụ này. Đồng thời, Dự thảo luật cũng cần bổ sung quy định cụ thể và chi tiết hơn về thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết và thi hành quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh xảy ra bên ngoài lãnh thổ Việt Nam có gì đặc thù khác so với việc xử lý vụ việc cạnh tranh xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam để có căn cứ áp dụng.

Đánh giá mặc dù Dự thảo luật đã bước đầu thể hiện được quan điểm đề xuất mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật đối với những hành vi cạnh tranh diễn ra bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, tuy nhiên đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng – tỉnh Vĩnh Long cũng cho rằng, việc quy định này còn chưa rõ, chưa cụ thể, chưa thấy nội dung bên ngoài lãnh thổ Việt Nam quy định cụ thể như thế nào. Do đó đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định rõ hơn vấn đề này.

ĐBQH Lê Anh Tuấn đề nghị Dự thảo luật cần xem xét, cân nhắc có bao gồm hành vi cạnh tranh không lành mạnh hay không

Ở một khía cạnh khác, đại biểu Quốc hội Lê Anh Tuấn - tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, trong phạm vi điều chỉnh, Dự thảo luật cần xem xét, cân nhắc có bao gồm hành vi cạnh tranh không lành mạnh hay không. Theo đại biểu, thực chất cạnh tranh không lành mạnh là hành vi dân sự kinh tế buộc phải có đối thủ bị xâm hại cụ thể. Chủ thể bị hành vi cạnh tranh không lành mạnh xâm hại có quyền khởi kiện đối thủ cạnh tranh ra tòa án để yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm và bồi thường thiệt hại nếu có. Bởi vậy, việc sử dụng chung các chế tài hành chính cho cả hành vi hạn chế cạnh tranh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh từ Điều 113 đến 117 trong Dự thảo luật là không còn phù hợp.

Theo đại biểu, trên thực tế, các luật chuyên ngành đã quy định cụ thể về hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong từng lĩnh vực như Luật Bảo vệ người tiêu dùng, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Thương mại, Luật Viễn thông, Luật Bản quyền tác giả v.v... Do đó, khi áp dụng Luật Cạnh tranh về các hành vi cạnh tranh không lành mạnh vẫn phải dẫn chiếu đến các luật chuyên ngành mới có thể áp dụng được và khi có sự thay đổi của luật chuyên ngành trong việc nhận diện một hành vi cạnh tranh không lành mạnh dẫn đến đồng thời sự thay đổi cách thức xác định hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong Luật Cạnh tranh. Bởi vậy để bảo đảm tính thống nhất của pháp luật, không nên quy định về hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong Dự thảo luật, đồng thời cần rà soát các luật chuyên ngành có liên quan, tránh bỏ sót hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Bộ trưởng Bộ Công thương Lê Tuấn Anh giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi).

Giải trình, làm rõ thêm các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, trên thực tế, theo thông lệ quốc tế các hoạt động liên quan đến xử lý các vụ việc liên quan đến cạnh tranh và hành vi phạt cạnh tranh đã được thực hiện ở tất cả phạm vi trên toàn cầu, trong các khuôn khổ của hội nhập cả đa phương và song phương. Một số trường hợp các quốc gia, các nền kinh tế không có những thỏa thuận trực tiếp nhưng theo thông lệ vẫn thực hiện các hoạt động trong sự chủ động phối hợp giữa các cơ quan điều tra về cạnh tranh cũng như xử lý các vụ việc vi phạm cạnh tranh. Về cơ bản, tính chất pháp lý và vai trò của cơ quan cạnh tranh quốc gia trong khi thực hiện luật này sẽ có sự chủ động trong việc phối hợp với quốc tế để đảm bảo tính thực thi cũng như hiệu lực của nó trong xử lý những vụ việc có liên quan đến Việt Nam và yêu cầu mục đích trong đảm bảo môi trường cạnh tranh tại Việt Nam.

Về mối quan hệ giữa Luật Cạnh tranh và các bộ luật khác trong chuyên ngành liên quan đến vấn đề cạnh tranh tại thị trường Việt Nam, từ kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các luật về cạnh tranh mà các quốc gia ban hành là những luật chung nhất mang tính khái quát; là bộ luật chung trong vấn đề về cạnh tranh. Có thể đưa ra những nền tảng dựa trên cơ sở của tư duy về pháp lý và tư duy về kinh tế để phục vụ cho việc xây dựng hoàn thiện và thực hiện môi trường cạnh tranh ở bất kỳ một quốc gia và một nền kinh tế nào. Trong các lĩnh vực chuyên ngành có thể có những bộ luật, có điều khoản liên quan đến các nội dung của quản lý nhà nước chuyên ngành. Vì vậy, qua thực tiễn của các quốc gia, các nền kinh tế trên thế giới cũng như thực tiễn trong hợp tác quốc tế, rất cần có một pháp luật cạnh tranh, có một luật làm nền tảng chung để đưa ra những khái niệm, đảm bảo thống nhất cũng như cách nhìn nhận diễn giải về tính cạnh tranh và thị trường cạnh tranh, trong đó có yếu tố cạnh tranh bền vững và cạnh tranh bình đẳng.

Tiếp thu ý kiến phát biểu của các đại biểu, Bộ trưởng khẳng định sẽ tiếp tục nghiên cứu để đảm bảo hoàn thiện hệ thống pháp luật về cạnh tranh, trong đó Luật Cạnh tranh sẽ là nền tảng.

Toàn văn Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) tại đây.

Tin: Quang Minh / Ảnh: Đình Nam