Xem xét, thận trọng việc áp dụng thí điểm chính sách thuế tài sản đối với Thành phố Hồ Chí Minh và áp dụng trên phạm vi toàn quốc

20/11/2017

Sáng 20/11, tại Nhà Quốc hội, thảo luận ở hội trường dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, đa số đại biểu Quốc hội bày tỏ tán thành với việc ban hành Nghị quyết sẽ tạo động lực phát triển cho Thành phố. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, cần xem xét, cân nhắc lại một số chính sách, trong đó có việc áp dụng thí điểm thuế tài sản đối với Thành phố Hồ Chí Minh.

Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển Tp Hồ Chí Minh  Ảnh: Đình Nam

Thận trọng trong ban hành chính sách để phù hợp với lòng dân

Theo đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai- TP. Hà Nội, thuế tài sản là loại thuế có lịch sử phát triển lâu đời ở nhiều nước và tỷ lệ thu từ đây chiếm một phần quan trọng trong tổng số thu từ thuế. Ví dụ ở Nhật chiếm 10%, ở Thụy Điển 7%, ở Canada là 4%, tuy nhiên ở nước ta thì số thu từ sử dụng đất cho những năm qua là quá thấp, chỉ chiếm khoảng 0,03% GDP. Như vậy, việc ban hành một đạo luật là thuế tài sản để áp dụng trên phạm vi toàn quốc là hoàn toàn cần thiết. Tuy nhiên, nếu chỉ áp dụng đối với Thành phố Hồ Chí Minh cần cân nhắc bởi những lý do như:

Thứ nhất, việc ban hành thuế tài sản áp dụng riêng và mang tính thí điểm sẽ có thể ảnh hưởng đến tính công bằng trong việc áp dụng và thực thi chính sách. Một trong những nguyên tắc cơ bản trong pháp luật về quản lý thuế là phải đảm bảo tính công bằng, bình đẳng giữa các đối tượng nộp thuế và nếu chỉ áp dụng đối với người có tài sản ở Thành phố Hồ Chí Minh thì rõ ràng có sự khác biệt giữa những người nộp thuế. Hiện nay, có rất nhiều người được coi là đại gia về bất động sản, nếu như có tài sản, có nhà đất ở những địa bàn khác thì không phải nộp thuế, trong khi người dân có đất đai, tài sản tại Thành phố Hồ Chí Minh lại là đối tượng chịu thuế, do đó cần cân nhắc thêm. Mặc dù thí điểm phải có sự khác biệt nhưng khi những chính sách mang tính thí điểm đấy có thể tác động đến tâm lý cũng như lợi ích của người dân thì cần hết sức thận trọng.

Thứ hai, căn cứ vào các Nghị quyết của Bộ Chính trị và Tờ trình của Chính phủ thì một trong những mục tiêu quan trọng nhất đối với việc ban hành Nghị quyết này là tăng cường tính hấp dẫn của Thành phố Hồ Chí Minh và khắc phục được tình trạng kém thu hút đầu tư của Thành phố Hồ Chí Minh trong những năm gần đây. Tuy nhiên, nếu có thuế tài sản áp dụng cho Thành phố Hồ Chí Minh sẽ ảnh hưởng đến thị trường bất động sản, ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán và chỉ số cạnh tranh, chỉ số hấp dẫn của Thành phố Hồ Chí Minh trên bảng xếp hạng cũng có thể bị ảnh hưởng.

ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai đề nghị thận trọng áp dụng thí điểm chính sách về thuế tài sản đối với Tp Hồ Chí Minh

Căn cứ vào kinh nghiệm của một số nước, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cũng cho rằng, việc áp dụng thuế tài sản chỉ đạt được hiệu quả cao khi hội tụ những điều kiện như: 1. có cơ sở dữ liệu hiện đại mang tính chuẩn xác về thực trạng bất động sản, hệ thống này không chỉ mang tính lưu giữ thực trạng bất động sản mà còn phải cập nhật thường xuyên liên tục từng ngày, từng giờ những biến động về tài sản, về thực trạng quyền sở hữu tài sản cũng như chuyển giao tài sản. 2. Nhà nước phải có hệ thống đo đạc hồ sơ địa chính hoàn toàn chuẩn xác. 3. Có hệ thống định giá bất động sản mang tính khoa học hợp lý, có bộ máy đủ mạnh để thực hiện công tác định giá tài sản như vậy mới đảm bảo tính hài hòa về lợi ích giữa nhà nước và người nộp thuế. 4. Có hệ thống chứng minh thu nhập nghĩa vụ chứng minh nguồn gốc tài sản để tránh tình trạng lách luật, trốn thuế. 5. Phải chuẩn bị về mặt tâm lý đối với người nộp thuế.

Từ những phân tích trên, đại biểu cho rằng, những điều kiện cần và đủ chưa thực sự mang tính đồng bộ, do đó, để áp dụng thí điểm chính sách về thuế tài sản đối với Thành phố cần phải hết sức thận trọng nhằm đảm bảo chính sách ban hành phù hợp với lòng dân.

Mở rộng đối tượng thu thuế ở những chính sách thuế hiện có và áp dụng đồng bộ trên phạm vi toàn quốc

ĐBQH Mai Hồng Hải: tận dụng triệt để các loại thuế và lệ phí thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân Thành phố quy định tại Luật phí và lệ phí

Phát biểu tại Hội trường, đại biểu Quốc hội Mai Hồng Hải- Tp. Hải Phòng cho rằng, các chính sách về thuế, phí và lệ phí đều quy định theo hướng tăng lên và mở rộng nhưng Nghị quyết không giao cho Thành phố Hồ Chí Minh quyết định tất cả mà chỉ chủ trương mức trần tăng 25% đối với thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường. Thành phố sẽ soạn thảo, chuẩn bị và báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Việc thí điểm áp dụng trên địa bàn thành phố, thí điểm về thuế tài sản vẫn do Quốc hội quy định. Quy định này không trái Hiến pháp và vẫn đảm bảo thận trọng. Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng, các chính sách về thuế, phí cần triển khai theo hướng mở rộng đối tượng thu hơn là tăng tỷ lệ hoặc mức thu. Đồng thời cần tận dụng triệt để các loại thuế và lệ phí thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân Thành phố quy định tại Luật phí và lệ phí. Mặt khác, thí điểm về thuế tài sản thì không cần thiết giới hạn tài sản là nhà đất, vì vẫn còn là chủ trương và do Quốc hội sẽ xem xét quyết định.

Thống nhất phương án thí điểm tăng thuế suất, thu thuế tài sản, sau đó tổng kết nhân rộng và không tăng tất cả các loại thuế, đại biểu Quốc hội Dương Minh Tuấn- tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, việc tăng nhiều loại thuế sẽ là lợi thế trước mắt, nhưng sẽ không mang lại tính hiệu quả lâu dài. Đối với thuế tài sản, đại biểu đề nghị không chỉ thí điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh mà đề nghị Chính phủ cân nhắc thí điểm tại cả Thành phố Hà Nội.

Còn theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, việc áp dụng thí điểm chính sách về thuế đối với Thành phố Hồ Chí Minh nên được tổng kết đầy đủ và ban hành một luật thuế mang tính khả thi nhằm áp dụng đồng bộ trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần tính toán trường hợp nếu không áp dụng trên phạm vi toàn quốc thì những người đã nộp thuế tại thành phố Hồ Chí Minh sẽ được tính toán như thế nào?.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo, làm rõ vấn đề ĐBQH quan tâm tại Hội trường

Báo cáo, làm rõ một số vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết này không có nghĩa thành phố sẽ thực hiện ngay việc tăng thuế mà thành phố phải xây dựng đề án cụ thể như tăng thuế suất, tăng mức đối tượng chịu thuế nào; phải đánh giá đầy đủ các chính sách, tác động đến môi trường kinh doanh, đời sống người dân và tác động xã hội khác…sau đó báo cáo Hội đồng nhân dân, báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội nếu cần thiết để xem xét quyết định.

Về thuế tài sản, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng cho rằng, đây là sắc thuế khó, cần sự đồng bộ, đồng thuận ở các lĩnh vực quản lý khác nên cần phải có thí điểm để tổng kết nhân rộng. Bộ trưởng cũng đồng tình việc mở rộng đối tượng thu thuế ở những chính sách thuế hiện có, tập trung vào chính sách thuế điều tiết tiêu dùng trên địa bàn thành phố của các mặt ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, sản xuất kinh doanh, mặt hàng có nguy cơ cao về ô nhiễm môi trường. Đồng thời tăng cường các biện pháp chống thất thu và quản lý nợ đọng thuế, chống chuyển giá và gian lận thương mại.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định sẽ phối hợp với các cơ quan của Quốc hội và Thành phố để tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết.

Quang Minh