Bộ Chính trị làm việc các tỉnh về đại hội đảng bộ

30/07/2010

(VOV) - Trong các ngày 15, 28 và 29/7, tại Trụ sở Trung ương Đảng, đại diện Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã có các buổi làm việc với đảng bộ các tỉnh Lai Châu, Cao Bằng, Hòa Bình, Lạng Sơn, Sơn La về công tác chuẩn bị đại hội đảng bộ ở các tỉnh này

Các buổi làm việc trên được thực hiện theo Kết luận số 74-KL/TW ngày 22/6/2010 của Bộ Chính trị và Chương trình làm việc đợt 1 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về việc cho ý kiến vào dự thảo văn kiện và phương án nhân sự đại hội đảng bộ tỉnh, thành phố và đảng bộ trực thuộc Trung ương nhiệm kỳ 2010-2015.

 

Ông Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội chủ trì, cùng các ông: Trương Vĩnh Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; Lê Văn Dũng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; bà Hà Thị Khiết, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, đã làm việc, cho ý kiến về công tác chuẩn bị đại hội đảng bộ của các tỉnh Lai Châu, Cao Bằng, Hòa Bình, Lạng Sơn, Sơn La. Cùng dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương.

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng chụp ảnh chung với Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn (Ảnh: TTXVN)

Tại các buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các tỉnh đảng bộ đã trình bày dự thảo Báo cáo chính trị, Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ 2005-2010; Dự thảo Nghị quyết đại hội tỉnh đảng bộ và phương án công tác nhân sự nhiệm kỳ 2010-2015; đồng thời nghe ý kiến đóng góp, gợi mở của đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương.

 

Sau phần phát biểu của các Ủy viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư, ông Nguyễn Phú Trọng đã kết luận các buổi làm việc, đánh giá cao công tác chuẩn bị đại hội của các đảng bộ, cả về công tác xây dựng văn kiện và công tác nhân sự, đều được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, bài bản, đúng quy trình, hướng dẫn của Trung ương; tiếp thu định hướng chung của cả nước được xác định trong các dự thảo văn kiện chuẩn bị trình Đại hội XI của Đảng; đồng thời vận dụng vào điều kiện hoàn cảnh cụ thể của từng địa phương.

 

Dự thảo Báo cáo chính trị của các đảng bộ đều phản ánh sát tình hình thực tiễn, thể hiện được ý chí, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh.

 

Ông Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao sự nỗ lực cố gắng của đảng bộ, chính quyền, nhân dân các tỉnh Lai Châu, Cao Bằng, Hòa Bình, Lạng Sơn và Sơn La. Đây đều là những tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn nhưng đã đoàn kết phấn đấu đạt nhiều thành tựu khá toàn diện. Cơ cấu kinh tế được chuyển dịch đúng hướng, hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện, quốc phòng - an ninh được giữ vững, công tác xây dựng đảng, chính quyền, đoàn thể được chú trọng...

 

Cơ bản nhất trí với nội dung đánh giá, kiểm điểm về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh 5 năm qua trong dự thảo Báo cáo chính trị của các đảng bộ; tuy nhiên ông Nguyễn Phú Trọng lưu ý, các đảng bộ cần coi trọng hơn nữa công tác tổng kết việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội, 25 năm thực hiện công cuộc đổi mới ở địa phương, gắn với sự phát triển chung của cả nước, từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm cho giai đoạn phát triển tiếp theo.

 

Về phương hướng nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới, ông Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Trên cơ sở phân tích thuận lợi, khó khăn, nhận rõ tiềm năng, lợi thế của địa phương, mỗi tỉnh cần xác định hướng phát triển lâu dài; đồng thời đặt mình trong mối liên kết, đi lên của cả vùng và của đất nước. Mỗi đảng bộ cần đề ra các biện pháp cụ thể và đủ mạnh để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

 

Về phương án nhân sự, ông Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao công tác chuẩn bị của các đảng bộ, chặt chẽ, công phu, đúng quy trình, đúng tinh thần hướng dẫn của Trung ương. Tuy nhiên, các đảng bộ cần quan tâm hơn nữa việc bảo đảm tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc... đồng thời vẫn phải bảo đảm tiêu chuẩn cán bộ; cơ cấu là quan trọng nhưng tiêu chuẩn là quyết định.

 

Muốn vậy, các đảng bộ cần chú trọng hơn nữa công tác xây dựng và phát triển đảng, trong đó có công tác đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ, nhất là cán bộ người dân tộc, cán bộ nữ, cán bộ trẻ. Ở mỗi tỉnh, cần tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của đảng bộ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của bộ máy chính quyền các cấp, đoàn kết đổi mới, huy động mọi nguồn lực để phát triển nhanh và bền vững, đưa tỉnh sớm ra khỏi tình trạng kém phát triển.

 

Với Lai Châu, ông Nguyễn Phú Trọng lưu ý, tỉnh cần chú trọng xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển giao thông nông thôn; quan tâm hơn nữa công tác xóa đói giảm nghèo, bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, không để xẩy ra tình trạng tái nghèo. Là một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, Lai Châu cần lựa chọn những lĩnh vực ưu tiên đầu tư, thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển.

 

Với Cao Bằng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng lưu ý, tỉnh cần xác định rõ những nhiệm vụ cần tập trung thực hiện trong nhiệm kỳ tới, trên cơ sở khai thác lợi thế đất đai, đồi rừng, cửa khẩu, du lịch, khoáng sản, bằng mọi cách nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ an ninh biên giới, bảo vệ môi trường sinh thái...

 

Với Hòa Bình, ông Nguyễn Phú Trọng cho rằng, tỉnh cần nhận rõ tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của một tỉnh có vị trí quan trọng, nằm ở cửa ngõ Thủ đô, từ đó xác định rõ khâu đột phá đi lên, đặt quyết tâm cao để phát triển nhanh và bền vững. Trong đó, Hòa Bình cần chú trọng hơn nữa việc phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy tiềm năng du lịch, thực hiện tốt chính sách dân tộc, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, ngăn chặn các tệ nạn xã hội...

 

Với Lạng Sơn, ông Nguyễn Phú Trọng gợi mở: Cùng với tăng tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, cần chăm lo xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo bền vững, xử lý hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với chăm lo phát triển văn hóa – xã hội, xóa đói giảm nghèo bền, phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng – an ninh; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, làm tốt công tác xây dựng, phát triển Đảng, xây dựng khối đoàn kết thống nhất trong toàn đảng, toàn dân, tập trung cho phát triển kinh tế - xã hội.

 

Với Sơn La, ông Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, tỉnh cần chú trọng làm tốt công tác dân vận, công tác xây dựng đảng, củng cố đoàn kết thống nhất trong dân, trong đảng; hết sức chăm lo đời sống đồng bào các dân tộc, đồng bào tái định cư, thực hiện tốt các chính sách xã hội, xóa đói giảm nghèo, phòng chống các tệ nạn xã hội, giữ vững ổn định chính trị xã hội.

 

Trong điều kiện quy mô kinh tế còn nhỏ, sức cạnh tranh còn yếu, Lai Châu cần tập trung xác định một số giải pháp chủ yếu, những nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung chỉ đạo thực hiện, xác định các sản phẩm chủ lực không chỉ về công nghiệp, mà cả nông, lâm nghiệp. Cùng với các chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế, cần đặc biệt quan tâm các chỉ tiêu về xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị, đào tạo nguồn nhân lực…

 

Ông Nguyễn Phú Trọng yêu cầu các đảng bộ, trên cơ sở ý kiến đóng góp của các đồng chí lãnh đạo đảng, các ban, bộ, ngành Trung ương, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các văn kiện, cũng như phương án nhân sự Đại hội; bảo đảm những tư tưởng chỉ đạo, những mục tiêu nhiệm vụ mà Đại hội đề ra sẽ được triển khai thực hiện tốt trên thực tế, tạo bước phát triển mới, trên các lĩnh vực ở địa phương, góp phần vào công cuộc đổi và phát triển chung của cả nước./.

Đặng Linh

(http://vovnews.vn)