Theo Báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, toàn quốc có 58 cung thiếu nhi, nhà văn hóa thiếu nhi cấp tỉnh; 244 cung thiếu nhi, nhà văn hóa thiếu nhi cấp huyện và 5 nhà văn hoá thiếu nhi cấp ban, ngành; 8.451 điểm vui chơi của trẻ em tại xã, phường và các khu vui chơi trẻ em đầu tư bằng hình thức xã hội hóa... Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và UBND các cấp xây dựng quy hoạch tổng thể và chính sách hỗ trợ phát triển các cơ sở văn hóa, vui chơi, giải trí cho trẻ em và trình Thủ tướng Chính phủ; chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng thư viện, câu lạc bộ, nhà văn hóa, nhà hát, rạp chiếu phim, điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em... Tuy nhiên, thực tế các điểm vui chơi cho trẻ em và hoạt động văn hóa, thông tin chủ yếu tập trung ở đô thị, gần đô thị; do đó, trẻ em vùng sâu, vùng xa, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt chưa được tiếp cận nhiều với hoạt động văn hóa và vui chơi, giải trí. Đối với các xã nghèo còn “điểm trắng” về điều kiện dành cho trẻ em được sinh hoạt, vui chơi, giải trí. Khu vui chơi của trẻ em ở cấp xã, phường nhiều nơi chỉ là bãi đất trống, trang thiết bị nghèo nàn, việc quản lý chưa tốt.
Đoàn giám sát đã đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm rõ hiệu quả hoạt động của các nhà văn hóa, cung văn hóa thiếu nhi. Tại sao có tình trạng nhiều nhà văn hóa, cung văn hóa dành cho thiếu nhi được sử dụng sai mục đích hoặc đang đứng trước nguy cơ chuyển đổi mục đích sử dụng? Cần làm rõ những hạn chế, bất cập trong công tác ban hành văn bản trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc đầu tư xây dựng, quản lý và sử dụng các cơ sở vui chơi giải trí cho trẻ em. Cần có quy hoạch ngành về khu vui chơi, giải trí cho trẻ em.