Nên lấy phiếu tín nhiệm Giám đốc Sở

13/09/2013

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng đề nghị này của cử tri cần ghi nhận và trình cấp có thẩm quyền xem xét.

Cấp thấp có tỷ lệ phiếu “tín nhiệm thấp” cao

Báo cáo kết quả lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp do Trưởng Ban Công tác đại biểu của Quốc hội Nguyễn Thị Nương trình bày sáng 12/9 cho biết: Với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, kết quả lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, có tổng số 47 người được lấy phiếu tín nhiệm, không người nào có tỷ lệ phiếu “tín nhiệm thấp” trên 50% tổng số đại biểu Quốc hội.

Đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu, 63/63 tỉnh, thành phố đã hoàn thành việc lấy phiếu tín nhiệm đối với 907 người. Trong đó có 689 người đạt “tín nhiệm cao” từ 50% trở lên, 39 người có tỷ lệ “tín nhiệm” đạt trên 50%, 2 người có tỷ lệ phiếu “tín nhiệm thấp” trên 50% tổng số đại biểu.

Ở cấp huyện, tính đến ngày 10/9/2013 có tổng số 6.141 người được lấy phiếu tín nhiệm ở 58/63 tỉnh (còn một số huyện chưa báo cáo). Trong đó 4.514 người có trên 50% tổng số đại biểu đánh giá tín nhiệm cao (chiếm 73,5%), 12 người có trên 50% tổng số đại biểu đánh giá tín nhiệm thấp.

Ở cấp xã, có 52.946 người được lấy phiếu tín nhiệm ở 55/63 tỉnh (còn một số xã chưa báo cáo). 396 người có trên 50% tổng số đại biểu đánh giá tín nhiệm thấp. Đặc biệt trong số này có 5 người có trên 2/3 tổng số đại biểu đánh giá tín nhiệm thấp.

Báo cáo cũng đánh giá kết quả phiếu tín nhiệm phản ánh khá sát thực với mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người được lấy phiếu tín nhiệm; kết quả phiếu tín nhiệm của người được lấy phiếu tín nhiệm thuộc lĩnh vực phụ trách cũng phản ánh tình hình KT-XH của đất nước hai năm qua có những khó khăn, phức tạp, có mặt còn hạn chế yếu kém.

Theo đánh giá của các địa phương, kết quả này đã phản ánh đúng năng lực thực tiễn, sự tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, tác phong công tác của người được lấy phiếu tín nhiệm.

Phát biểu ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng báo cáo chưa đánh giá trách nhiệm của người bỏ phiếu, tức đảm bảo kết quả khách quan hay không vì điều này rất quan trọng.

Theo ông Nguyễn Văn Hiện, cần đánh giá về tính khách quan, xác thực, độ tin cậy của những con số để đảm bảo tính khoa học cũng như từ con số đó để xem xét về các mặt khác như công tác tổ chức cán bộ, đạo đức, phòng chống tham nhũng…

“Càng xuống dưới thì tỷ lệ phiếu tín nhiệm thấp càng cao, vì sao? Có phải cấp xã yếu kém, bất cập như con số thể hiện không? Nếu đúng thì công tác cán bộ thế nào? Con số tròn vo mà không đánh giá thì thiếu tính khoa học”, ông Hiện nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, kết quả sau khi lấy phiếu tín nhiệm có tác động tích cực, đặc biệt là về công tác cán bộ có tác dụng vừa khích lệ, vừa răn đe. Việc lấy phiếu tín nhiệm nhận được sự đồng thuận của nhân dân. Các đại biểu Quốc hội, HĐND đã thể hiện tinh thần trách nhiệm, công minh, bản lĩnh. Kết quả được công khai với nhân dân cả nước.

Nên lấy phiếu tín nhiệm với Giám đốc Sở

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, ông Ksor Phước cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm không phải để khen hay chê nhau, mà là hàn thử biểu về mức độ hoàn thành công việc, đạo đức, tác phong của người được lấy phiếu.

Ông Ksor Phước cũng cho biết cử tri đề nghị nên để 2 mức để dễ đánh giá; đồng thời đề nghị không nên lấy phiếu đối với những đại biểu dân cử. Cử tri cũng đề nghị mở rộng đối tượng lấy phiếu tín nhiệm là Giám đốc các Sở, bởi các quyết định của họ trực tiếp và liên quan đến cuộc sống của nhân dân hàng ngày.

Chủ nhiệm Ủy ban Ngân sách- Tài chính, ông Phùng Quốc Hiển cũng cho biết nên xem xét việc không lấy phiếu với những đại biểu do dân cử; cần cân nhắc việc lấy phiếu tín nhiệm hàng năm, vì cần tạo cho người được lấy phiếu thời gian phấn đấu, sửa chữa.

Cũng theo ông Hiển, nhiều ý kiến đề nghị đưa các Giám đốc Sở, các trưởng phòng quan trọng vào đối tượng được lấy phiếu. Họ không phải là những người dân bầu nhưng lại đóng vai trò rất quan trọng.

Về đối tượng được lấy phiếu, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết đã được bàn nhiều trước khi tổ chức lấy phiếu tín nhiệm. Tuy nhiên, vì là lần đầu tiên nên cần tổng kết sửa đổi cho phù hợp hơn, trong đó cần đồng bộ các văn bản.

Phát biểu tổng kết, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, lấy phiếu tín nhiệm là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Lần đầu tiên thực hiện nhưng có hiệu ứng tích cực, người dân đồng thuận. Việc lấy phiếu tín nhiệm vừa rồi được tiến hành dân chủ, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch. Tuy nhiên, do lần đầu nên còn vấn đề cần sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm và kiến nghị hoàn thiện hơn, thực chất và hiệu quả hơn.

Về ý kiến thêm đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm như Giám đốc Sở, trưởng phòng quan trọng, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng là những đề nghị xác đáng, nhưng đây là vấn đề lớn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận và báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định./.

 

Ngọc Thành/VOV online

(http://vov.vn/)