Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Kiên quyết đấu tranh phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật

18/09/2013

Tiếp tục chương trình làm việc, ngày 17-9, Ủy ban Thường vụ QH thảo luận về báo cáo công tác của Chánh án TANDTC, Viện trưởng Viện KSNDTC, báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án, về tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2013 và kết quả thực hiện Nghị quyết số 37/2012/QH13 của QH.

Qua thẩm tra, Ủy ban Tư pháp của QH đánh giá, các báo cáo nêu trên đã được chuẩn bị tốt hơn so với năm trước, phản ánh khá đầy đủ kết quả, khó khăn hạn chế cũng như những nguyên nhân và giải pháp khắc phục. Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ chưa phản ánh đầy đủ tình hình vi phạm pháp luật và xử lý vi phạm hành chính trên tất cả mọi mặt của đời sống, chưa có báo cáo về hoạt động của các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra như hải quan, kiểm lâm, bộ đội biên phòng và cảnh sát biển...

Một số báo cáo chưa đánh giá toàn diện nguyên nhân tình hình vi phạm pháp luật và tình hình tội phạm, nhất là tội phạm tham nhũng, kinh tế. Bên cạnh đó, quản lý nhà nước trên các lĩnh vực: đất đai, ngân hàng, đầu tư công còn có nhiều sơ hở. Tội phạm tài chính, ngân hàng chậm được phát hiện, nạn tín dụng đen chưa được phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ QH cho rằng, việc đánh giá kết quả phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật, tội phạm chưa tương xứng với tình hình thực tế, chưa đề cập rõ nét nguyên nhân từ một bộ phận cán bộ có chức, có quyền ở các cơ quan quản lý nhà nước có biểu hiện vi phạm. Thậm chí, có nơi có hiện tượng bảo kê để doanh nghiệp, các băng nhóm hoạt động theo kiểu xã hội đen. Nhiều sai phạm ngang nhiên tồn tại nhưng chưa được xử lý nghiêm minh.  Một số đại biểu  đề nghị cần phải lấy dân làm gốc, tăng cường công tác giáo dục, vận động quần chúng  và toàn hệ thống chính trị vào cuộc  để giải quyết tình hình phức tạp về tội phạm có tổ chức, tình hình vi phạm pháp luật. Trong đó, cần đổi mới phương thức hoạt động của lực lượng công an, các cơ quan chức năng.

Về tình hình thực hiện các nhiệm vụ công tác của ngành TAND năm 2013, nhiều đại biểu cho rằng, các tranh chấp dân sự, kinh doanh, thương mại, hôn nhân - gia đình, lao động và khiếu kiện hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của ngành Tòa án vẫn có xu hướng gia tăng. Cùng với yêu cầu nâng cao hiệu quả công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án; làm tốt công tác xây dựng ngành với mục tiêu xây dựng ngành TAND trong sạch, vững mạnh; tham gia hoàn thiện hệ thống pháp luật...; ngành cần tiếp tục triển khai các nhiệm vụ cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết 37 của QH.

Một số đại biểu đồng tình  với báo cáo của Ủy ban Tư pháp của QH đề nghị QH giao Ủy ban Tư pháp chủ trì cùng Chính phủ, Viện KSNDTC, Tòa án NDTC chuẩn bị xem xét ban hành Nghị quyết chuyên đề về công tác tư pháp năm 2014 trình QH. Mặt khác, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, có biện pháp hữu hiệu để hạn chế các nguyên nhân làm phát sinh tội phạm và vi phạm pháp luật; thường xuyên thanh tra, kiểm tra nội bộ. Trong thời gian tới, cần khắc phục những hạn chế, yếu kém của việc xây dựng báo cáo công tác, trong đó chú ý phân tích làm rõ nguyên nhân chủ quan của những hạn chế, đánh giá kết quả thực hiện các nghị quyết, kiến nghị của QH, Ủy ban Thường vụ QH, Ủy ban Tư pháp và đại biểu QH.

Các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ, Viện KSNDTC, Tòa án NDTC trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có các giải pháp tích cực để chủ động hơn nữa trong việc phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm, nâng cao chất lượng điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, không làm oan người vô tội trong hoạt động tư pháp. Ðề nghị Chính phủ, Viện KSNDTC, Tòa án NDTC và các bộ, ngành có liên quan rà soát các văn bản pháp luật hiện hành và có lộ trình cụ thể về việc ban hành mới, sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong việc áp dụng luật, công tác tiếp nhận, giải quyết, kiểm sát công tác xử lý tố giác, tin báo về tội phạm...

Phát biểu ý kiến kết luận, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nhấn mạnh, về cơ bản Chính phủ và các ngành đã có nhiều cố gắng và đã thực hiện tốt mục tiêu chỉ tiêu cụ thể của Nghị quyết 37 của QH về công tác tư pháp. Công tác truy tố, xét xử và thi hành án đã có nhiều chuyển biến tích cực so với những năm trước đây và năm 2012. Qua ý kiến của Thường vụ QH, đề nghị các ngành tiếp tục bổ sung và hoàn thiện những vấn đề, nội dung quan trọng như trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của QH. Việc đánh giá tình hình cần chú trọng nêu bật những điểm mới nảy sinh năm 2013 so với những năm trước, từ đó đánh giá xem xét sự phù hợp, kịp thời của các chủ trương, giải pháp đã thực hiện. Báo cáo cần xác định rõ hơn địa chỉ và trách nhiệm của từng cơ quan, trong đó có trách nhiệm của Chính phủ, TANDTC, Viện KSNDTC, các bộ, ngành, của chính quyền địa phương các cấp, đặc biệt là trách nhiệm, hoạt động giám sát của các cơ quan của QH, của Ủy ban Tư pháp của QH đối với những hạn chế, bất cập đã nêu. Bên cạnh đó, cần chú trọng phần dự báo tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật từ việc phân tích các nguyên nhân về mặt xã hội, đội ngũ cán bộ, các nguyên nhân khách quan, chủ quan... để hoàn thiện nội dung trước khi xin ý kiến QH.

 

(http://www.nhandan.com.vn/)