Luật Ngân sách nhà nước được QH Khóa XI thông qua ngày 16.12.2002 và có hiệu lực thi hành từ năm ngân sách 2004. Qua 9 năm thực hiện, Luật Ngân sách nhà nước đã tiếp tục củng cố và nâng cao vị trí, vai trò của công tác tài chính – ngân sách nhà nước, góp phần ổn định và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết tốt hơn các vấn đề an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh cấp bách như thiên tai, dịch bệnh. Cân đối ngân sách nhà nước tích cực, vững chắc; dư nợ Chính phủ, dư nợ công, dư nợ quốc gia ở mức hợp lý, nghĩa vụ trả nợ được thực hiện đầy đủ, đúng hạn theo cam kết. Bảo đảm chủ động trong quản lý điều hành ngân sách nhà nước, ngân sách Trung ương và ngân sách các cấp chính quyền địa phương; đã bố trí sử dụng ngân sách và tăng dự trữ tài chính, giải quyết tốt các vấn đề đột xuất phát sinh. Tạo sự chuyển biến quan trọng trong hoạt động thu, chi ngân sách nhà nước. Công tác quản lý và điều hành ngân sách nhà nước ngày càng chủ động hơn, chất lượng và hiệu quả từng bước được nâng lên. Công tác cải cách hành chính trong quản lý ngân sách, thực hiện công khai ngân sách được đẩy mạnh.
Tuy nhiên, sau 9 năm thực hiện, Luật Ngân sách nhà nước đã bộc lộ một số hạn chế như quy định lồng ghép ngân sách cấp dưới với ngân sách cấp trên đã tạo sự trùng lặp về thẩm quyền, chưa bảo đảm quyền tự chủ của cấp dưới. Quy định về phạm vi ngân sách còn chưa rõ ràng; việc quản lý các khoản phí, lệ phí chưa thống nhất; cách xác định bội chi ngân sách nhà nước còn chưa đầy đủ, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế. Căn cứ xây dựng dự toán ngân sách nhà nước còn chưa đầy đủ, chưa gắn kết chặt chẽ với kế hoạch tài chính, ngân sách nhà nước trung hạn. Trách nhiệm giải trình về ngân sách nhà nước trước QH, HĐND cũng như trước các cơ quan của QH và HĐND các cấp mới chỉ tập trung vào các cơ quan tài chính, kế hoạch và đầu tư, chưa có quy định cụ thể trách nhiệm đối với các bộ, cơ quan Trung ương và các đơn vị dự toán cấp 1 ở địa phương...
Tại Hội thảo, nhiều đại biểu đề xuất sửa đổi Luật theo hướng quy định rõ ràng nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp ngân sách, đơn giản hóa thủ tục lập, chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước, hướng tới thực hiện mô hình các cấp ngân sách không lồng ghép. Thay đổi cách tính bội chi ngân sách bằng chênh lệch giữa chi ngân sách Trung ương và thu ngân sách Trung ương, trong đó chi ngân sách Trung ương bao gồm việc trả nợ gốc. Quy định rõ ràng, cụ thể nội dung về căn cứ lập dự toán chi đầu tư xây dựng cơ bản, các quy định về bố trí vốn, phân bổ, thanh toán và quyết toán vốn, dự án đầu tư xây dựng cơ bản, quy định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư thực hiện đúng tiến độ, theo dự án được giao. Bổ sung thẩm quyền quyết định điều hành ngân sách trong trường hợp cấp bách cũng như thẩm quyền của QH trong quyết định định hướng Kế hoạch tài chính - ngân sách 5 năm gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm.