Đại biểu Quốc hội: Doanh nghiệp tự thỏa thuận, đứng ra thu hồi đất

28/09/2013

Thảo luận dự thảo Luật đất đai sửa đổi, đại biểu Quốc hội cho rằng: Nhà nước chỉ hỗ trợ thuế, phí chứ không đứng ra thu hồi.

Sau 5 phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và 2 kỳ họp Quốc hội, ngày 26/9, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lại tiếp tục được các đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận trước khi đưa ra kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, dự kiến khai mạc vào ngày 21/10. Dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, các đại biểu tập trung thảo luận nhiều về vấn đề đền bù, giá đất và bồi thường tái định cư. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tham dự phiên họp.

Thu hồi đất không chỉ được quy định trong Dự án luật Đất đai sửa đổi mà cũng là nội dung được đề cập trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Dự thảo luật Đất đai quy định, Nhà nước sẽ thu hồi đất để sử dụng vào các mục đích như: quốc phòng, an ninh, phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng, phát triển kinh tế, xã hội của dự thảo Luật. Tuy nhiên, nhà nước chỉ thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội quy mô lớn, quan trọng của đất nước.

Đối với các dự án sản xuất, kinh doanh phù hợp với quy hoạch sử dụng đất thì Nhà nước không thu hồi đất mà hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng được chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất với nhà đầu tư để thực hiện dự án. 

Đại biểu Hà Huy Thông, đoàn Thừa Thiên Huế cho rằng, cần bổ sung điều kiện, tiêu chí để làm rõ dự án nào phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích kinh tế xã hội, nhằm tránh tình trạng thu hồi đất tràn lan.

“Khái niệm lợi ích quốc gia là khái niệm rất rộng. Tôi nghĩ quan trọng nhất là phân ra hai loại: loại đất phục vụ lợi ích công cộng và phi lợi nhuận. Một loại đất có lợi nhuận. Đây chính là khác biệt về cách xử lý. Ví dụ dự án làm đường là lợi ích công cộng. Nếu thu hồi chắc chắn nhân dân đồng tình. Nhưng nếu thu vì lợi ích kinh doanh nhất là vì lợi ích của tập đoàn tư nhân, đầu tư nước ngoài thì cần xem xét có cơ chế khác”- đại biểu Hà Huy Thông nói.

Lấy kinh nghiệm của các nước trong vấn đề thu hồi đất, đại biểu Lê Thị Nga, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết: Ở nhiều quốc gia, hiếm khi nhà nước tiến hành thu hồi đất để phục vụ lợi ích cho nhà đầu tư. Nếu doanh nghiệp muốn đầu tư thì tự thỏa thuận, rồi chuyển quyền sử dụng đất với người dân. Nhà nước hỗ trợ bằng cách thu thuế, phí chứ không phải tiến hành thu hồi. Tuy nhiên, cơ chế thỏa thuận giữa nhà đầu tư với người có đất bị thu hồi cũng phát sinh nhiều bất cập.

Đại biểu Lê Thị Nga đề nghị, trong trường hợp có 80% người dân đồng thuận với nhà đầu tư về giá đất thì coi đó là giá chung thu hồi, đền bù cho người dân, 20% còn lại chưa đồng thuận thì Nhà nước có thể can thiệp. Nhiều đại biểu cũng ủng hộ phương án này nhưng can thiệp thế nào thì cũng cần quy định cụ thể trong luật.

Về giá đất, Chủ tịch Quốc hội và nhiều đại biểu cho rằng, giá đất phải được công khai, minh bạch, được tính tại thời điểm thu hồi chứ không phải tại thời điểm ra quyết định thu hồi và phải sát với giá thị trường.

Đại biểu Đặng Thuần Phong, đoàn Bến Tre đề nghị: “Về giá đất, trong luật có 5 điều, Nhà nước cần quản lý chặt. Với người dân chỉ quan tâm đến giá đất đền bù, áp giá đền bù vào thời điểm nào. Vì vậy, đề nghị bổ sung thêm điều áp giá đền bù ở thời điểm nào cho phù hợp, tránh trường hợp lạm dụng, lợi dụng. Quan điểm của tôi là giá đất đền bù tại thời điểm thu hồi”.

Về bồi thường khi nhà nước thu hồi đất, có ý kiến đề nghị bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất phải đảm bảo người sử dụng đất được bồi thương theo mục đích đang sử dụng hợp pháp, được hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm, tổ chức lại sản xuất, đảm bảo đời sống.

Một số đại biểu đề nghị, cần có chính sách đặc biệt quan tâm tới sinh kế cho người có đất thu hồi như: có cơ chế đất đổi đất, nhà đổi nhà, người dân không phải bỏ thêm tiền. Nhà nước hỗ trợ thêm kinh phí để người có đất thu hồi sớm ổn định cuộc sống tại nơi ở mới. Nhà nước có trách nhiệm đào tạo nghề để chuyển đổi nghề nghiệp cho người nông dân. Khi đền bù đất nông nghiệp, không tính đến điều kiện kinh tế xã hội mà tính đến mục đích sử dụng, phù hợp với thu nhập của người sử dụng đất, nếu như vậy người nông dân sẽ không bị thiệt thòi.

Đối với thời gian nhận tiền đền bù, đại biểu Phạm Đức Châu, đoàn Quảng Trị cho rằng, cần quy định rõ thời điểm nhận tiền đền bù. Bởi trong thực tế có những quyết định thu hồi và thời điểm thu hồi đất xa nhau, có trường hợp cách nhau 3 năm.

Phát biểu kết thúc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: sau 2 ngày làm việc, các đại biểu Quốc hội chuyên trách đã đưa ra nhiều ý kiến thẳng thắn, xác đáng cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 và Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Nhiều nội dung quan trọng đã nhận được sự đồng thuận cao, trên cơ sở đó ban soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý trước khi trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6. Quốc hội dự kiến sẽ dành 2,5 ngày để tiếp tục thảo luận về 2 nội dung này. Sau đó, Ban soạn thảo sẽ tập hợp ý kiến các đại biểu Quốc hội, tiếp thu và trình ra Quốc hội văn bản mới, gửi kèm theo những vấn đề còn ý kiến khác nhau để lấy phiếu thăm dò trước khi Dự luật được thông qua./.

 

Hương Giang-Lan Hương/VOV-Trung tâm Tin

(http://vov.vn/)