KHẨN TRƯƠNG THỰC HIỆN CÁC QUY ĐỊNH VỀ TRIỂN KHAI CƠ SỞ DỮ LIỆU HỘ TỊCH ĐIỆN TỬ

01/03/2022

Triển khai các luật được Quốc hội thông qua nhằm cải cách thủ tục hành chính, thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử, công dân cả nước có thể yêu cầu giải quyết các thủ tục đăng ký hộ tịch theo phương thức trực tuyến, trong đó có một số thủ tục được thực hiện trực tuyến mức độ 4, tùy theo mức độ cung cấp dịch vụ công trực tuyến của địa phương.


Người dân có thể yêu cầu giải quyết tất cả các thủ tục đăng ký hộ tịch theo phương thức trực tuyến

Người dân có thể đăng ký hộ tịch trực tuyến

Thực hiện nhiệm vụ Quốc hội giao Chính phủ tại Khoản 2 Điều 59 Luật Hộ tịch, nhằm xây dựng hoàn thiện, quản lý, sử dụng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, tăng cường kết nối, cung cấp, trao đổi thông tin giữa Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, vừa qua Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 01/2022/TT-BTP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Nghị định số 87/2020/NĐ-CP về Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến. Theo đó, người dân có thể yêu cầu giải quyết tất cả các thủ tục đăng ký hộ tịch theo phương thức trực tuyến, trong đó có một số thủ tục được thực hiện trực tuyến mức độ 4, tùy theo mức độ cung cấp dịch vụ công trực tuyến của địa phương.

Bên cạnh đó, một số thủ tục hành chính như đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí sẽ được liên thông thực hiện trên môi trường điện tử với sự chủ động kết nối, chia sẻ dữ liệu điện tử của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Thông tư cũng quy định việc người dân có thể sử dụng bản sao điện tử giấy tờ cá nhân, bản điện tử giấy tờ hộ tịch khi thực hiện đăng ký hộ tịch trực tuyến; cơ quan đăng ký hộ tịch có trách nhiệm khai thác, sử dụng thông tin từ Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên cơ sở số định danh cá nhân, để người dân sẽ không phải gửi kèm theo bản chụp giấy tờ tùy thân, giấy tờ chứng minh nơi cư trú…

Cần xây dựng hoàn thiện Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử

Các chuyên gia đánh giá việc triển khai thực hiện đăng ký hộ tịch trực tuyến là một bước tiến hướng tới mục tiêu cải cách thủ tục hành chính, thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý rằng, để thực hiện đăng ký hộ tịch trực tuyến, cấp và sử dụng bản điện tử của giấy tờ hộ tịch hiệu quả, Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử cần được xây dựng hoàn thiện, cập nhật dữ liệu đầy đủ, triển khai áp dụng thống nhất, đồng bộ trên toàn quốc; đồng thời có sự kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác; cơ sở vật chất, hạ tầng, trang thiết bị, nhân lực tại các cơ quan đăng ký hộ tịch địa phương được bảo đảm.

Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, Bộ Tư pháp cho biết, hiện nay còn 36/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa triển khai kết nối liên thông dữ liệu điện tử giữa Hệ thống thông tin một cửa điện tử/Cổng dịch vụ công cấp tỉnh với hệ thống đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử của Bộ Tư pháp, nên chưa cung cấp được dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực hộ tịch theo quy định. Mặt khác, do hiện nay các địa phương chưa thực hiện xong việc số hóa Sổ hộ tịch, Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc chưa được xây dựng, vận hành thống nhất, chưa được kết nối, khai thác dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, người yêu cầu đăng ký hộ tịch chưa cung cấp được bản sao điện tử giấy tờ cá nhân … nên hiện tại chưa thể triển khai ngay việc cấp và sử dụng bản điện tử giấy tờ hộ tịch. Dự kiến khi dự án đầu tư công nâng cấp hoàn thiện Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử được hoàn thành vào đầu năm 2023, sẽ có đủ cơ sở để triển khai thực hiện việc cấp và sử dụng bản điện tử giấy tờ hộ tịch.

Có thể kiểm tra tính chính xác của giấy tờ hộ tịch thông qua mã QRCode

Tại điều 9, Thông tư số 01/2022/TT-BTP quy định, bản điện tử giấy tờ hộ tịch có giá trị sử dụng như giấy tờ hộ tịch bản giấy trong các giao dịch, thủ tục hành chính thực hiện trực tuyến; có giá trị thay thế các giấy tờ hộ tịch bản giấy khi làm thủ tục đăng ký hộ tịch trực tiếp tại cơ quan đăng ký hộ tịch. Như vậy, người dân có thể sử dụng Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn bản điện tử khi làm thủ tục hành chính.

Đặc biệt, mã QR trên bản điện tử giấy tờ hộ tịch là địa chỉ Internet dẫn tới dữ liệu, định dạng hình ảnh của giấy tờ hộ tịch tương ứng trong cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, có giá trị cung cấp thông tin về tính chính xác, hợp lệ, các thông tin chi tiết của giấy tờ hộ tịch trong cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử. Cá nhân, cơ quan, tổ chức khi tiếp nhận bản điện tử giấy tờ hộ tịch do người yêu cầu đăng ký hộ tịch nộp, xuất trình có thể kiểm tra tính chính xác, thời hạn sử dụng, thông tin cập nhật của bản điện tử giấy tờ hộ tịch thông qua mã QR trên bản điện tử của giấy tờ đó./.

Minh Hùng

Các bài viết khác