Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh
Thẩm tra Dự án đường Vành đai 3 Tp.Hồ Chí Minh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với việc phân chia Dự án thành các dự án thành phần. Đồng thời đề nghị cần cụ thể hóa trách nhiệm “đầu mối” của Thành phố Hồ Chí Minh tại Nghị quyết của Dự án khi quy định pháp luật hiện hành chưa có quy định về khái niệm cũng như trách nhiệm, quyền hạn cụ thể về vai trò nói trên. Đồng thời, do Dự án được phân thành 8 dự án thành phần và giao cho các địa phương tổ chức thực hiện nên có thể dẫn đến mỗi cơ quan tổ chức một cách khác nhau, không bảo đảm được tính đồng bộ, thống nhất và có thể dẫn đến tăng tổng mức đầu tư của Dự án, vì vậy đề nghị chỉ nên giao cho một cơ quan có năng lực, kinh nghiệm thực hiện công tác thẩm định cho các dự án thành phần của Dự án.
Về việc áp dụng trình tự, thủ tục thực hiện các dự án thành phần tương tự dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công đã được áp dụng cho các dự án thành phần của Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án. Do đó, Ủy ban Kinh tế tán thành với đề xuất của Chính phủ.
Đối với kiến nghị về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án trong thời gian Quốc hội không họp thì Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ, theo khoản 1 Điều 34 Luật Đầu tư công quy định cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án thì có thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đó. Vì vậy, có ý kiến đề nghị cần phải báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án, tuy nhiên, đa số ý kiến cho rằng để bảo đảm tiến độ cho Dự án thì đề xuất của Chính phủ là có cơ sở trong trường hợp không làm tăng sơ bộ tổng mức đầu tư đã được Quốc hội quyết nghị, tương tự như các dự án đường bộ cao tốc đã được Quốc hội quyết định thời gian vừa qua.
Toàn cảnh phiên họp
Bên cạnh đó, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình triển khai thực hiện Dự án đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư và áp dụng trong 02 năm (2022-2023). Trình tự, thủ tục thực hiện chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Trong thời gian thực hiện Dự án nếu có phát sinh công việc chỉ định thầu thì Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định kéo dài thời gian áp dụng cơ chế này; Trong giai đoạn triển khai Dự án, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ Dự án; việc khai thác mỏ khoáng sản được thực hiện đến khi hoàn thành Dự án. Nhà thầu thi công có trách nhiệm thực hiện đánh giá tác động môi trường; chịu sự quản lý, giám sát đối với việc khai thác, sử dụng khoáng sản; nộp thuế, phí và thực hiện các nghĩa vụ bảo vệ, cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật.
Ủy ban Kinh tế nhận thấy hai cơ chế này đã được quy định tại khoản 1 và 2 Điều 5 Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về Chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Chương trình) chỉ áp dụng cho các gói dự án thuộc phạm vi Chương trình để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, phát huy hiệu quả của các dự án và áp dụng trong 02 năm (2022 - 2023). Do đó, trường hợp cần thiết đề nghị chỉ áp dụng các cơ chế này trong 02 năm 2022 và 2023. Một số ý kiến cho rằng để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả trong tổ chức thực hiện các cơ chế này đề nghị áp dụng các cơ chế trong 02 năm kể từ ngày Nghị quyết có hiệu lực thi hành.
Ngoài ra, Chính phủ kiến nghị, các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cho Dự án đã cấp phép, đang hoạt động, còn thời hạn khai thác, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được phép quyết định nâng công suất không quá 50% công suất ghi trong Giấy phép khai thác không phải lập dự án đầu tư điều chỉnh, đánh giá tác động môi trường. Về vấn đề này, có ý kiến đề nghị cân nhắc đề xuất nêu trên do có thể ảnh hướng lớn đến môi trường. Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cần làm rõ sự cần thiết và đánh giá tác động của đề xuất này, trong đó cần có chính sách hợp lý để không ảnh hưởng đến môi trường và tác động đến vấn đề sạt lở bờ sông, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân.