XÁC ĐỊNH PHẠM VI, QUY MÔ, CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA PHÒNG KHÁM BÁC SĨ GIA ĐÌNH

21/06/2022

Tham gia đóng góp ý kiến về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng ngành y tế cần có đánh giá, tổng kết cụ thể, xác định phạm vi, quy mô, chức năng, nhiệm vụ của phòng khám bác sĩ gia đình và các điều kiện bảo đảm hoạt động như giá dịch vụ phòng khám, cơ chế chuyển tuyến, cơ chế thanh toán, bảo hiểm y tế…

 

Đại biểu Nguyễn Thị Huế - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn tham gia thảo luận

Thảo luận tại hội trường về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Huế - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn cho biết, trong giai đoạn 2016-2020, Bộ Y tế đã triển khai Đề án bác sĩ gia đình với mục tiêu là xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình trong hệ thống y tế Việt Nam. Phòng khám bác sĩ gia đình được coi là mô hình có thể giúp sàng lọc, giải quyết được phần lớn các bệnh lý thông thường, không cần chuyển tuyến, góp phần giảm tải tại các bệnh viện, giảm bớt gánh nặng thời gian và công việc cho các bác sĩ chuyên khoa liên quan và tiết kiệm được kinh phí nằm viện cho bệnh nhân, chi phí bảo hiểm y tế. Theo mô hình này, bác sĩ gia đình đảm đương 3 vai trò chính là khám lâm sàng, y tế dự phòng và bác sĩ tâm lý cho bệnh nhân. Ngoài kiến thức chuyên môn, bác sĩ gia đình cũng phải có kiến thức tổng quát về xã hội, tâm lý, kinh tế, văn hóa, quản lý y tế, để không những chỉ chăm sóc, điều trị bệnh mà còn có thể tư vấn, hướng dẫn bệnh nhân kiến thức tăng cường sức khỏe, phòng bệnh, hỗ trợ về tâm lý và xã hội.

Đại biểu Nguyễn Thị Huế nêu rõ, bác sĩ gia đình là nơi thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu, tầm soát bệnh tật, giúp giảm tải ở bệnh viện, song thực tế cho thấy mô hình này hiện vẫn đang gặp nhiều vướng mắc như chưa có cơ chế định giá cũng như chưa thanh toán bảo hiểm y tế cho các dịch vụ cho mô hình hoạt động của bác sĩ gia đình, chưa xây dựng được quy chế phối hợp chuyển tuyến và trao đổi thông tin phù hợp giữa các phòng khám bác sĩ gia đình với hệ thống phòng khám, chữa bệnh trong quá trình quản lý bệnh nhân. Phí dịch vụ khám, chữa bệnh tại nhà còn mang tính tự phát, chưa được thanh toán bảo hiểm y tế, chưa xây dựng được mẫu bệnh án giấy thống nhất bệnh án điện tử của phòng khám bác sĩ gia đình.

Để hoàn thiện mô hình này, đại biểu Nguyễn Thị Huế đề nghị ngành y tế cần có đánh giá, tổng kết cụ thể, xác định phạm vi, quy mô, chức năng, nhiệm vụ của phòng khám bác sĩ gia đình và các điều kiện bảo đảm hoạt động như giá dịch vụ phòng khám, cơ chế chuyển tuyến, cơ chế thanh toán, bảo hiểm y tế, cần có những hỗ trợ về chính sách để nhân rộng mô hình bác sĩ gia đình trên toàn quốc, nhằm tăng nhân sự y học gia đình trong các khoa khám bệnh ngoại trú tại bệnh viện.

Đại biểu Lê Thu Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai phát biểu ý kiến

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, đại biểu Lê Thu Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai cho biết, mô hình bác sĩ gia đình là mô hình chăm sóc sức khỏe tuyến đầu khá phổ biến ở nước ngoài được áp dụng thành công từ nhiều thập kỷ trước đây, không chỉ ở các nước phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Canada, Úc mà ở cả các nước đang phát triển thuộc khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Philippines. Thông thường một bác sĩ phụ trách một danh sách bệnh nhân nhất định. Các bệnh nhân được đăng ký một bác sĩ gia đình cụ thể để chăm sóc sức khỏe cho họ. Việc thăm khám cho bệnh nhân hầu hết được thực hiện tại nhà và để được khám tại tuyến trên thì các bệnh nhân phải được sự giới thiệu của bác sĩ gia đình.

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, đại biểu cho rằng, từ những năm 1980, Cuba đã đưa ra chương trình bác sĩ gia đình, trong đó các nhân viên y tế, bác sĩ phụ trách từng khu vực dân cư và chịu trách nhiệm về các vấn đề giáo dục y tế và y tế dự phòng trong khu vực này, với tỷ lệ một nhân viên y tế trên 159 người dân. Hệ thống y tế của Cuba tập trung mạnh vào phòng bệnh, sử dụng các phương tiện kỹ thuật thấp nhưng đặc biệt hiệu quả. Tổ chức Y tế Thế giới đã công nhận hệ thống y tế Cuba là xuất sắc và hiệu quả, đáng để mọi đất nước học hỏi. Chính chiến lược tập trung vào giáo dục và y tế dự phòng, tận dụng các nguồn lực này đã khiến y tế Cuba trở thành nền y tế hiệu quả nhất, bảo đảm mọi công dân nghèo nhất đều tiếp cận được với dịch vụ y tế.

Đại biểu Lê Thu Hà cho biết, ở Việt Nam, mô hình phòng khám bác sĩ gia đình cũng đã được Bộ Y tế phê duyệt để nhân rộng và phát triển giai đoạn 2016-2020 với mục tiêu cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, toàn diện, liên tục cho cá nhân, gia đình và cộng đồng nhằm góp phần tăng cường chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu và giảm quá tải bệnh viện. Tuy nhiên, cho đến nay cả nước mới chỉ có 340 phòng khám bác sĩ gia đình, 256 phòng khám công lập và 84 phòng khám tư nhân. Đại biểu cho rằng, Bộ Y tế chưa có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng về việc triển khai mô hình phòng khám bác sĩ gia đình. Nguồn nhân lực được đào tạo và có chuyên môn về y học gia đình còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc cấp chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động phòng khám bác sĩ, gia đình tư nhân còn nhiều bất cập.

Để tháo gỡ những bất cập này, tạo điều kiện để mô hình bác sĩ gia đình phát triển đúng hướng, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc ban đầu theo hướng toàn diện và liên tục giúp sàng lọc bệnh tật, đại biểu đề nghị luật hóa tạo cơ sở pháp lý để phát triển và nhân rộng mô hình phòng khám bác sĩ gia đình.

Ngoài ra, đại biểu cho biết, dự thảo luật sửa đổi lần này đã đổi mới một số quy định liên quan đến điều kiện đảm bảo thực hiện trong hoạt động khám, chữa bệnh bao gồm tổ chức hệ thống cung ứng dịch vụ y tế theo ba cấp chuyên môn. Thay đổi cách tiếp cận về giá dịch vụ khám, chữa bệnh. Sửa đổi điều kiện cấp giấy phép hành nghề. Đào tạo, bồi dưỡng người hành nghề. Quy định nguồn tài chính cho khám, chữa bệnh, ngân sách nhà nước chi cho công tác khám chữa bệnh. Đại biểu đề nghị bổ sung đối tượng bác sĩ gia đình và các nguyên lý y học gia đình trong các nội dung sửa đổi này.

Hồ Hương