Các Nghị quyết gồm: Nghị quyết số 47/2022/QH15 về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023; Nghị quyết số 50/2022/QH15 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022; Nghị quyết số 51/2022/QH15 thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”; Nghị quyết số 52/2022/QH15 thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”; Nghị quyết số 54/2022/QH15 thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam; Nghị quyết số 55/2022/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa; Nghị quyết số 62/2022/QH15 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV; Nghị quyết số 63/2022/QH15 Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
Trong đó, theo Nghị quyết số 63/2022/QH15 Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Quốc hội yêu cầu Chính phủ và các cơ quan tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề ra, trong đó tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp. Đó là, bám sát diễn biến và dự báo tác động của tình hình kinh tế, chính trị thế giới và động thái chính sách của ngân hàng trung ương các quốc gia, nhất là các nền kinh tế lớn, để kịp thời có giải pháp phù hợp, sát thực tiễn, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; triển khai hiệu quả, đồng bộ các dự án, công trình trọng điểm quốc gia và 3 chương trình mục tiêu quốc gia…
Kiểm soát chặt chẽ lạm phát, nợ xấu và có giải pháp căn cơ, bền vững nhằm định hướng nguồn lực của nền kinh tế vào sản xuất, kinh doanh; bảo đảm cân đối cung-cầu, bình ổn giá cả hàng hóa, nhất là giá xăng, dầu…
Tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cân đối hài hòa giữa phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường, giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; chỉ đạo quyết liệt, tạo chuyển biến mạnh mẽ công tác thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần.
Triển khai hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động; có giải pháp tăng thu nhập để bảo đảm cho người lao động và gia đình ổn định cuộc sống
Tập trung triển khai xây dựng các dự án, công trình quốc phòng, an ninh; kết hợp phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Tuyên truyền làm rõ chủ trương, quan điểm, chính sách đối ngoại của Việt Nam; theo dõi sát các vấn đề trong khu vực và quốc tế để có giải pháp ngoại giao phù hợp.
Tiếp tục khẩn trương rà soát, giải quyết các kiến nghị của cử tri còn tồn đọng, bảo đảm việc giải quyết có chất lượng, đúng lộ trình đã báo cáo với cử tri; tập trung giải quyết dứt điểm một số kiến nghị cử tri đã kiến nghị nhiều lần, các vấn đề nổi cộm, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân.
Cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đã ký ban hành 5 Nghị quyết về chủ trương đầu tư 5 dự án quan trọng quốc gia, gồm: Nghị quyết số 56/2022/QH15 về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; Nghị quyết số 57/2022/QH15 về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; Nghị quyết số 58/2022/QH15 về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1; Nghị quyết số 59/2022/QH15 về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1; Nghị quyết số 60/2022/QH15 về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1.
Đây là lần đầu tiên tại một kỳ họp của Quốc hội, có 5 dự án quan trọng quốc gia được xem xét, quyết định chủ trương đầu tư, nâng tổng số dự án mà Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định chủ trương đầu tư trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ lên 6 dự án với tổng mức đầu tư lên đến 392.644 tỷ đồng. Đặc biệt, đây đều là những dự án giao thông trọng điểm, cấp bách, bảo đảm quốc phòng, an ninh, có tác động lan tỏa, tăng cường liên kết vùng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của các vùng và từng địa phương có dự án đi qua.
Trong đó, Quốc hội đã thống nhất áp dụng hình thức đầu tư theo phương thức PPP đối với dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội và hình thức đầu tư công cho 4 dự án còn lại, sử dụng tổng hợp cả ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, cả nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cũng như vốn đầu tư công trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 43 của Quốc hội. Cùng với việc cho phép áp dụng nhiều cơ chế, chính sách đặc thù chưa có tiền lệ, Quốc hội giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết liệt tổ chức triển khai thực hiện, bảo đảm tiến độ và chất lượng công trình, công khai, minh bạch, tuyệt đối không được để xảy ra sai sót, tuyệt đối không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, trục lợi chính sách, làm lãng phí, thất thoát tiền và tài sản Nhà nước.
Việc khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện 5 dự án giao thông trọng điểm, cấp bách này theo Nghị quyết của Quốc hội có ý nghĩa quan trọng nhằm thúc đẩy nhanh tiến trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn sau đại dịch Covid-19, đồng thời tạo động lực phát triển các vùng kinh tế trong tương lai./.