Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm Đại sứ quán và gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Anh
Quan hệ hợp tác giáo dục - đào tạo giữa Việt Nam và Vương quốc Anh được thiết lập từ năm 1989. Trải qua nhiều giai đoạn, sự hợp tác của hai nước trên lĩnh vực này ngày càng được củng cố và phát triển không ngừng. Việt Nam có lợi thế mạnh mẽ về chính sách cởi mở, hội nhập quốc tế cao trong giáo dục và đào tạo cũng như sự gia tăng mạnh mẽ về nhu cầu đối với các chương trình giáo dục bằng tiếng Anh ở mọi cấp học nhằm đáp ứng nhu cầu toàn cầu hóa cũng như mô hình xây dựng công dân trẻ toàn cầu của Việt Nam để cạnh tranh với các quốc gia phát triển trong khu vực.
Về phía Vương quốc Anh, Chính phủ nước này ưu tiên và xếp Việt Nam nằm trong số 5 nước ưu tiên trong chiến lược giáo dục quốc tế của Anh được xây dựng năm 2019. Do đó, có thể thấy tiềm năng phát triển hợp tác giáo dục và đào tạo giữa hai nước là rất lớn.
Tối 29/12/2020 (giờ Việt Nam), tại Bộ Ngoại giao và Phát triển, Vương Quốc Anh, Đại sứ Việt Nam tại Anh Trần Ngọc An và Đại sứ Anh tại Việt Nam Gareth Ward đại diện cho Chính phủ hai nước đã chính thức ký kết Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh (UKVFTA).
Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu Đoàn Đại biểu cấp cao Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thăm chính thức Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland từ ngày 28 - 30/6/2022 được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác về giáo dục và đào tạo giữa hai nước, đặc biệt là sau đại dịch COVID-19.
Để hiểu rõ hơn về tiềm năng, nhiệm vụ hợp tác giáo dục và đào tạo giữa Việt Nam và Vương quốc Anh, phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội có cuộc trao đổi với bà Trần Hương Ly - Bí thư Thứ nhất phụ trách về Giáo dục, Đại sứ quán Việt Nam tại Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland.
Bà Trần Hương Ly, Bí thư Thứ nhất phụ trách về Giáo dục, Đại sứ quán Việt Nam tại Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland.
Phóng viên: Chuyến thăm chính thức Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ được kỳ vọng sẽ thúc đẩy quan hệ, hợp tác giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo dục và đào tạo. Thực tế là trong những năm qua, lĩnh vực giáo dục và đào tạo đều được Việt Nam và Vương Quốc Anh chú trọng và ưu tiên trong hợp tác giữa hai nước. Xin Bà cho biết những kết quả đó đóng góp vào phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của hai nước như thế nào và kỳ vọng đối với lĩnh vực này giữa hai nước trong thời gian tới?
Bà Trần Hương Ly, Đại sứ quán Việt Nam tại Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland: Quan hệ hợp tác giáo dục - đào tạo giữa Việt Nam và Vương quốc Anh được thiết lập từ năm 1989. Tháng 3/2008, hai nước ký kết Hiệp định cấp Chính phủ về hợp tác giáo dục - đào tạo. Năm 2019, Bản ghi nhớ hợp tác giáo dục giữa Chính phủ hai nước được ký kết. Trong hơn 30 năm qua, quan hệ hợp tác giáo dục - đào tạo giữa Việt Nam và Vương quốc Anh luôn đảm bảo tốc độ và mức độ phát triển phù hợp với nhu cầu và mong muốn hợp tác của hai Chính phủ cũng như các đối tác công tư của hai bên, đóng góp quan trọng cho việc đáp ứng các nhu cầu về nhân lực của nền kinh tế Việt Nam.
Cụ thể, về các chương trình giáo dục bậc cao, Anh hiện là đối tác hàng đầu của Việt Nam với 74 chương trình giáo dục xuyên quốc gia của 23 trường đại học Anh quốc giúp Việt Nam đào tạo hàng chục ngàn sinh viên bậc đại học và sau đại học ngay tại Việt Nam. Về du học, hiện có khoảng 12.000 học sinh, sinh viên Việt Nam đang học tại Anh, trong đó hơn 95% theo diện tự túc kinh phí. Về học bổng, Chính phủ Việt Nam liên tục có những chương trình học bổng dành cho các học viên sau đại học tại các trường đại học hàng đầu của Vương quốc Anh như Đề án 322 và tiếp nối là Đề án 911, cũng như Đề án 89 đang bắt đầu triển khai. Về phía Vương quốc Anh, Chương trình học bổng thạc sĩ toàn phần Chevening Scholarships của Chính phủ Anh được triển khai tại Việt Nam từ năm 1993, đến nay đã có khoảng 500 sinh viên Việt Nam giành được học bổng này.
Cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và cộng đồng người Việt tại Vương quốc Anh đón Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Trong các cuộc tiếp xúc song phương giữa ngành giáo dục và đào tạo hai nước, cũng như tại các diễn đàn, tọa đàm về hợp tác giáo dục, các bên tham gia đều cho rằng, hợp tác về giáo dục đào tạo giữa Việt Nam và Anh đang phát triển tốt, tuy nhiên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và hai nước có nhiều cơ hội để phát triển mối quan hệ đối tác lâu dài, bền vững và chất lượng cao về giáo dục.
Việt Nam có lợi thế mạnh mẽ về chính sách cởi mở, hội nhập quốc tế cao trong giáo dục và đào tạo cũng như sự gia tăng mạnh mẽ về nhu cầu đối với các chương trình giáo dục bằng tiếng Anh ở mọi cấp học nhằm đáp ứng nhu cầu toàn cầu hóa cũng như mô hình xây dựng công dân trẻ toàn cầu của Việt Nam để cạnh tranh với các quốc gia phát triển trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Malaysia... Từ phía Vương quốc Anh, Chính phủ nước này ưu tiên và xếp Việt Nam nằm trong số 5 nước ưu tiên trong chiến lược giáo dục quốc tế của Anh được xây dựng năm 2019. Như vậy có thể thấy, tiềm năng phát triển, hợp tác giáo dục và đào tạo giữa hai nước là rất lớn.
Phóng viên: Vương quốc Anh là đất nước có nền giáo dục lâu đời, phát triển và thành công hàng đầu thế giới, có ảnh hưởng không nhỏ đến hệ thống giáo dục toàn cầu. Trong khi đó, Việt Nam là một nước đang phát triển, luôn chú trọng tới giáo dục - đào tạo. Nếu Anh đang tìm kiếm những thị trường mới để xuất khẩu các lĩnh vực thế mạnh của mình như lĩnh vực giáo dục thì Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng. Xin Bà cho biết, Việt Nam cần triển khai những nhiệm vụ trọng tâm gì để nắm bắt cơ hội đó?
Bà Trần Hương Ly, Đại sứ quán Việt Nam tại Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland: Như đã nói ở trên, Việt Nam chúng ta có sức hút của một thị trường người học lớn mạnh, có khả năng và sẵn sàng chi trả để nhận được các nội dung giáo dục quốc tế ở mọi bậc học. Vương quốc Anh là quốc gia xuất khẩu giáo dục hàng đầu thế giới. Nếu nhìn nhận về thương mại, ta nên thấy rằng đây không phải là ta cần nắm bắt cơ hội để hợp tác giáo dục với Anh quốc, mà hai bên cần hợp tác chặt chẽ để khai thác đúng, đủ và phù hợp với nhu cầu của hai phía. Bên phía Anh có thể thu về lợi nhuận tài chính cũng như những lợi thế vô hình về quảng bá văn hóa, giáo dục. Phía Việt Nam chúng ta cần xác định rõ các lĩnh vực trọng điểm để hợp tác giúp đôi bên cùng có lợi.
Ngoài hai lĩnh vực trọng tâm đã nhắc đến ở trên là hợp tác về giáo dục đại học xuyên quốc gia và du học sinh Việt Nam tại Vương quốc Anh, Việt Nam xác định giáo dục ngoại ngữ cụ thể là tiếng Anh là biện pháp hiệu quả nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho nguồn nhân lực trong bối cảnh toàn cầu hóa, tạo nền tảng để phổ cập giáo dục phổ thông vào năm 2025. Hội đồng Anh là cơ quan thực địa tại Việt Nam đã hỗ trợ tổ chức nhiều chương trình đào tạo tiếng Anh cho giáo viên cũng như cán bộ của các cơ quan Bộ ngành địa phương của Việt Nam cũng như kết nối hai nền giáo dục đại học Việt Nam và Vương quốc Anh.
Ứng dụng công nghệ giáo dục tiên tiến là một trong những lĩnh vực hợp tác quốc tế ưu tiên của ngành giáo dục thời gian qua. Hợp tác về nghiên cứu khoa học ứng dụng, nghiên cứu phát triển, xây dựng các trung tâm nghiên cứu khoa học giữa các trường đại học hàng đầu của Việt Nam với các đối tác phù hợp ở Vương quốc Anh đều là những nội dung quan trọng hai bên đều quan tâm.
Về du học sinh quốc tế giữa hai nước, hiện mới chỉ có chiều từ Việt Nam sang Anh quốc hoạt động mạnh mẽ với hơn 3500 sinh viên trong hai năm qua. Theo chiều ngược lại, hiện chỉ có 244 sinh viên Anh đã và đang học tập/thực tập tại các trường đại học hoặc công ty ở Việt Nam. Theo đại diện Cơ quan giáo dục Anh quốc, vẫn còn rất nhiều cơ hội đối với các trường đại học và công ty tại Việt Nam trong việc hợp tác và trao đổi sinh viên với các cơ sở giáo dục tại Anh thông qua Đề án Turing là một chương trình trao đổi sinh viên quốc tế. Theo đó, Chính phủ Anh sẽ tài trợ cho 35.000 sinh viên Anh ra nước ngoài học tập. Năm nay, chương trình sẽ có khoảng 200 sinh viên Anh sang Việt Nam theo chương trình này và con số này dự kiến sẽ tăng nhiều trong năm tới.
Phóng viên: Bà có thể cho biết trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Việt Nam cần lưu ý những gì để có thể thực hiện các nội dung đề ra trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều biến động, tác động bởi đại dịch COVID-19 và những yếu tố khách quan khác?
Bà Trần Hương Ly, Đại sứ quán Việt Nam tại Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland: Hợp tác giáo dục phổ thông, giáo dục đại học- nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ và tăng cường chất lượng dạy và học tiếng Anh là những lĩnh vực được hai nước ưu tiên trong nhiều năm qua.
Trong bối cảnh sau đại dịch COVID-19, cũng như các điều kiện địa chính trị, kinh tế thay đổi thời gian qua, phía Việt Nam cần đánh giá thực tế tình hình và điều chỉnh để phù hợp với các điều kiện bình thường mới. Tăng cường hợp tác khai thác các công nghệ giáo dục tiên tiến nhằm cắt giảm chi phí trong công tác giảng dạy và học tập nói chung và trong lĩnh vực tiếng Anh nói riêng cho học sinh, sinh viên Việt Nam.
Hai bên có thể tăng cường các chương trình hợp tác đào tạo xuyên quốc gia, các chương trình đào tạo kết hợp trực tuyến để khắc phục sự khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra đối với vấn đề di chuyển quốc tế cũng như các điều kiện tài chính thay đổi. Một mô hình tiêu biểu là việc trường Phổ thông chuyên Reigate Grammar School - thuộc nhóm trường hàng đầu của Vương quốc Anh đã thành công xây dựng một chương trình hợp tác dài hạn tại Việt Nam, cụ thể là thành lập Trường Reigate Grammar School tại Hà Nội. Ngày 04/4/2022, trường đã được khai trương và được vinh dự đón Nghị sĩ Graham Stuart, Đặc phái viên Thương mại của Thủ tướng Anh tại Việt Nam, Campuchia và Lào và Ngài Gareth Ward, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Anh và Bắc Ireland tại Việt Nam đến thăm. Hiện nay, mô hình hợp tác này đang được một số cơ sở giáo dục Anh nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Bà!