TỔ CÔNG TÁC ĐOÀN GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ “VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ GIAI ĐOẠN 2016 - 2021” LÀM VIỆC VỚI BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

30/06/2022

Chiều 30/6, tại Trụ sở các cơ quan của Quốc hội, Tổ công tác Đoàn Giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021” làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ. Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn chủ trì cuộc làm việc.

 

Toàn cảnh cuộc làm việc

Dự cuộc làm việc còn có các thành viên Tổ công tác Đoàn Giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”; Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy; đại diện các Bộ, ngành hữu quan; các chuyên gia, nhà nghiên cứu có quan tâm đến lĩnh vực này.

Phát biểu mở đầu cuộc làm việc, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn, Tổ trưởng Tổ Công tác cho biết, việc thực hiện giám sát đang có nhiều đổi mới, đặc biệt đối với giám sát tối cao của Quốc hội trong nhiệm kỳ này, trước khi Đoàn Giám sát làm việc, sẽ thành lập các Tổ công tác, có trách nhiệm giúp Đoàn giám sát làm việc trực tiếp với các Bộ trong giai đoạn sau khi nhận được báo cáo của Đoàn giám sát, nhằm tham gia nghiên cứu, rà soát, cho ý kiến, đề nghị bổ sung, hoàn thiện báo cáo, hướng đến đạt được sản phẩm hoàn thiện nhất trong quá trình xây dựng báo cáo đánh giá bước đầu, phục vụ cho cuộc làm việc chính thức của Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội.

Tổ trưởng Tổ Công tác Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, việc bố trí triển khai làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ được tiến hành sớm hơn so với dự định, do có nhiều nội dung liên quan về mặt thực tiễn cũng như quá trình xem xét báo cáo cần được thảo luận, cho ý kiến kỹ lưỡng. Đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ sớm gửi cho các thành viên Đoàn giám sát bản báo cáo chính thức để trên cơ sở đó tiếp tục nghiên cứu, đóng góp ý kiến nhằm giải quyết dứt điểm một số vướng mắc, tồn tại, hoàn thiện nội dung báo cáo đạt chất lượng cao.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn, Tổ trưởng Tổ Công tác 

Báo cáo công tác thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021 của Bộ Khoa học và Công nghệ, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết, về việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật các cấp, trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ trì xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ký ban hành 35 văn bản quy phạm pháp luật (trong đó 01 luật, 22 nghị định và 12 quyết định của Thủ tướng Chính phủ), ban hành 89 thông tư và 06 thông tư liên tịch, xây dựng nội dung để các bộ khác hoàn thiện và ký ban hành 13 thông tư.

Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, xây dựng các quy định, như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật sửa đổi, bổ sung các Luật liên quan đến quy hoạch, Luật Quản lý tài sản công, các Luật thuế và nhiều văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật có nội dung liên quan đến lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Về việc ban hành các văn bản pháp luật liên quan đến dịch vụ sự nghiệp công và quy trình xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật áp dụng trong các lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công do Nhà nước quản lý, tại Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các dơn vị sự nghiệp công lập, một trong những nhiệm vụ, giải pháp Ban Chấp hành Trung ương chú trọng là “Xây dựng và hoàn thiện các danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân Ngân sách Nhà nước theo nguyên tắc: Đối với các dịch vụ thiết yếu thì Nhà nước bảo đảm kinh phí; đối với các dịch vụ cơ bản thì Nhà nước hỗ trợ kinh phí để thực hiện; đối với các dịch vụ mang tính đặc thù của một số ngành, lĩnh vực thì thực hiện theo cơ chế đặt hàng hoặc đấu thầu để tạo điều kiện cho các cơ sở ngoài công lập cùng tham gia; đối với các dịch vụ khác thì đẩy mạnh thực hiện theo cơ chế xã hội hoá, huy động sự tham gia cung ứng của các thành phần kinh tế”.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy 

Ngày 27/12/2017, Bộ Khoa học và Công nghệ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2099/QĐ-TTg về Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng Ngân sách Nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ (Quyết định 2099). Theo đó, có 06 nhóm dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực Khoa học và Công nghệ, bao gồm: Hoạt động Khoa học và Công nghệ; Phát triển tiềm lực Khoa học và Công nghệ; Sở hữu trí tuệ; Tiêu chuẩn đo lường chất lượng; Năng lượng nguyên tử, An toàn bức xạ và hạt nhân; Đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, kiến thức, nghiệp vụ thuộc lĩnh vực Khoa học và Công nghệ. Trên cơ sở Danh mục dịch vụ sự nghiệp công đã ban hành, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục triển khai xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật áp dụng trong các lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý, làm cơ sở ban hành giá dịch vụ sự nghiệp công tính đủ chi phí.

Đối với các dịch vụ sự nghiệp công sử dụng Ngân sách Nhà nước, trên cơ sở Quyết định số 2099/2017/QĐ-TTg ngày 27/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ đã ban hành Thông tư số 21/2019/TT-BKHCN ngày 18/12/2019 về quy trình xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật cho các dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ, trong đó có Danh mục các dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước cần xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật….

Qua nghiên cứu báo cáo tại cuộc họp, các đại biểu đánh giá báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ tương đối bám sát đề cương yêu cầu của Đoàn Giám sát, chuẩn bị khá kỹ lưỡng, công phu; tiến độ của báo cáo cũng đáp ứng yêu cầu về thời gian. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm đạt được, các đại biểu đề nghị cần tiếp tục rà soát các số liệu, tài liệu đảm bảo logic, đầy đủ, chính xác.

Đi vào một số nội dung cụ thể, nhiều ý kiến đại biểu chỉ ra rằng vấn đề lãng phí trong sử dụng đất đai chưa được đánh giá thật kỹ lưỡng, thông tin tài liệu về nội dung này cũng chưa được thể hiện rõ trong báo cáo, do đó rất khó để đưa ra những nhận xét, nhận định chính xác. Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng các kiến nghị trong báo cáo vẫn chung chung chưa đi vào cụ thể những vấn đề tồn tại vướng mắc; không chỉ rõ việc sửa đổi pháp luật ở đây cụ thể là sửa Luật hay sửa Nghị định hướng dẫn; những nội sung sửa đổi nào cụ thể vào lĩnh vực của ngành khoa học công nghệ...

Các đại biểu cho ý kiến vào báo cáo

Một số đại biểu đề nghị báo cáo cần tiếp tục điều chỉnh về hình thức để đảm bảo thẩm quyền của cấp báo cáo, vì đây là chuyên đề giám sát tối cao. Hơn nữa, nhiều nội dung trong báo cáo vẫn còn chung chung, mang tính định hướng, thiếu nhiều số liệu minh họa, phụ lục chưa cụ thể về từng tiểu mục. Do đó, đề nghị Bộ tiếp thu những nội dung này và hoàn thiện báo cáo.

Gợi mở một số nội dung cần làm rõ, một số chuyên gia cho rằng báo cáo cần bổ sung tình hình thực hiện các chỉ tiêu thực hành tiết kiệm chống lãng phí; làm rõ vấn đề khoán chi sản phẩm nghiên cứu khoa học công nghệ, chỉ rõ giải pháp chính sách để khắc phục tính hình thức trong khoán chi. Đồng thời, cần bổ sung hoạt động thanh tra, kiểm tra và hoạt động quản lý nhà nước rõ nét hơn trong báo cáo…

Kết luận nội dung làm việc, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn, Tổ trưởng Tổ Công tác nêu rõ, trong lần giám sát này, ngoài sự tham mưu của các đơn vị chuyên môn, nhóm giúp việc, Đoàn giám sát đã mời nhiều chuyên gia tham gia Tổ công tác với tư cách độc lập, để đánh giá sâu sát, đa chiều, khách quan về các báo cáo của các Bộ.

Tổ trưởng Tổ Công tác Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu tại cuộc họp, hoàn thiện báo cáo, đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin, rõ ràng, tường minh. Đồng thời, Bộ tiến hành báo cáo sơ bộ về quá trình tổ chức, triển khai, xây dựng báo cáo gửi Đoàn giám sát, trình bày rõ những vướng mắc, tồn tại, những hạn chế nếu có, để từ đó có biện pháp tháo gỡ, làm rõ thêm các nội dung mà các thành viên Tổ công tác yêu cầu, đảm bảo công tác giám sát đạt kết quả cao.

Một số hình ảnh tại cuộc làm việc:

Toàn cảnh cuộc làm việc

Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ làm rõ hơn một số nội dung trong báo cáo

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Minh Nam cho rằng báo cáo cần bổ sung rõ nét hơn nữa các kết quả đạt được và những tồn tại hạn chế

Đại diện Kiểm toán Nhà nước đề nghị cần làm rõ những kiến nghị, kết luận đã được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra, báo cáo còn thiếu những con số minh họa

Đại diện Bộ Tài chính đề nghị làm rõ vấn đề khoán chi sản phẩm nghiên cứu khoa học công nghệ, chỉ rõ giải pháp chính sách để khắc phục tính hình thức trong khoán chi

Một số đại biểu cũng đề nghị cần bổ sung hoạt động thanh tra, kiểm tra và hoạt động quản lý nhà nước của Bộ rõ nét hơn trong báo cáo

Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn, Tổ trưởng Tổ Công tác nêu rõ, trong lần giám sát này, Đoàn giám sát đã mời nhiều chuyên gia tham gia Tổ công tác với tư cách độc lập, để đánh giá sâu sát, đa chiều, khách quan về các báo cáo của các Bộ. Đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu tại cuộc họp, hoàn thiện báo cáo, đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin, rõ ràng, tường minh./.

Hồ Hương- Phạm Thắng