HỌP BÁO CHÍNH PHỦ THƯỜNG KỲ THÁNG 06/2022: NHIỀU ĐIỂM SÁNG TRONG TÌNH HÌNH KINH TẾ, XÃ HỘI 6 THÁNG ĐẦU NĂM

04/07/2022

Chiều 04/7, sau Phiên họp thường kỳ tháng 6 năm 2022 của Chính phủ, Văn phòng Chính phủ tổ chức Họp báo Thường kỳ. Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn chủ trì họp báo.

 

Toàn cảnh họp báo

Dự họp báo có Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nội vụ, Bộ Công an cùng đông đảo nhà báo, phóng viên từ các cơ quan báo chí trung ương.

Phát biểu khai mạc họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, ngày 04/7, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2022 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Hội nghị và phiên họp diễn ra trong bối cảnh tình hình dịch bệnh trong tháng 6/2022 tiếp tục được kiểm soát vững chắc; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, tình hình kinh tế, xã hội tháng 6 tiếp tục khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực, đóng góp tích cực vào kết quả quan trọng đạt được trong 6 tháng đầu năm, góp phần tạo tiền đề, nền tảng quan trọng để các ngành, lĩnh vực lấy lại đà phục hồi và phát triển.

Tại Hội nghị, các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã xem xét, thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2022; tình hình triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội; tình hình phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; các phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm thời gian tới.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho hay, về tình hình kinh tế - xã hội, các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương thống nhất nhận định: Trong 6 tháng đầu năm 2022, đất nước ta tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, nhất là những khó khăn chung toàn cầu do các hệ lụy và tác động tiêu cực của dịch COVID-19 và ảnh hưởng bởi cuộc xung đột Nga-Ukraine, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng cao; song dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự ủng hộ, giám sát của Quốc hội, sự chung sức, đồng lòng, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương đã chỉ đạo, điều hành quyết liệt, thống nhất, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra. Bên cạnh những vấn đề thường xuyên, nhiều vấn đề tồn đọng và mới phát sinh được tập trung xử lý hiệu quả. Nhờ đó, tình hình kinh tế, xã hội tháng 6 và 6 tháng năm 2022 khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực, tăng trưởng ấn tượng, kinh tế đang phục hồi toàn diện, nhiều chỉ số vượt kế hoạch đề ra. Cụ thể, GDP quý II tăng 7,72%, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát. Các ngành, lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế phát triển ổn định, nhiều lĩnh vực phục hồi nhanh. An sinh xã hội được chú trọng; các hoạt động chăm lo cho các đối tượng chính sách, người nghèo, người lao động được triển khai tích cực, hiệu quả

Có được những kết quả tích cực đó là nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cùng các quyết sách quan trọng của Nhà nước, trong đó có các Nghị quyết của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, mạnh mẽ, có trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị cùng cộng đồng doanh nghiệp, sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân cả nước và sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế.

Tuy nhiên, các đại biểu dự họp cũng cho rằng, tình hình kinh tế, xã hối nước ta vẫn còn nhiều khó khăn cần khắc phục, nhiều thách thức cần vượt qua, trong đó nổi lên là dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến khó lường với các biến chủng mới lây lan nhanh hơn, làm tăng nguy cơ bùng phát dịch trở lại; ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế tiềm ẩn nhiều rủi ro; áp lực lạm phát tăng; việc triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia, giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng văn bản hướng dẫn và giải ngân vốn một số chính sách trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế còn chậm; hoạt động sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn; nhiều vấn đề xã hội phát sinh, trong đó có tình trạng thiếu vật tư, thiết bị y tế, nhiều cán bộ, nhân viên y tế trong khu vực công lập xin nghỉ việc, chuyển công tác; đời sống một bộ phận người dân còn gặp nhiều khó khăn; quốc phòng, an ninh tiềm ẩn rủi ro;…

Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: các cấp, các ngành, các địa phương tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, phải theo dõi chặt chẽ, chủ động có phương án ứng phó, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả với diễn biến dịch COVID-19. Bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, sự lãnh đạo, chỉ đạo, các Kết luận, Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp. Chú trọng xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng. Kế thừa, phát huy và nhân rộng những kinh nghiệm quý, bài học hay; phát huy cao độ tinh thần tự lực, tự cường. Tăng cường đoàn kết, thống nhất; nâng cao hiệu quả phối hợp, tính liên kết. Bám sát và tôn trọng thực tiễn; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, đề cao vai trò người đứng đầu. Phấn đấu, nỗ lực hơn nữa để đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương

Trả lời câu hỏi của các phóng viên, nhà báo về tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2022, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, con số tăng trưởng GDP của quý II tăng 7,72% là con số tăng trưởng tích cực trong bối cảnh chúng ta đang thực hiện quyết liệt các giải pháp phục hồi kinh tế. Đây là kết quả rất tích cực đạt được sau 6 tháng đầu năm 2022, đã phản ánh đúng thực trạng phục hồi mạnh mẽ của cả nền kinh tế. Quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Chính phủ trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 đã được xác định trong năm 2021. Các mục tiêu, định hướng đề ra đã được báo cáo với Quốc hội để đề ra các giải pháp cụ thể, gắn với mục tiêu của năm 2022 đó là: Năm 2022 là năm phục hồi, là năm nền tảng quan trọng để chúng ta bước vào năm 2023 quay trở lại quỹ đạo phát triển kinh tế-xã hội bền vững như trước đây. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, kết quả này là tổng hoà của các giải pháp đã đề ra trong kế hoạch từ năm 2021, những giải pháp này đã được cụ thể hoá bằng một loạt nghị quyết của Chính phủ như: Nghị quyết 01, Nghị quyết 02, Nghị quyết 11… và một loạt văn bản chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Giải đáp vấn đề được nhiều phóng viên quan tâm về việc giải ngân hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, ngày 28/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg về việc hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Và ngày 1/4/2022, ngay sau khi có Quyết định 08 của Thủ tướng Chính phủ thì Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 431 ngày 19/5/2022 về tăng cường biện pháp triển khai hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động và phát triển thị trường lao động sử dụng bảo hiểm xã hội. Thủ tướng đã yêu cầu các địa phương triển khai Quyết định số 08 và ngày 31/5/2022, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có văn bản yêu cầu các địa phương triển khai Quyết định 08 này.

Ngày 03/7 vừa qua, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Bộ Tài chính tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 791 ngày 3/7/2022 về nguyên tắc hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà. Đây là quyết định rất cụ thể về nguồn kinh phí từ ngân sách Trung ương để hỗ trợ hoàn toàn tiền thuê nhà này. Đồng thời Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp chặt chẽ với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai. Bộ Công an cũng đã chỉ đạo các lực lượng chức năng ở địa phương hướng dẫn, cập nhật cơ sở dữ liệu để tránh việc trùng lặp. Hiện nay các cơ quan và địa phương đã đồng loạt triển khai vấn đề này.

Tại cuộc họp báo, đại diện các bộ, ngành cũng đã giải đáp, trả lời nhiều câu hỏi, vấn đề các nhà báo, phóng viên đã đưa ra về nhiều lĩnh vực như: vấn đề thiếu thuốc và trang thiết bị y tế ở nhiều địa phương; đề xuất tách Tổng cục Đường bộ Việt Nam thành Cục Đường bộ Việt Nam và Cục Đường bộ cao tốc Việt Nam; tình hình giá xăng, dầu trong nước...

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh họp báo:

Các nhà báo, phóng viên tham dự họp báo

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho hay, các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương thống nhất nhận định, tình hình kinh tế, xã hội tháng 6 và 6 tháng năm 2022 khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực, tăng trưởng ấn tượng, kinh tế đang phục hồi toàn diện, nhiều chỉ số vượt kế hoạch đề ra

Các phóng viên, nhà báo đặt câu hỏi về nhiều vấn đề trong lĩnh vực quản lý nhà nước của nhiều Bộ, ngành

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh giải đáp vấn đề được nhiều phóng viên quan tâm về việc giải ngân hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đưa ra giải pháp cho vấn đề thiếu thuốc và trang thiết bị y tế ở nhiều địa phương

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông giải đáp thắc mắc của phóng viên về đề xuất tách Tổng cục Đường bộ Việt Nam thành Cục Đường bộ Việt Nam và Cục Đường bộ cao tốc Việt Nam

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi trả lời câu hỏi của phóng viên về vấn đề giá xăng, dầu trong nước

Minh Hùng - Nghĩa Đức