Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương chủ trì buổi làm việc giữa Đoàn Giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội với tỉnh Kiên Giang
Báo cáo kết quả tổ chức thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo với Đoàn Giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về ““Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021” vừa qua, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành cho biết, giai đoạn 2016-2021, các cấp, các ngành tiếp dân thường xuyên, định kỳ và đột xuất được 63.829 lượt. Nội dung khiếu nại tập trung liên quan đến lĩnh vực hành chính, chủ yếu là khiếu nại các quyết định thu hồi đất, quyết định bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để thực hiện các dự án, khiếu nại việc thực hiện các chế độ chính sách; nội dung tố cáo chủ yếu hành vi của cán bộ, công chức khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn này, số đơn khiếu nại, tố cáo địa phương tiếp nhận là 17.412 đơn, trong đó, có 2.190 đơn khiếu nại, 80 đơn tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết. Hiện nay, tỉnh đã giải quyết 2.081/2.190 đơn khiếu nại (đạt 95,02%), còn 109 đơn đang giải quyết. Sau giải quyết khiếu nại, tỉnh đã kiến nghị thu hồi 114.624m2 đất giao Nhà nước quản lý và 64,1 triệu đồng; thu hồi và điều chỉnh 44 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do cấp sai quy định; giữ ổn định cho công dân sử dụng 3.354m2 đất, bồi thường bổ sung cho công dân hơn 60 tỷ đồng, bố trí 25 nền tái định cư và 2 căn nhà. Đối với đơn tố cáo, tỉnh đã giải quyết xong 80/80 đơn tố cáo.
Về kết quả giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo do các cơ quan của Quốc hội, Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và Đại biểu Quốc hội chuyển đến các cấp, các ngành có thẩm quyền trên địa bàn, Uỷ ban nhân dân tỉnh Kiên Giang tiếp nhận tổng số 41 vụ, đã giải quyết 19 vụ và có văn bản trả lời cho các cơ quan chuyển đến; còn lại 22 vụ đã chuyển đơn đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Về xử lý trách nhiệm trong giải quyết tố cáo, đã xử lý hành chính 15 tập thể và 57 cá nhân. Cùng với đó, công tác kiểm tra, rà soát giải quyết các vụ khiếu nại phức tạp, kéo dài trên địa bàn tỉnh cơ bản kịp thời, đảm bảo đúng trình tự theo Kế hoạch 363/KH-TTCP; kết quả rà soát, giải quyết cơ bản được người dân đồng thuận, chấp hành. Thông qua việc kiểm tra, rà soát, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang đã kịp thời điều chỉnh, giải quyết bổ sung đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân gắn với thực hiện chính sách an sinh xã hội, giúp người dân ổn định cuộc sống, chấm dứt khiếu nại.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang cũng cho biết, trong gian đoạn 2016-2021, Ủy ban nhân dân tỉnh đã thành lập và thường xuyên kiện toàn các Tổ công tác thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh. Ủy ban nhân dân tỉnh cũng chỉ đạo Thanh tra tỉnh và các sở, ngành, địa phương có liên quan tham gia phối hợp với các cơ quan Trung ương trong việc tiếp công dân, kiểm tra, rà soát các vụ việc khiếu nại phức tạp, kéo dài, giúp địa phương tháo gỡ, xử lý kịp thời nhiều vụ việc còn khó khăn, vướng mắc. Công tác phối kết hợp giữa các huyện, thành phố với tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức đoàn thể được thực hiện thường xuyên và huy động được sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn còn gặp một số tồn tại, hạn chế. Theo đó, việc bố trí công chức trực tiếp công dân thường xuyên ở một số nơi chưa đảm bảo yêu cầu; nhận thức pháp luật về khiếu nại, tố cáo chưa thống nhất dẫn đến công tác xử lý còn lúng túng, chưa chính xác, chưa đúng thẩm quyền; việc giải thích hướng dẫn còn gây phiền hà cho người dân. Một số địa phương chưa đảm bảo thời hạn quy định trong thụ lý và giải quyết đơn thẩm quyền, tỷ lệ giải quyết ở một số đơn vị còn thấp.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế trên, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành cho rằng một số quy định pháp luật còn mâu thuẫn và chồng chéo. Mặt khác, do nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, một số địa phương triển khai thực hiện nhiều dự án phải thu hồi đất, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân dẫn đến phát sinh khiếu nại, tố cáo; một số người dân nhận thức pháp luật về đất đai, khiếu nại, tố cáo chưa đầy đủ. Cùng với đó, trách nhiệm của người đứng đầu ở một số đơn vị, địa phương còn thiếu quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, giám sát đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại đơn vị, địa bàn quản lý. Vai trò tham mưu của cơ quan chuyên môn, trình độ năng lực, kinh nghiệm của một số công chức làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn, thẩm tra xác minh, tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo, còn hạn chế...
Chỉ ra trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Kiên Giang nêu rõ, vẫn còn một số Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, đặc biệt là cấp huyện chưa coi công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, dẫn đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát chưa kịp thời; chất lượng, hiệu quả tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo có mặt còn hạn chế. Bên cạnh đó, việc phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức đoàn thể chưa được thể hiện rõ nét; trong công tác phối hợp tiếp công dân, xử lý đơn và giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc khiếu nại phức tạp, đông người từng lúc chưa kịp thời, hiệu quả phối hợp chưa cao.
Từ những tồn tại, hạn chế trên, để nâng cao chất lượng tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành cho rằng cần tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo; tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; gắn thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khiếu nại, tố cáo với công tác phòng, chống tham nhũng, cải cách hành chính và chỉnh đốn, xây dựng Đảng.
Mặt khác, người đứng đầu phải tăng cường tổ chức tiếp công dân định kỳ, đột xuất và đối thoại để giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ khiếu nại, tố cáo phát sinh từ cơ sở, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng đơn thư tồn đọng. Tập trung giải quyết kịp thời, đúng quy định của pháp luật đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền gắn với thực hiện chính sách an sinh xã hội. Chủ động tổ chức thực hiện có hiệu quả các kết luận, quyết định giải quyết khiếu nại, tranh chấp đất đai đã có hiệu lực pháp luật; thực hiện dứt điểm các vụ việc đã có ý kiến kết luận của Trung ương. Ngoài ra, các ngành chức năng trong phạm vi nhiệm vụ được giao cần định kỳ thanh tra trách nhiệm việc thực hiện các quy định của pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp dưới, Thủ trưởng cơ quan chuyên môn cùng cấp; kiên quyết xử lý nghiêm đối với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị có hạn chế, thiếu sót để kịp thời chấn chỉnh, nâng cao chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền./.