HUY ĐỘNG CƠ SỞ ĐÀO TẠO CHUYÊN SÂU HỖ TRỢ XÂY DỰNG CHUẨN NĂNG LỰC NGHỀ NGHIỆP NGÀNH Y

09/07/2022

Đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội cho rằng cần phát huy vai trò của các hội và cơ sở đào tạo chuyên sâu trong việc phối hợp, hỗ trợ Hội đồng Y khoa quốc gia, xây dựng chuẩn năng lực nghề nghiệp, xây dựng ngân hàng câu hỏi, tham gia đánh giá năng lực hành nghề.

 

Đại biểu Cao Mạnh Linh– Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa tham gia thảo luận

Tham gia ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Cao Mạnh Linh– Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng, trong việc quy định thẩm quyền cấp và thu hồi giấy phép hành nghề, cần phân định rõ hai vấn đề: Thứ nhất là việc đánh giá năng lực chuyên môn; Thứ hai là công tác quản lý hoạt động hành nghề của người hành nghề khám, chữa bệnh.

Đại biểu bày tỏ tán thành với phương án 2 của dự thảo, giao Hội đồng Y khoa quốc gia thực hiện việc kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Cơ quan quản lý nhà nước thì căn cứ kết quả kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề cũng như các điều kiện theo quy định để cấp phép hành nghề. Phương án này phù hợp với vai trò hiện nay của Hội đồng Y khoa quốc gia, là tổ chức có trách nhiệm xây dựng chuẩn năng lực nghề nghiệp cho các chức danh hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, tham gia giám sát, đánh giá việc tuân thủ chuẩn năng lực nghề nghiệp của người hành nghề, xây dựng và thử nghiệm bộ ngân hàng câu hỏi đánh giá năng lực hành nghề theo Quyết định số 956 ngày 6/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đại biểu Cao Mạnh Linh, việc cơ quan quản lý nhà nước thực hiện cấp giấy phép hành nghề là phù hợp với vai trò quản lý nhà nước của mình, đồng bộ với hoạt động thanh tra, kiểm tra, đình chỉ hành nghề, thu hồi giấy phép hành nghề. Tuy nhiên, cần lưu ý theo quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Y khoa quốc gia. Hội đồng hiện nay chỉ có hơn 30 người gồm có Chủ tịch Hội đồng là Bộ trưởng Bộ Y tế và một số Phó Chủ tịch. Các thành viên Ủy viên Hội đồng có từ 27 đến 29 thành viên, nhưng chỉ làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Các thành viên gồm đại diện Tổng hội Y học Việt Nam, một số hội nghề nghiệp chuyên khoa, chuyên ngành, một số cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe, một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, một số đơn vị đặc thù.

Do đó, để bảo đảm tính khả thi, đại biểu Cao Mạnh Linh cho rằng dự thảo nên nghiên cứu bổ sung quy định để huy động sự tham gia sâu hơn của các hội nghề nghiệp, cơ sở đào tạo chuyên môn ngành y. Phát huy vai trò của các hội và cơ sở đào tạo chuyên sâu trong việc phối hợp, hỗ trợ Hội đồng Y khoa quốc gia, xây dựng chuẩn năng lực nghề nghiệp, xây dựng ngân hàng câu hỏi, tham gia đánh giá năng lực hành nghề. Qua đó vừa tránh phát sinh thêm bộ máy và phù hợp với chủ trương xã hội hóa của ta hiện nay. Đây là vấn đề đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội lưu ý cơ quan soạn thảo khi cho ý kiến về dự thảo luật này.

Ngoài ra đại biểu cũng đề nghị cần quy định rõ vai trò của Bộ Y tế trong việc phối hợp tổ chức các đợt đánh giá như bảo đảm điều kiện về nhân lực, địa điểm, kinh phí. Đồng thời Bộ Y tế cũng là cơ quan giám sát, kiểm tra hoạt động, tổ chức đánh giá năng lực nghề của Hội đồng Y khoa, bảo đảm khách quan tránh vi phạm, trục lợi trong hoạt động đánh giá năng lực.

Đại biểu Đoàn Thị Lê An – Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng

Tham gia phát biểu ý kiến, đại biểu Đoàn Thị Lê An – Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng bày tỏ đồng tình với phương án 2 giao Hội đồng Y khoa quốc gia thực hiện kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh của người đề nghị cấp giấy phép hành nghề và giao các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Sở Y tế căn cứ kết quả kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề khám, chữa bệnh cũng như các điều kiện về sức khỏe, điều kiện về không thuộc trường hợp bị cấm để thực hiện việc cấp phép hành nghề. Đại biểu đồng tình với việc Hội đồng Y khoa kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề khám, chữa bệnh của cán bộ y tế. Tuy nhiên đề nghị nên phân cấp, phân quyền để cho các địa phương, đó là các cơ sở y tế như mô hình sát hạch về tay nghề thống nhất trong cả nước về lĩnh vực y tế. Trên cơ sở đó chúng ta sẽ phân cấp về cho các địa phương cấp giấy phép hành nghề để tránh tình trạng khó khăn trong các cơ sở y tế khi thực hiện việc xin cấp, gia hạn chứng chỉ hành nghề.

Cùng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Phạm Thị Kiều – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho biết, Điều 26 dự thảo luật quy định thẩm quyền cấp, thu hồi giấy phép hành nghề thuộc thẩm quyền của Hội đồng Y khoa quốc gia, theo đại biểu, Hội đồng Y khoa quốc gia nên được giao những nhiệm vụ lớn như tư vấn xây dựng thể chế, chính sách về y tế, khám bệnh, chữa bệnh và giải quyết những vấn đề khó về chuyên môn, không nên giao đảm nhiệm các công việc thực thi tác nghiệp cụ thể như việc tổ chức thi, cấp chứng chỉ hành nghề. Đại biểu cho rằng việc này nên quy định giao cho các cơ quan nhà nước hoặc tổ chức độc lập thực hiện đối với nhiều chứng chỉ hành nghề khác mà không cần thiết phải do Hội đồng ở tầm quốc gia trực tiếp thực hiện để đảm bảo theo đúng yêu cầu của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm của các địa phương. Đồng thời, để tạo thuận lợi hơn cho người đề nghị cấp giấy phép hành nghề, giảm chi phí thủ tục hành chính, đại biểu Phạm Thị Kiều đề nghị chỉnh sửa quy định về thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề theo địa bàn quản lý như hiện hành, Giám đốc Sở Y tế của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cấp giấy phép hành nghề cho tất cả các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 18 theo từng địa bàn quản lý.

Hồ Hương