NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG QUỸ PHÁT TRIỂN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUỐC GIA

25/07/2022

Báo cáo với Tổ công tác Đoàn Giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021”, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết, việc quản lý, sử dụng Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia đảm bảo đúng các quy định của pháp luật, tuy nhiên cần nâng cao hơn nữa hiệu quả của Quỹ để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Tổ công tác Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021” làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ

Tại cuộc làm việc của Tổ công tác Đoàn Giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021” với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), báo cáo công tác thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021 của Bộ, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết, Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia (NAFOSTED) hoạt động theo Điều lệ tổ chức và hoạt động quy định tại Nghị định 23/2014/NĐ-CP ngày 03/4/2014 và Nghị định 19/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều ban hành kèm Nghị định 23/2014/NĐ-CP do Chính phủ ban hành. Các chức năng của NAFOSTED bao gồm tài trợ, hỗ trợ, cho vay, bảo lãnh vốn vay đối với các hoạt động, nhiệm vụ KH&CN và cấp kinh phí nhiệm vụ KH&CN do Bộ KH&CN trực tiếp quản lý. Các chương trình nghiên cứu cơ bản (NCCB) của NAFOSTED đóng góp quan trọng trong việc hỗ trợ nguồn lực KH&CN, tăng số lượng công bố quốc tế trong các lĩnh vực nghiên cứu.

Về tình hình hoạt động của quỹ, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết, Chương trình NCCB luôn là trọng tâm trong hoạt động tài trợ của NAFOSTED, được triển khai sớm, từ năm 2009 đối với lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật, từ năm 2010 đối với lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Mục tiêu của các chương trình tài trợ NCCB là tạo môi trường nghiên cứu thuận lợi nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, hướng tới chuẩn mực quốc tế, nâng cao năng lực nghiên cứu cơ bản cơ bản trong các tổ KH&CN Việt Nam, hình thành các tập thể nghiên cứu mạnh, góp phần đào tạo nguồn nhân lực KH&CN trình độ cao. Kết quả triển khai chương trình được đánh giá bởi công bố khoa học từ các nghiên cứu được tài trợ, hoạt động, phát triển của nhà khoa học tham gia nghiên cứu, đào tạo sau đại học.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy

Trong giai đoạn 2016 - 2021, NAFOSTED cũng bắt đầu thực hiện các chương trình nghiên cứu hướng ứng dụng. Mục tiêu của các chương trình này bao gồm phát triển, mở rộng các kết quả NCCB phù hợp với nhu cầu và đặc thù của Việt Nam trong các lĩnh vực KH&CN (nghiên cứu ứng dụng), nghiên cứu các vấn đề KH&CN có tính ứng dụng cao, có tiềm năng tạo ra hướng nghiên cứu mới hoặc sản phẩm công nghệ mới (nhiệm vụ tiềm năng), hay nghiên cứu những vấn đề mới xuất hiện trong thực tiễn, có tính cấp thiết, đòi hỏi phải giải quyết kịp thời nhằm đáp ứng yêu cầu của xã hội (nhiệm vụ đột xuất). Kết quả các tài trợ này hướng tới tạo ra công nghệ mới có khả năng triển khai, hoàn thiện đưa vào sản xuất và đời sống, thúc đẩy đăng ký sở hữu trí tuệ.

Chương trình NCCB được triển khai với quy mô lớn, hằng năm, cho tất cả các ngành, chuyên ngành của KHTN&KT, KHXH&NV. Trong giai đoạn vừa qua, chương trình NCCB được tăng cường quy mô tài trợ, thông qua việc tiếp nhận hồ sơ 2 lần mỗi năm đối với mỗi lĩnh vực KHTN&KT (từ năm 2016) và KHXH&NV (từ năm 2017). Số lượng hồ sơ và tài trợ NCCB có xu hướng tăng hằng năm, với trung bình khoảng 300 nhiệm vụ giai đoạn trước và gần 400 nhiệm vụ được tài trợ mới hằng năm trong những năm gần đây.

Toàn cảnh cuộc làm việc của Tổ công tác Đoàn giám sát với Bộ Khoa học và Công nghệ

Đối với các chương trình nghiên cứu hướng ứng dụng, Quỹ bắt đầu thu hồ sơ (theo đợt) đối với chương trình tiềm năng từ năm 2017, chương trình nghiên cứu ứng dụng từ năm 2019. Số lượng nhiệm vụ được tài trợ, đối với mỗi chương trình, trung bình từ 10-20 nhiệm vụ/năm. Nhiệm vụ đột xuất được xem xét quanh năm, khi có vấn đề phát sinh cần nghiên cứu, giải quyết (số lượng tùy thuộc vấn đề phát sinh và kinh phí được cấp của Quỹ).

Thứ trưởng Bùi Thế Duy cũng nêu rõ, các chương trình hợp tác quốc tế thường được tiến hành với quy mô nhỏ, theo thỏa thuận với đối tác, khoảng 5-10 nhiệm vụ được tài trợ mỗi đợt cho một chương trình hợp tác. Các hoạt động nâng cao năng lực KH&CN quốc gia được hỗ trợ khoảng 100-200 hoạt động hằng năm. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các hoạt động được hỗ trợ giảm, với số lượng được hỗ trợ dưới 100 hoạt động KH&CN.

Theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, việc phân bổ, sử dụng NSNN cho KH&CN vẫn còn một số tồn tại và hạn chế như tình trạng tồn đọng vốn sự nghiệp KH&CN thể hiện qua kinh phí chuyển nguồn hàng năm còn lớn; một số nhiệm vụ KH&CN chậm tiến độ hoặc dừng thực hiện giữa chừng; chậm xây dựng và phê duyệt nhiệm vụ kéo theo phân bổ và sử dụng không kịp, không hết dự toán chi NSNN được giao. Nguyên nhân của những vấn đề này là do tính chất của hoạt động nghiên cứu KH&CN tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Mục tiêu nghiên cứu càng lớn, càng mang tính đột phá thì việc đạt được kết quả ngay từ những thử nghiệm đầu tiên là rất khó xảy ra, nhiều trường hợp đã đầu tư một khối lượng lớn nhân lực vật lực nhưng không đem lại kết quả mong muốn. Bên cạnh đó, những vướng mắc trong cơ chế, chính sách hiện tại cũng là một rào cản để tối ưu hóa và đẩy nhanh tốc độ triển khai và sử dụng hiệu quả kinh phí sự nghiệp KH&CN.

Nhận thức được những tồn tại này, Bộ KH&CN đang tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hoàn thiện cơ chế, chính sách, đề xuất những giải pháp vượt trội để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự là động lực chủ yếu của tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; cơ cấu lại và thực hiện hiệu quả các chương trình KH&CN 1uốc gia giai đoạn 2021-2025 theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia; chú trọng thu hút nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực nghiên cứu và quản lý KH&CN, đầu tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát huy các Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia và Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp để hỗ trợ hoạt động KH&CN trong doanh nghiệp.

Hồ Hương