VIỆC XÁC ĐỊNH GIÁ TRỊ TÀI SẢN LÀ KẾT QUẢ CỦA NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CÒN BẤT CẬP

27/07/2022

Báo cáo với Tổ công tác Đoàn Giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021”, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết, phương pháp xác định, việc xác định giá trị của tài sản là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ còn tồn tại một số bất cập, hạn chế, khó khăn.

Tổ công tác Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021” làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ

Toàn cảnh cuộc làm việc của Tổ công tác Đoàn giám sát với Bộ Khoa học và Công nghệ

Tại cuộc làm việc của Tổ công tác Đoàn Giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021” với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), báo cáo công tác thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021 của Bộ, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết, Bộ còn gặp khó khăn, vướng mắc trong việc xác định chi phí tạo lập, xác định, thẩm định giá trị tài sản hình thành là kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN.

Cụ thể, phương pháp xác định, việc xác định giá trị của tài sản là kết quả của nhiệm vụ KH&CN rất khó khăn. Việc xác định giá trị tài sản quy định tại Thông tư 10/2019/TT-BTC, gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Nếu xác định giá trị tài sản dựa trên kinh phí đầu tư cho nhiệm vụ KH&CN thì chỉ tính riêng về kinh phí đầu tư cho chính nhiệm vụ đó, chưa tính lợi nhuận, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng thì giá trị tài sản đã không đúng giá trị thực của loại tài sản đó. Vì chi phí cho KH&CN là chi phí vô hình, không định rõ được đầu tư bao nhiêu là đủ để có thể dẫn đến kết quả cuối cùng, hoạt động khoa học có tính rủi ro, không giống loại hình lao động sản xuất mang tính lặp đi lặp lại. Do vậy, việc xác định giá trị tài sản theo phương thức này tuy đơn giản nhưng không phù hợp. Nếu xác định giá trị tài sản theo cách tiếp cận từ chi phí, rất khó xác định chính xác chi phí tái tạo, chi phí thay thế hay không thể quy định mức hao mòn do lỗi thời chức năng, công nghệ, lỗi thời về kinh tế;

Bên cạnh đó, kho xác định giá trị tài sản theo cách tiếp cận thị trường, không phải kết quả của nhiệm vụ KH&CN nào cũng có thể tiếp cận thị trường ngay. Xác định giá trị tài sản theo cách tiếp cận từ thu nhập, cũng tương tự các các xác định giá trị tài sản nêu trên rất khó xác định chính xác. Ví dụ, đối với 1 kết quả của nhiệm vụ KH&CN là quy trình công nghệ, quy trình này được chuyển giao nhiều lần cho các cá nhân/tổ chức khác nhau. Thậm chí ngay khi nhiệm vụ KH&CN kết thúc thì chưa có hợp đồng chuyển giao nhưng sau 1 thời gian dài tổ chức chủ trì mới có hợp đồng chuyển giao công nghệ này mà theo quy định tại Nghị định số 70/2018/NĐ-CP sau 60 ngày đã phải giao quyền sử dụng cho tổ chức nhận tài sản.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nêu rõ, cùng một kết quả của nhiệm vụ KH&CN nếu xác định giá theo các cách khác nhau theo quy định tại Thông tư 10/2019/TT-BTC có thể dẫn đến các kết quả rất khác nhau, dẫn đến rất khó quyết định xác định giá trị của tài sản là kết quả của nhiệm vụ KH&CN.

Về quy định thương mại hóa và cơ chế phân chia lợi nhuận, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết, để có thể thương mại hóa được các kết quả hình thành từ việc triển khai  thực hiện nhiệm vụ KH&CN, doanh nghiệp đầu tư về tài chính và thời gian để tiếp tục hoàn thiện quy trình, nâng công suất sản xuất vì kết quả nghiên cứu chỉ là sản phẩm ban đầu. Bên cạnh đó, các thủ tục về đăng kí sở hữu trí tuệ, sáng chế cũng phải cần thời gian để thực hiện. Vì vậy, quy định thời gian trong thời hạn 03 năm phải đảm bảo các tài sản được giao phải được ứng dụng, thương mại hóa ( quy định tại mục e khoản 1 Điều 22 Nghị định 70/2018/NĐ-CP) đang là trở ngại lớn đối với tổ chức, cá nhân nhận giao quyền.

Đối với cơ chế phân chia lợi nhuận, để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng và phát triển công nghệ ở các vùng khó khăn, Luật Khoa học và Công nghệ và Nghị định số 08/2014/NĐ-CP quy định: “doanh nghiệp liên kết với các nhà khoa học, các tổ chức thực hiện nhiệm vụ KH&CN được hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước, cụ thể: hỗ trợ đến 30% vốn đầu tư cho dự án của doanh nghiệp ứng dụng kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN...; đến 50% vốn đầu tư cho dự án thực hiện ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; đến 50% vốn đầu tư cho dự án thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia thuộc lĩnh vực ưu tiên, trọng điểm của Nhà nước”

Tuy nhiên, Khoản 3 Điều 28 Nghị định số 70/2018/NĐ-CP, điểm c khoản 2 Điều 10 Thông tư 02/2020/TT-BKHCN hướng dẫn thi hành Điều 41 Nghị định số 70/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng vốn nhà nước, quy định k, sau khi phân chia cho tác giả và người môi giới, phần lợi nhuận còn lại chia cho đại diện chủ sở hữu nhà nước tương ứng với tỷ lệ vốn nhà nước đóng góp vào nhiệm vụ theo quy định tại khoản 3 Điều 28 Nghị định số 70/2018/NĐ-CP.

Điều này có nghĩa là mức hỗ trợ của nhà nước càng cao ở khu vực khó khăn thì phần lợi nhuận tương ứng phải trả cho Nhà nước càng lớn. Quy định như vậy không tạo động lực cho tổ chức chủ trì đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân trong việc triển khai các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ ở các khu vực khó khăn, đặc biệt khó khăn để thúc đẩy KH&CN và kinh tế địa phương.

Theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, trong bối cảnh việc “định giá tài sản là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ” và việc thương mại hóa kết quả này còn vướng mắc như trên có thể dẫn đến những tiềm ẩn “rủi ro” khi thương mại hóa và sẽ dẫn đến “nghịch cảnh” “sợ” sản phẩm thương mại hóa thành công thì có thể quy kết trách nhiệm trong công tác định giá. Đây sẽ là rào cản lớn để đưa các sản phẩm là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ vào thị trường và giảm khả năng phát huy tác dụng của các công trình nghiên cứu khoa học và công nghệ.

Hồ Hương