Đề xuất các giải pháp, phương thức giải quyết tranh chấp hữu hiệu giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa
Hà Nội: Đa số người tiêu dùng chưa ý thức được trách nhiệm tự bảo vệ quyền lợi của bản thân
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài, là trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, của cán bộ, đảng viên và các tổ chức trong hệ thống chính trị và toàn xã hội. Trong những năm qua, Đảng đã ban hành kịp thời chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Chính phủ cũng đã ban hành nghị quyết, các địa phương đã ban hành kế hoạch để đồng bộ triển khai thực hiện tạo cơ chế phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan, tổ chức và địa phương, trong đó có sự phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể đối với từng cấp, từng ngành trong công tác bảo vệ người tiêu dùng.
Tại cuộc làm việc giữa Đoàn giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường với Bộ Tài chính và Tp.Hà Nội xung quanh việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mới đây, một trong những nội dung thu hút sự quan tâm của các đại biểu là đảm bảo nguồn lực cũng như sử dụng hiệu quả nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ, công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Bà Trần Thị Phương Lan – Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội nêu ý kiến.
Bà Trần Thị Phương Lan – Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, tại Thành phố Hà Nội, Thành ủy, UBND Thành phố luôn xác định rõ tầm quan trọng trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nên đã ban hành các kế hoạch văn bản để chỉ đạo các cấp, ngành, tổ chức chính trị xã hội, các hội, hiệp hội… của Thành phố tổ chức triển khai thực hiện. Cấp ủy các quận, huyện, thị xã, các Sở, ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội, các hội, hiệp hội cũng đã chủ động xây dựng các kế hoạch, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức nhiều chương trình, sự kiện phong phú theo kế hoạch. Công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật được quan tâm, công tác thanh tra kiểm tra được tăng cường nên đã tạo sự chuyển biến đồng bộ từ nhận thức đến hành động trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn Thành phố.
Tuy nhiên, khó khăn, vướng mắc lớn nhất hiện nay của Hà Nội khi thực hiện công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là chưa có cơ chế kêu gọi toàn xã hội tham gia vào công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt chưa có cơ chế phù hợp để thành lập và tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ người tiêu dùng hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả.
Đa số các Hội hiện nay mang tên là Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với tên gọi, tôn chỉ, mục đích được khẳng định rõ trong điều lệ là Tổ chức xã hội của người tiêu dùng. Tuy nhiên, thực tế vẫn có một số Hội lấy tên là Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoặc Hội Đo lường và bảo vệ người tiêu dùng. Với tên gọi như vậy, các Hội này được hiểu là tổ chức xã hội – nghề nghiệp, không phải là tổ chức xã hội. Do vậy, không được vận dụng đầy đủ các quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cũng đồng nghĩa với việc không được thực hiện hết các nội dung mà Luật giao.
Theo bà Trần Thị Phương Lan, để công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thực sự có hiệu quả, đề nghị Chính phủ xem xét hướng dẫn thành lập bộ máy chuyên trách về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ Trung ương đến địa phương; đào tạo nguồn nhân lực chuyên ngành tham gia công tác quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trần Văn Khải.
Nhìn nhận nguồn lực dành cho công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở góc độ kinh tế, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trần Văn Khải nhấn mạnh: Chỉ thị số 30-CT/TW nêu rõ, trong những năm qua, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được Ðảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân quan tâm và đạt được một số kết quả bước đầu. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém; quyền lợi cơ bản của người tiêu dùng vẫn bị xâm phạm.
Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trần Văn Khải, một trong những nguyên nhân là do nguồn lực dành cho công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng còn hạn chế. Ngoài nguồn lực về con người, cơ sở vật chất thì kinh phí để các cơ quan, địa phương thực hiện cũng không có nhiều. Chính vì vậy, Bộ Tài chính cần đề cập rõ hơn về kinh phí dành cho công việc này cũng như có những đánh giá xem hiệu quả triển khai như thế nào? Liệu việc bố trí nguồn lực dành cho nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có phải sử dụng nhiều đến ngân sách Nhà nước không?
Phó trưởng Ban Dân nguyện Lê Thị Nguyệt bày tỏ quan điểm.
Phó trưởng Ban Dân nguyện Lê Thị Nguyệt bày tỏ quan tâm đến việc phân bổ nguồn nhân lực, nguồn kinh phí cho công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo đó, các cơ quan, tỉnh thành cần ưu tiên phân bổ nguồn lực, ngân sách cho công việc nào trước khi thực hiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tránh dàn trải nhưng không hiệu quả. Vì các đối tượng được bảo vệ ở các địa phương có những yêu cầu, điều kiện kinh tế khác nhau.
Theo Phó trưởng Ban Dân nguyện Lê Thị Nguyệt, thực tế nguồn nhân lực, kinh phí để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở nhiều địa phương còn hạn chế. Để giải quyết bài toán này, các địa phương nên tăng cường kêu gọi các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp hoặc có thể lấy nguồn tiền xử phạt các cá nhân, tổ chức vi phạm vào nguồn kinh phí bảo vệ người tiêu dùng. Còn Bộ Tài chính có trách nhiệm chỉ đạo các Sở, ngành ở địa phương có trách nhiệm quản lý chặt chẽ nguồn tiền này.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi.
Phát biểu kết luận về nội dung trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi đánh giá cao Báo cáo của Bộ Tài chính, Tp.Hà Nội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã đạt được yêu cầu đề ra. Về nguồn lực dành cho công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi yêu cầu Bộ Tài chính làm rõ hơn về việc bố trí nguồn lực thông qua các hình thức huy động, xã hội hóa để thực hiện tốt hơn cho công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi cũng yêu cầu Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến đóng góp của các thành viên Đoàn giám sát cũng như các đại biểu tại cuộc làm việc để hoàn thiện Báo cáo gửi Ủy ban xem xét, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp vào giữa tháng 8 tới./.