Tham dự Đoàn khảo sát có các Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội: Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc Lê Tất Hiếu, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Nguyên Lý Văn Huấn; cùng đại diện Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và các cơ quan hữu quan.
Đoàn khảo sát của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội làm việc tại Vĩnh Phúc
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Hoàng Văn Liên cho biết Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân (Pháp lệnh 09/2014/UBTVQH13) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành từ năm 2014, quy định trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc tại tòa án nhân dân; trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc hoãn, miễn chấp hành, giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại; khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị; giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
Pháp lệnh số 09 đã quy định rõ ràng các trình tự, thủ tục nên khá thuận lợi cho Tòa án khi áp dụng, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, là công cụ hữu hiệu để Tòa án thực hiện tốt chức năng được giao. Tuy nhiên, sau 8 năm, quá trình thực hiện Pháp lệnh vẫn còn một số trường hợp chưa có quy định cụ thể, còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, cần được tháo gõ. Do đó, Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Hoàng Văn Liên chủ trì buổi làm việc
Thực hiện nhiệm vụ được giao, phục vụ công tác thẩm tra dự án Pháp lệnh này, Ủy ban Tư pháp tổ chức khảo sát tại nhiều địa phương trong cả nước. Theo đó, Đoàn khảo sát của Ủy ban Tư pháp đã có các buổi làm việc với các cơ quan của tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Hà Nội để nghe báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân tỉnh; khảo sát thực tế tại cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Bình Dương, Trường Giáo dưỡng số 4 thuộc Bộ Công an tại tỉnh Đồng Nai; các Cơ sở cai nghiện ma túy số 1,2,4 tại Hà Nội.
Làm việc tại Vĩnh Phúc, Đoàn khảo sát đã nghe đại diện lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc báo cáo tình hình thi hành Pháp lệnh số 09 trong giai đoạn từ 01/01/2018 đến 31/12/2021.
Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Thanh Danh nêu rõ một số quy định về thời hạn trong Pháp lệnh số 09 quy định quá ngắn gây khó khăn trong thực tiễn triển khai như quy định trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày Tòa án thụ lý hồ sơ đề nghị của cơ quan có thẩm quyền thì Tòa án phải ra quyết định, đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn không quá 30 ngày; hay thời gian thông báo việc thụ ký, gửi tài liệu chứng cứ bổ sung cho Tòa án chỉ có 02 ngày; hay Tòa án chỉ có 01 ngày để kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ; trong vòng 03 ngày kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải quyết định mở phiên họp xem xét quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính; trong vòng 7 ngày làm việc kể từ khi ra quyết định mở phiên họp thì Tòa án phải mở phiên họp xem xét quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính…
Do đó đại diện Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị quy định tăng thời hạn mở phiên họp xem xét quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính cũng như phiên họp xem xét giải quyết khiếu nại; tăng thời hạn gửi các tài liệu, văn bản do Tòa án ban hành; bổ sung quy định về thời hạn bổ sung tài liệu, chứng cứ trong trường hợp phức tạp.
Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Thanh Danh báo cáo tại buổi làm việc
Đại diện các cơ quan tư pháp của tỉnh Vĩnh Phúc đều cho biết việc triệu tập người tham gia phiên họp rất khó khăn, thực tế người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc người đại diện hợp pháp của họp thường không đến phiên họp. Đại diện Công an tỉnh Vĩnh Phúc cho biết thêm, thực tế rất nhiều trường hợp các đối tinh tượng đã bỏ trốn ngay khi biết hoặc nhận được thông báo, quyết định của cơ quan có thẩm quyền, gây rất nhiều khó khăn cho việc thực hiện các trình tự, thủ tục tiếp theo cũng như việc tổ chức thi hành quyết định.
Hiện nay, trong Công an nhân dân chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính; trong khi đó, công tác trao đổi, thông báo thông tin, tài liệu vi phạm hành chính của các đối tượng giữa Công an các đơn vị, địa phương trong và ngoài tỉnh còn hạn chế, chưa kịp thời, gây khó khăn cho việc xác minh thông tin, tích lũy, thu thập tài liệu lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, nhất là đối với các đối tượng không có nơi cư trú ổn định, hoạt động vi phạm ngoài địa bàn quản lý của Công an các đơn vị trong tỉnh.
Các cơ quan kiến nghị bổ sung các quy định về việc thực hiện thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh xét lại quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính của Tòa án nhân dân cấp huyện bị khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị; bổ sung Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có quyền kháng nghị quyết định của Tòa án nhân dân cấp huyện trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính khi có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật; bổ sung quy định về việc kiểm sát thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính nhằm đảm bảo quyền lợi của người bị áp dụng.
Đại diện các cơ quan: Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Công an, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân của tỉnh Vĩnh Phúc tại buổi làm việc
Trao đổi tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn khảo sát đánh giá cao sự chuẩn bị của tỉnh, nội dung báo cáo bám sát đề cương yêu cầu, chỉ rõ những tồn tại hạn chế, vướng mắc, đồng thời, ghi nhận các đánh giá, kiến nghị của các cơ quan liên quan. Đoàn khảo sát cũng đề nghị các cơ quan làm rõ thêm một số nội dung như việc triển khai phiên họp trực tuyến; việc tham vấn, trưng cầu ý kiến chuyên gia về trẻ em tại tòa; thông tin về tỷ lệ người tái nghiện sau khi hoàn thành cai nghiện bắt buộc; chính sách đối với cán bộ làm công tác cai nghiện; công tác phối hợp giữa các cơ quan trong tổ chức triển khai thực hiện, bảo đảm an ninh an toàn tại các phiên họp; vướng mắc về thời hạn, quy trình thủ tục… Đề nghị các cơ quan tiếp tục rà soát để thống nhất số liệu báo cáo như các trường hợp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Ghi nhận các khó khăn, vướng mắc mà các cơ quan đã nêu, Ủy viên Ủy ban Tư pháp Lý Văn Huấn - Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Nguyên đề nghị báo cáo làm rõ thêm việc phối hợp nghiên cứu hồ sơ của kiểm sát viên với Tòa án, thời hạn nghiên cứu hồ sơ, về thẩm quyền kháng nghị…Ủy viên Ủy ban Tư pháp Lê Tất Hiếu - Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, thực tiễn triển khai đã cho thấy Pháp lệnh số 09 đã phát huy hiệu quả trên thực tế, góp phần vào công cuộc đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy, bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương. Tuy nhiên vẫn còn những khó khăn, vướng mắc cả về quy định của pháp luật cả về tổ chức thực hiện còn có những sai sót. Do đó đại biểu cho rằng cần bổ sung thêm thủ tục giám đốc thẩm.
Các đại biểu cũng lưu ý việc sửa đổi Pháp lệnh số 09 cũng phải phù hợp với Pháp lệnh Trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc mới được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua. Cùng với đó cũng cần tăng cường công tác phối hợp giữa Tòa án và các cơ quan về thời gian kiểm tra để trả hồ sơ nhằm tránh những khó khăn, vướng mắc phát sinh khi muốn trả hồ sơ cho người đề nghị vì không đúng quy định của pháp luật.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Hoàng Văn Liên kết luận nội dung làm việc
Kết luận nội dung buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Hoàng Văn Liên nêu rõ qua làm việc với các cơ quan của tỉnh Vĩnh Phúc đã giúp Đoàn khảo sát hình dung bức tranh toàn cảnh tình hình tại địa phương; đồng thời ghi nhận và đánh giá cao hoạt động của các cơ quan tại địa phương trong công tác quản lý nói chung và công tác thực thi pháp luật, triển khai thực hiện Pháp lệnh số 09 nói riêng đạt hiệu quả.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng đánh giá cao các ý kiến trao đổi tại buổi làm việc, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, phản ánh sát đúng thực tiễn sinh động tại địa phương là cơ sơ quan trọng cho Ủy ban Tư pháp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thẩm tra. Tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết, Ủy ban Tư pháp sẽ nghiên cứu tổng hợp và có đề xuất phù hợp liên quan đến việc sửa đổi, bổi sung Pháp lệnh số 09 và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Một số hình ảnh tại buổi làm việc:
Đoàn khảo sát của Ủy ban Tư pháp về tình hình thi hành Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân làm việc tại Vĩnh Phúc
Đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc trình bày báo cáo tại buổi làm việc
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Hoàng Văn Liên xem xét các báo cáo gửi đến Đoàn khảo sát
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc báo cáo tại buổi làm việc
Ủy viên Ủy ban Tư pháp Lý Văn Huấn - Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Nguyên
Ủy viên Ủy ban Tư pháp Lê Tất Hiếu - Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc phát biểu tại buổi làm việc
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Hoàng Văn Liên - Trưởng Đoàn khảo sát kết luận nội dung làm việc.