Sự cần thiết xây dựng Đề án
Báo cáo đề dẫn dự thảo Đề án Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Dân tộc (HĐDT), Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry khẳng định sự cần thiết xây dựng Đề án nhằm thực hiện nhiệm vụ chính trị do Đảng đoàn Quốc hội giao và yêu cầu của tình hình thực tiễn đặt ra.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry cho biết, ngoài thực hiện các chức năng, nhiệm vụ như nhiệm kỳ trước, trong nhiệm kỳ mới này, HĐDT được Quốc hội giao giám sát thực hiện 02 Nghị quyết quan trọng: 88/2014/QH14 và Nghị quyết số 120/2020/QH14. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với Trung ương Đảng, Quốc hội hoàn thiện chính sách, pháp luật về lĩnh vực dân tộc, công tác dân tộc.
Mặt khác, đối với công tác lập pháp, nếu trước đây HĐDT thực hiện sự phối hợp thẩm tra các dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết theo sự phân công của Thường vụ Quốc hội. Hiện nay, theo quy định Điều 684 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật có quy định “HĐDT có trách nhiệm tham gia thẩm tra dự án, dự thảo do Ủy ban của Quốc hội chủ trì thẩm tra để bảo đảm chính sách dân tộc khi dự án, dự thảo đó có quy định liên quan đến dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số, miền núi”. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để HĐDT thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp, bảo đảm việc thực hiện chính sách dân tộc, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật nước ta; Đồng thời cũng đặt ra yêu cầu cao hơn, đòi hỏi HĐDT phải nâng cao năng lực, tập trung, phối hợp chặt chẽ với các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan hữu quan để thực hiện hiệu quả quy định của pháp luật.
Về nội dung chính của Đề án, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry nêu rõ, dự thảo Đề án gồm 5 phần: Sự cần thiết, cơ sở, mục đích, yêu cầu, phạm vi xây dựng Đề án; Thực trạng hoạt động của Hội đồng Dân tộc; Quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Dân tộc; Tổ chức thực hiện; Kết luận và kiến nghị.
Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, trong 5 nội dung trên, Hội đồng Dân tộc xác định nội dung quan trọng nhất của Đề án là phần thứ ba: Quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Dân tộc.
Giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐDT
Về nhiệm vụ, giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐDT, Đề án tập trung vào 08 Nhóm giải pháp. Đề cập đến giải pháp đổi mới phiên họp toàn thể của Hội đồng Dân tộc, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry nêu rõ, xác định rõ các phiên họp toàn thể là phương thức làm việc cơ bản, trọng tâm nhất, chủ yếu của HĐDT; Phiên họp của HĐDT phải bảo phát huy tối đa, trí tuệ, trách nhiệm của các thành viên của tập thể HĐDT trong hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Xem đây là điểm nhấn trong hoạt động của HĐDT. Cần tăng về số lần tổ chức phiên họp toàn thể và tăng thời gian các phiên họp toàn thể để đại biểu có đủ thời gian để thảo luận các chương trình, dự án luật và các nhiệm vụ khác của HĐDT…
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry
Về đổi mới hoạt động của Thường trực và các Tiểu ban chuyên môn, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry cho rằng, trong thời gian tới, cần chú trọng xây dựng chương trình, kế hoạch công tác của HĐDT theo định hướng cả nhiệm kỳ và hằng năm. Trong đó phải xác định được nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên, tập trung nguồn lực, cũng như hoàn thiện tiêu chí đánh giá và phát huy tối đa vai trò trách nhiệm của từng thành viên trong Thường trực HĐDT thực hiện nhiệm vụ được giao ngày càng có chất lượng hơn. Bên cạnh đó, để các Tiểu ban hoạt động có hiệu quả, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry kiến nghị cần phải có quy chế, quy định cụ thể hơn về hoạt động của Tiểu ban. Trong đó quy định cụ thể về phương thức hoạt động và phân công nhiệm vụ trách nhiệm cho từng thành viên Tiểu ban; nội dung, chương trình hoạt động, thời gian định kỳ họp Tiểu ban/năm/nhiệm kỳ.
Liên quan đến đổi mới hoạt động lập pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry cho rằng, trước mắt nghiên cứu, xây dựng và ban hành “Quy trình thẩm tra, tham gia thẩm tra việc đảm bảo chính sách dân tộc trong các dự án luật, pháp lệnh và dự thảo nghị quyết của HĐDT. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để thành viên HĐDT, công chức vụ chuyên môn, giúp việc tổ chức thực hiện.
Đề cập đến việc đổi mới hoạt động giám sát, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry đề xuất đổi mới hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật, coi đây là nhiệm vụ quan trọng cần tiến hành thường xuyên trong kế hoạch công tác hằng năm của HĐDT; Hoàn thiện quy trình giám sát văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác dân tộc của HĐDT, quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, phương thức giám sát văn bản quy phạm pháp luật để nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật.
Đồng thời Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cũng đề xuất đổi mới hoạt động giám sát chuyên đề, đổi mới hoạt động giải trình như tăng cường về số lượng, chất lượng phiên giải trình và nhóm vấn đề cần giải trình, để xử lý các vấn đề bức xúc, nổi lên trong thực tiễn ở vùng đồng bào DTTS&MN, góp phần thúc đẩy để các cơ quan chức năng nhà nước minh bạch hơn, giải quyết nhanh hơn, kịp thời hơn, hiệu quả hơn các vấn đề thực tiễn đặt ra, liên quan đến công tác dân tộc, chính sách dân tộc. Ngoài ra, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề xuất đổi mới việc theo dõi, đánh giá thực hiện kết luận, kiến nghị sau giám sát.
Về đổi mới công tác đảm bảo hoạt động của Hội đồng Dân tộc, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry đề xuất đổi mới hoạt động của Vụ Dân tộc như xem xét xây dựng quy chế làm việc; quy trình, tiêu chuẩn đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của công chức hằng năm, gắn với vị trí việc làm trên cơ sở có sự đánh giá, nhận xét của Thường trực HĐDT. Đồng thời đổi mới công tác bảo đảm phục vụ hoạt động của HĐDT như cần chủ động, tích cực phối hợp với Trung tâm Thông tin, Trung tâm Tin học của Văn phòng Quốc hội cung cấp kịp thời, đầy đủ các nội dung hoạt động của HĐDT lên Cổng thông tin điện tử Quốc hội; chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí của Quốc hội nâng cao chất lượng nội dung và hình thức tuyên truyền.
Ngoài các giải pháp trọng tâm nêu trên, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry cho biết, dự thảo Đề án còn đề cập tới các nhóm giải pháp về đổi mới quan hệ, phối hợp trong công tác; nhóm giải pháp về đảm bảo nguồn lực thực hiện Đề án; giải pháp về quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đại biểu Quốc hội là thành viên Hội đồng Dân tộc cả về số lượng và chất lượng./.