Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 7/2022
Toàn cảnh phiên họp
Báo cáo công tác dân nguyện tháng 7 năm 2022 của Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, cử tri và Nhân dân đặc biệt quan tâm phản ánh việc giá xăng đã điều chỉnh giảm nhưng giá các mặt hàng thiết yếu vẫn chưa giảm tương ứng; việc người dân đi làm các thủ tục liên quan đến các giao dịch dân sự, hành chính nhưng một số cơ quan, tổ chức còn yêu cầu người dân cung cấp sổ hộ khẩu gốc hoặc bản sao hộ khẩu có công chứng; về hoạt động vay tiền qua mạng xã hội và qua các ứng dụng trên điện thoại thông minh gây nên tình trạng mất ổn định an ninh, trật tự xã hội; một số thông tin cá nhân của người dân bị lộ lọt ra ngoài, nhiều đối tượng lợi dụng giả danh lừa đảo qua điện thoại, gây tâm lý hoang mang cho người dân và bất ổn xã hội; các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tài khoản ngân hàng của người dân qua zalo, facebook, điện thoại vẫn còn xảy ra; tình trạng sản xuất thực phẩm bẩn, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, đặc biệt là việc sản xuất thuốc chữa bệnh giả; về việc thanh toán cho các hộ gia đình, doanh nghiệp thực hiện dự án điện áp mái có quy mô nhỏ do có vướng mắc về quy định cấp phép xây dựng, phòng cháy chữa cháy, môi trường...; một số địa phương đã xây dựng hoàn thành các dự án điện mặt trời, tuy nhiên vẫn chưa đi vào hoạt động gây lãng phí nguồn lực; cần có đánh giá tác động đối với việc thực hiện đầu tư phát triển mạnh các dự án điện năng lượng mặt trời như hiện nay đối với biến đổi thời tiết, khí hậu; về xử lý rác thải đối với tấm pin năng lượng mặt trời đã hết hạn sử dụng…
Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình báo cáo công tác dân nguyện tháng 7/2022
Ngoài ra, cử tri và Nhân dân còn lo lắng về việc quy hoạch xây dựng các chung cư cao tầng trong khu vực nội thành còn bất cập; hàng ngàn căn hộ, nền đất tái định cư bị “bỏ hoang” nhiều năm gây lãng phí; chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới cũng như vàng SJC với thương hiệu vàng khác mang lại tâm lý bất ổn cho người dân…
Tham gia ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đánh giá cao báo cáo của Ban Dân nguyện tổng hợp công tác dân nguyện hàng tháng. Theo đó, công tác dân nguyện của Quốc hội ngày càng có sự tiến bộ, đặc biệt trong báo cáo lần này, việc tổng hợp, theo dõi kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ngày càng đi vào nề nếp, có những thông tin, số liệu tường minh, cụ thể. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị tiếp tục rà soát, tổng hợp báo cáo và đánh giá rõ hơn tình hình, ý kiến, kiến nghị cử tri trong giai đoạn báo cáo.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, phần I của báo cáo đã thể hiện khá rõ những nội dung liên quan đến vấn đề nổi lên trong dư luận xã hội cũng như những vấn đề cử tri và Nhân dân quan tâm. Tuy nhiên, phần này dung lượng còn khiêm tốn, trong khi thực tế có những vấn đề hiện nay báo chí phản ánh và dư luận cũng rất quan tâm, tiêu biểu là chế độ đãi ngộ đối với các y, bác sĩ, nhân viên y tế. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, hiện nay, tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc trở nên phổ biến. Đây là vấn đề đang nổi lên ở rất nhiều địa phương, số lượng nhân viên y tế, nhất là tuyến cơ sở nghỉ việc không nhỏ.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng
Trong bối cảnh hiện nay, dịch COVID-19 đã được kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ diễn biến phức tạp, thêm vào đó là các loại dịch bệnh khác đang nổi lên như là dịch đậu mùa khỉ, dịch sốt xuất huyết hay là cúm A, nguy cơ dịch chồng dịch là rất phức tạp. Ở một số địa phương tỷ lệ tiêm vaccine COVID-19 chưa đạt được tỷ lệ như yêu cầu. Trong bối cảnh đó thì lực lượng đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế, nhất là ở tuyến cơ sở qua 2 năm chống dịch rất căng thẳng vừa qua đã chịu áp lực rất lớn. Hiện nay, do nhiều nguyên nhân, áp lực và các yếu tố khác, tình trạng nhân viên y tế ở trong các cơ sở y tế công lập, nhất là ở tuyến huyện, tuyến xã xin nghỉ việc tương đối nhiều.
Theo báo cáo gần đây nhất của Công đoàn y tế Việt Nam, số liệu tính từ năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, có tổng số hơn 9000 viên chức y tế xin thôi việc, nghỉ việc. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có những áp lực công việc, căng thẳng, những vấn đề về mua sắm thuốc thang khó khăn, tình trạng đảm bảo an ninh, an toàn cho nhân viên y tế ở các bệnh viện, các cơ sở y tế chưa được quan tâm đúng mực. Tuy nhiên, nổi lên một vấn đề lớn là chế độ lương và phụ cấp đối với nhân viên y tế thấp, chưa thỏa đáng.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, ở các đơn vị sự nghiệp y tế công lập, nhất là ở cơ sở, chủ yếu là dựa vào ngân sách nhà nước, còn nguồn thu đối với y tế cơ sở và y tế dự phòng không lớn. Một bác sĩ sau 6 năm học, 18 tháng thực hành để được cấp chứng chỉ hành nghề, nếu tuyển dụng vào đơn vị sự nghiệp công lập, lương tháng tính theo đúng chế độ nhà nước khi mới bắt đầu làm việc khoảng 5 triệu đồng/tháng, mức thu nhập như vậy là không đủ sống, nhất là sau khi trừ nộp tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh, đang có chênh lệch lớn về thu nhập tại các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập. Bên cạnh đó, áp lực công việc nặng nề cũng tạo ra một luồng hút nhân viên y tế từ các đơn vị sự nghiệp công lập sang khu vực khác.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, để khắc phục tình trạng này, công đoàn y tế đã đề xuất sửa đổi Nghị định 56 của Chính phủ quy định về chế độ phụ cấp ưu đãi nghề đối với công chức, viên chức công tác tại cơ sở y tế công lập, nâng mức hưởng phụ cấp ưu đãi lên cao hơn để thu hút được nhân viên y tế trong lĩnh vực y tế dự phòng và y tế cơ sở. Cùng với đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật kiến nghị xem xét từng bước, tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế để bù đắp lại, tăng thu nhập cho nhân viên y tế.
Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật kiến nghị xem xét điều chỉnh mức định biên chế đối với y tế tuyến cơ sở. Bởi vì, định mức biên chế đối với các cơ sở y tế ở cơ sở áp dụng từ năm 2007, cho nên rất thấp, số người làm việc ở các cơ sở y tế không đủ và cũng tạo ra áp lực rất lớn. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị báo cáo thêm về vấn đề này trong báo cáo của dân nguyện và có đề xuất cụ thể để Chính phủ quan tâm hơn đối với vấn đề này để sớm có giải pháp giải quyết.
Cùng quan điểm với Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh, không chỉ lực lượng y, bác sỹ, nhân viên y tế, mà toàn bộ lực lượng cán bộ, công chức, viên chức thuộc Nhà nước đều có mức lương thấp. Cho rằng hiện nay tình hình dịch bệnh Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát, kinh tế đang từng bước phục hồi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục kiến nghị cần sớm xem xét việc cải cách tiền lương để giải quyết cho vấn đề thu nhập của cán bộ, công chức.