Hoàn thiện thể chế, ổn định môi trường pháp lý
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi) nhằm kịp thời thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về đổi mới, cơ cấu lại và phát triển doanh nghiệp nhà nước (DNNN) phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; kịp thời khắc phục những bất cập, vướng mắc của Luật số 69/2014/QH13 hiện hành; đảm bảo thống nhất, phù hợp với các luật hiện hành (Luật số 35/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch; Luật Đầu tư công; Luật Doanh nghiệp; Luật Đầu tư) và các cam kết, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh, việc sửa đổi toàn diện, ban hành Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp mới nhằm hoàn thiện thể chế, ổn định môi trường pháp lý cho việc đầu tư vốn nhà nước vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp; tạo môi trường pháp lý đầy đủ, ổn định cho hoạt động quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước và doanh nghiệp; đảm bảo tôn trọng và nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp cùng việc tăng cường sự kiểm tra, giám sát của nhà nước trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp; đảm bảo DNNN hoạt động theo cơ chế thị trường trong các ngành, nghề kinh doanh theo yêu cầu của Nhà nước (chủ sở hữu).
Đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước tương xứng với nguồn vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, đảm bảo doanh nghiệp nhà nước giữ vai trò chủ đạo, giữ vị trí then chốt trong nền kinh tế; huy động và phát huy hết các nguồn lực của khu vực kinh tế nhà nước nói chung, doanh nghiệp nhà nước nói riêng cho phát triển kinh tế - xã hội.
Về phạm vi điều chỉnh, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, luật quy định việc đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp; giám sát việc đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình tại phiên họp
Liên quan đến đối tượng áp dụng, luật áp dụng đối với: Đại diện chủ sở hữu nhà nước. Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Doanh nghiệp do các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội nắm giữ 100% vốn điều lệ. Người đại diện phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Sửa đổi toàn diện
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, nội dung các chính sách của đề nghị xây dựng luật tập trung vào 04 chinh sách trọng tâm, gồm: Đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp; cơ cấu lại vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu. Theo đó:
Về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp: Quy định cụ thể khái niệm vốn nhà nước tại doanh nghiệp, vốn của doanh nghiệp, vốn đầu tư của chủ sở hữu (nhà nước) tại doanh nghiệp. Quy định cụ thể nguồn lực, quy trình đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và hình thức, phạm vi đầu tư vốn nhà nước.
Nội dung đầu tư vốn nhà nước bám sát định hướng Nghị quyết Đại hội Đảng XIII nhằm củng cố, phát triển một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty quy mô lớn, có hiệu quả kinh tế cao, có năng lực công nghệ và đổi mới sáng tạo trong một số ngành, lĩnh vực mới, có tính chất quan trọng của nền kinh tế như năng lượng tái tạo, kết cấu hạ tầng quốc gia, tài chính, công nghiệp viễn thông, công nghệ lõi…
Về cơ cấu lại vốn Nhà nước tại doanh nghiệp: Luật hóa một số nội dung quy định mang tính chất nguyên tắc chung nhằm nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả của pháp luật trong quá trình thực hiện chuyển đổi cổ phần hóa, bán, thoái vốn như: giá trị doanh nghiệp phải được định giá lại sát với thị trường thông qua tổ chức có chức năng thẩm định giá và làm cơ sở để xác định giá khởi điểm; việc bán cổ phần, thoái vốn phải thực hiện theo nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch, tối đa lợi ích kinh tế - xã hội cho nhà nước; doanh nghiệp sau cổ phần hóa phải đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán;….
Đồng thời, thể chế hóa cụ thể nội dung Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Đối với thoái vốn, bãi bỏ phương thức “chào bán cạnh tranh”; giá khởi điểm phải do tổ chức có chức năng thẩm định giá xác định.
Bổ sung các trường hợp chuyển giao thực tế phát sinh trong thời gian qua; quy định nguyên tắc chuyển giao theo hướng tách bạch giữa chuyển giao có thanh toán và chuyển giao không thanh toán, việc chuyển giao không thanh toán (điều chỉnh tăng, giảm vốn) chỉ áp dụng đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, doanh nghiệp nhà nước cung ứng sản phẩm dịch vụ công, các công ty nông, lâm nghiệp và các lĩnh vực khác (độc quyền) theo quy định của Chính phủ (điện lực, dầu khí,...).
Về quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp: Quy định cụ thể nội dung quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; doanh nghiệp do Nhà nước nắm trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết; doanh nghiệp do DNNN sở hữu 100% vốn điều lệ.
Xây dựng các tiêu chí giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động theo nguyên tắc thị trường, phù hợp với từng loại hình doanh nghiệp và bám sát nguyên tắc tổng thể không đánh giá từng dự án.
Về quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu: Phân công phân cấp thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước của các cơ quan, tổ chức; Quyền, trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong thực hiện quyền của chủ sở hữu. Quy định về trách nhiệm giải trình của DNNN, cơ quan đại diện chủ sở hữu trước hoạt động giám sát của cơ quan thuộc Hội đồng nhân dân, Quốc hội. Công khai thông tin hoạt động của doanh nghiệp. Nâng cao trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu trong việc giao mục tiêu cụ thể tại kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để tận dụng tối đa nguồn lực, phù hợp với thực tiễn hoạt động, dự báo thị trường và quản lý theo mục tiêu đối với doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cũng cho biết, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, đưa dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023), thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).
Tiếp tục chương trình phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đã nêu ý kiến thẩm tra nội dung Tờ trình của Chính phủ.
Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thảo luận và xem xét, quyết định việc bổ sung dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Cổng Thông tin điện tử Quốc hội sẽ tiếp tục cập nhật nội dung phiên họp./.