GIẢI PHÁP KHAI THÁC HIỆU QUẢ GIÁ TRỊ VĂN HÓA, LỊCH SỬ CÁCH MẠNG GẮN VỚI HOẠT ĐỘNG DU LỊCH BỀN VỮNG

12/08/2022

Để khai thác hiệu quả giá trị văn hóa, lịch sử cách mạng chiến khu Việt Bắc gắn với hoạt động du lịch mang tính bền vững, TS. Nguyễn Trùng Khánh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng, một trong những giải pháp hữu hiệu là cần quan tâm đến việc ban hành văn bản quy định, hoạch định chính sách quản lý, quy hoạch bảo tồn và phát huy bền vững giá trị của các di tích văn hóa, lịch sử cách mạng trong phát triển du lịch bền vững; lấy việc bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử cách mạng gắn với phát triển du lịch làm trọng điểm để định hướng đầu tư, trùng tu tôn tạo.

Liên kết phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử cách mạng chiến khu Việt Bắc 

Đề xuất 5 định hướng liên kết phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử cách mạng vùng chiến khu Việt Bắc

Phát triển du lịch chiến khu Việt Bắc còn khiêm tốn so với tiềm năng vốn có

Góp ý tại Hội thảo “Liên kết phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử cách mạng chiến khu Việt Bắc”, TS. Nguyễn Trùng Khánh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch nêu rõ, Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2473/QĐ-TTg, ngày 30/12/2011.

Theo đó, du lịch Việt Nam được phân chia thành 7 vùng du lịch, trong đó chiến khu Việt Bắc là khu vực gồm 6 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên. Với bề dày truyền thống lịch sử cách mạng lâu đời, nơi đây lưu giữ hệ thống hơn 1000 di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng, cùng các di tích cách mạng với các địa danh gắn liền với lịch sử cách mạng hào hùng của giai đoạn kháng chiến chống Pháp, có giá trị ý nghĩa sâu sắc về nhiều mặt. Bên cạnh đó, những giá trị văn hóa đặc sắc trong đời sống, tín ngưỡng được thể hiện qua các phong tục tập quán, nghi thức dân gian, những sản phẩm thủ công truyền thống của đồng bào các dân tộc, những món ăn truyền thống đậm đà bản sắc, các điệu dân ca dân vũ, trò chơi dân gian, lễ hội truyền thống... cũng là những yếu tố vô cùng hấp dẫn của vùng đất này.

TS.Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, với lợi thế trên, khu vực Việt Bắc hoàn toàn có thể coi nhóm sản phẩm du lịch về nguồn, lịch sử cách mạng là nhóm sản phẩm đặc thù nổi bật nhất với nhiều loại hình du lịch khác nhau. Đồng thời có thể khai thác độc lập nhóm sản phẩm du lịch về nguồn hoặc kết hợp với nhóm sản phẩm du lịch sinh thái, tham quan các thắng cảnh thiên nhiên, khám phá những cung đường và thưởng ngoạn cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ vùng núi cao; nhóm sản phẩm du lịch cộng đồng; du lịch tâm linh... để đa dạng hóa các sản phẩm du lịch dựa trên lợi thế của từng địa phương.

Nhận thức vai trò quan trọng của du lịch như là động lực cho nền kinh tế của chính địa phương mình, TS.Nguyễn Trùng Khánh cho biết, trong những năm gần đây các địa phương thuộc khu vực này đã có nhiều nỗ lực trong việc tạo điều kiện phát triển cho ngành du lịch. Nhà nước đã dành nhiều kinh phí hỗ trợ đầu tư hạ tầng du lịch cho các tỉnh thuộc khu vực này. Đường giao thông nối liền các tuyến du lịch liên vùng đã được nâng cấp, sửa chữa, xây dựng mới. Các địa phương đã bước đầu thực hiện việc liên kết trong xây dựng các sản phẩm du lịch cũng như các hoạt động xúc tiến quảng bá nhằm định vị hình ảnh du lịch vùng “chiến khu Việt Bắc” đầy sức hút tới du khách. Nhiều sản phẩm du lịch khai thác trên nền tảng các giá trị văn hóa, lịch sử được hình thành và đã trở thành thương hiệu của các tỉnh như: Festival chè Thái Nguyên, Lễ hội thành Tuyên (Tuyên Quang); chợ tình Khau Vai, lễ hội hoa tam giác mạch (Hà Giang); Liên hoan du lịch Mẫu Sơn (Lạng Sơn); Hội xuân Ba Bể (Bắc Kạn); Lễ hội Thác Bản Giốc (Cao Bằng), Lễ hội về nguồn Pác Pó (Cao Bằng)...thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.

TS.Nguyễn Trùng Khánh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch

Tuy nhiên, TS.Nguyễn Trùng Khánh nhận thấy, sự phát triển du lịch trên địa bàn vẫn còn quá khiêm tốn so với tiềm năng vốn có. Tài nguyên du lịch đa dạng nhưng chưa được đầu tư thích đáng để hình thành các sản phẩm du lịch thực sự hấp dẫn du khách. Nguồn nhân lực du lịch chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Lực lượng doanh nghiệp lữ hành quốc tế mới chỉ chiếm 0,01% (18 doanh nghiệp) trên tổng doanh nghiệp lữ hành quốc tế của cả nước; đội ngũ hướng dẫn viên du lịch thiếu, đặc biệt là hướng dẫn viên tại điểm. Công tác tuyên truyền quảng bá du lịch của các địa phương nhìn chung đã có nhiều tiến bộ những nội dung quảng bá vẫn chưa thực sự hấp dẫn, kinh phí đầu tư cho hoạt động xúc tiến quảng bá hạn hẹp trong khi các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn chưa thật sự chủ động tích cực tham gia hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch.

Trong xu hướng du lịch tăng trưởng mạnh như hiện nay, TS. Nguyễn Trùng Khánh,  Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng, việc phát triển du lịch luôn cần hướng tới sự bền vững. Việc thương mại hóa quá mức sẽ làm giá trị văn hóa, nguy cơ phai nhòa bản sắc, phá vỡ truyền thống và lối sống địa phương. Chính vì vậy, việc khai thác các giá trị văn hóa, lịch sử phục vụ du lịch phải gắn liền công tác bảo tồn để giữ gìn giá trị văn hóa bản địa và các di tích cách mạng.

Giải pháp nhằm khai thác hiệu quả giá trị văn hóa, lịch sử cách mạng chiến khu Việt Bắc gắn với hoạt động du lịch bền vững

Để khai thác hiệu quả giá trị văn hóa, lịch sử cách mạng chiến khu Việt Bắc gắn với hoạt động du lịch mang tính bền vững, TS. Nguyễn Trùng Khánh kiến nghị cần đưa ra những hướng giải pháp hữu hiệu, trong thời gian tới các địa phương cần triển khai một số giải pháp chính sau đây:

Thứ nhất, quan tâm đến việc ban hành văn bản quy định, hoạch định chính sách quản lý, quy hoạch bảo tồn và phát huy bền vững giá trị của các di tích văn hóa, lịch sử cách mạng trong phát triển du lịch bền vững; lấy việc bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử cách mạng gắn với phát triển du lịch làm trọng điểm để định hướng đầu tư, trùng tu tôn tạo, tập trung vào từng điểm và cụm di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng, đặc biệt là những điểm di tích có lợi thế nổi bật về tiềm năng nhằm phát triển du lịch trước mắt cũng như lâu dài. Xây dựng ban hành các quy chế khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, cư dân vào hoạt động du lịch, góp phần tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ các giá trị văn hóa, lịch sử, các di tích cách mạng; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng trong việc bảo vệ và gìn giữ các giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống bản địa. Đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ để đáp ứng nhu cầu phục vụ khách du lịch.

Thứ hai, công tác xây dựng sản phẩm cần được đặc biệt quan tâm để hình thành và phát triển những sản phẩm du lịch văn hóa có chất lượng, kết nối các điểm di tích văn hóa, lịch sử cách mạng để xây dựng và phát triển các tuyến điểm du lịch đặc trưng của vùng, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác kế hợp với các loại hình du lịch khác nhau như: du lịch tâm linh, du lịch làng nghề, sinh thái, cộng đồng, du lịch nông nghiệp... theo hướng du lịch xanh nhằm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, làm tăng sự hấp dẫn đối với khách du lịch.

Bên cạnh đó, TS.Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, trong quá trình xây dựng sản phẩm du lịch cần nghiên cứu các giá trị văn hóa đặc trưng của từng điểm đến để lồng ghép vào chương trình du lịch nhằm tạo sự khác biệt, sáng tạo trong dịch vụ và các hoạt động trải nghiệm của du khách để từng bước mở rộng thị trường khách du lịch, hướng tới thu hút và khai thác thị trường quốc tế, đồng thời đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa như miền Nam, miền Trung.

Thứ ba, tập trung phát triển nguồn nhân lực du lịch. Theo đó, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh đề nghị cần chú trọng đào tạo cả nghiệp vụ và ngoại ngữ cho lao động trong ngành du lịch, trong đó cần hết sức lưu ý để tránh tình trạng hoặc là nguyên sơ quá không biết làm du lịch, hoặc là thương mại hóa quá mất đi tính thuần khiết của văn hóa vùng. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ ngành Du lịch cũng cần được quan tâm nâng cao trình độ, kỹ năng, đặc biệt là năng lực sáng tạo trong tham mưu xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, chuyên nghiệp và tiếp cận với tri thức, công nghệ mới trong xúc tiến, quảng bá, truyền thông. Nâng cao chất lượng, tinh thần thái độ phục vụ khách tham quan của các cán bộ quản lý khu, điểm du lịch, đặc biệt cần chú ý nâng cao hơn nữa công tác thuyết minh, hướng dẫn tham quan tại các điểm di tích cách mạng. Đây chính là yếu tố, là cầu nối quan trọng giữa di tích với khách tham quan, làm cho di tích sống động, hấp dẫn hơn bằng những thông tin quan trọng, bổ ích.

Thứ tư, cần tập trung vào công tác marketing, quảng bá sản phẩm bằng cách tham gia các hội chợ du lịch trong nước và quốc tế, tham gia các chương trình Roadshow quảng bá du lịch Việt Nam ở nước ngoài, tổ chức các hội nghị xúc tiến, hợp tác phát triển du lịch tại Hà Nội và các trung tâm du lịch lớn; đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong du lịch; nâng cấp và thường xuyên, cập nhật tin tức, quảng bá du lịch trên trang thông tin điện tử du lịch, cập nhật trên website du lịch bằng tiếng Việt, tiếng Anh... Tăng cường liên kết trang web, ấn phẩm quảng bá xúc tiến các tỉnh Việt Bắc trong vai trò là một điểm đến chung.

Từ một số giải pháp căn cơ nêu trên, TS.Nguyễn Trùng Khánh nhận thấy, trong những năm qua, việc khai thác và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử cá mạng để phát triển du lịch đã thu được nhiều kết quả nhất định, giúp cho ngành du lịch của khu vực Việt Bắc ngày càng phát triển. Tuy nhiên, hiệu quả mang lại chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của hệ thống các di tích văn hóa, lịch sử cách mạng đa dạng và đặc sắc nơi đây. Vấn đề khai thác và đưa các giá trị di tích lịch sử - văn hóa vào phát triển du lịch của vùng chiến khu Việt Bắc cần phải được chú trọng và đẩy mạnh hơn nữa, đáp ứng yêu cầu phát triển lâu dài, bền vững của ngành du lịch. Đồng thời phải hướng đến sự phát triển bền vững trong hoạt động khai thác tài nguyên để ngành du lịch là thế mạnh của vùng. TS.Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh, cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc mạnh mẽ của các địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng địa phương sẽ là những yếu tố quyết định đến sự thành công trong phát triển du lịch toàn khu vực trong thời gian tới, góp phần đưa du lịch Việt Nam thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn./.

Bích Ngọc

Các bài viết khác