CẦN LẤY VIỆC "DẠY NGƯỜI" LÀM TRỌNG TÂM

22/08/2022

Khẳng định ngành giáo dục đang triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, tập trung phát triển phẩm chất và năng lực của người học, nhiều ý kiến cho rằng, xây dựng văn hóa học đường cần lấy việc “dạy người” làm trọng tâm.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Phát huy sức mạnh của toàn hệ thống chính trị trong xây dựng văn hóa học đường

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Xây dựng "Văn hoá học đường" hướng tới Chân - Thiện - Mỹ

Xây dựng văn hóa học đường là nhiệm vụ cấp bách và quan trọng

Tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần thứ nhất vào năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định vị trí, ảnh hưởng của văn hoá nghệ thuật trong việc giáo dục thế hệ trẻ, xây dựng con người Việt Nam yêu nước, độc lập, tự cường, tự chủ. Văn hoá nói chung và văn hoá học đường nói riêng là vấn đề luôn được Đảng, Quốc hội và Chính phủ quan tâm, chỉ đạo. Trong công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thành tựu tư duy lý luận của Đảng ta về văn hóa, về vị trí vai trò của văn hóa, về phương hướng mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, nhiệm vụ giải pháp xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ mới được thể hiện tập trung trong Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc) và Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI (Xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước). Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII khẳng định: “Văn hoá là một trong bốn trụ cột của quá trình phát triển kinh tế-xã hội ở Việt Nam”, trong đó “lấy nhân tố con người làm trung tâm”.

Hội nghị Văn hoá toàn quốc năm 2021 đánh giá việc triển khai đường lối, chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ đã tác động toàn diện, mạnh mẽ đến sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, trong đó có giáo dục và đào tạo. Những chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng văn hoá học đường thời gian qua đã được khẳng định rất rõ trong nhiều văn bản của Thủ tướng Chính phủ như: Quyết định số 1299/QĐ-TTg ngày 03/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025”, Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 11/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021-2030”. Đây là những quyết định quan trọng nhằm thực hiện thành công Nghị quyết 29 của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Tại Hội nghị “ Đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa học đường” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội và Bộ Giáo dục và Đào tạp phối hợp tổ chức, khẳng định Chỉ thị số 08 của Thủ tướng Chính phủ là cơ sở, căn cứ để tạo ra những chuyển biến tích cực về văn hóa học đường trong thời gian tới, các đại biểu  tham dự Hội nghị nhất trí cho rằng, xây dựng văn hóa học đường là nhiệm vụ cấp bách và rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Để thực hiện thành công nhiệm vụ này đòi hỏi các cấp, các ngành phải có kế hoạch, lộ trình. Cùng với đó, cần xác định rõ đây không phải chỉ là nhiệm vụ của Bộ Giáo dục và Đào tạo mà phải có sự chung tay cả các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội nhằm xây dựng một hệ sinh thái, không gian văn hoá để học sinh được phát triển toàn diện.

Các đại biểu cũng nhấn mạnh, để hoạt động dạy và học đạt đến mục đích phát triển toàn diện nhân cách người học thì không thể không xem xét xây dựng môi trường văn hóa nhà trường. Hơn nữa, trong bối cảnh hiện nay, nhất là khi văn hóa học đường, văn hóa, đạo đức trong thanh thiếu niên có nhiều tín hiệu báo động thì cần sớm xây dựng bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong trường học; quy tắc ứng xử của người học trong nhà trường; xây dựng quy chế, nội quy hình thành các chuẩn mực về văn hóa đạo đức, hành vi ứng xử, xây dựng môi trường văn hóa học đường lành mạnh; tăng cường hoạt động giáo dục giá trị văn hóa, đạo đức, lối sống cả ở chương trình đào tạo chính thức và ngoại khóa.

Một số ý kiến cũng nhấn mạnh, cần tăng cường đầu tư và huy động các nguồn đầu tư từ vốn xã hội hoá, nâng cao vai trò tham gia hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên. Nêu cao vai trò, tinh thần nêu gương của giáo viên, giảng viên trong việc thực hiện quy chế, chuẩn mực đạo đức trong nhà trường. Đặc biệt, cần xem sự tham gia của người học là một phần tất yếu của xây dựng môi trường văn hóa.

Cần lấy việc "dạy người" làm trọng tâm

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, xây dựng và phát triển văn hoá học đường cần phải được coi là một trong những nhiệm vụ lớn, trọng tâm và quan trọng của toàn ngành Giáo dục, tại mỗi địa phương và ở từng cơ sở giáo dục, đào tạo. Ở đó, con người phải là trung tâm và phát triển con người phải được quán xuyến trong tất cả các hoạt động của nhà trường. Ngành Giáo dục đang triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, tập trung phát triển phẩm chất và năng lực của người học, lấy việc “dạy người” làm nội dung trọng tâm.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng, việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới là giải pháp toàn diện để củng cố, gia tăng tố chất văn hóa và phát triển con người. Trong đó, văn hoá học đường là môi trường quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục người học trở thành những con người phát triển toàn diện đức - trí - thể - mỹ, có lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, có ý thức và trách nhiệm cao với đất nước, với gia đình và cộng đồng.

Các đại biểu cho rằng, thời gian qua, các cấp, các ngành nói chung, ngành Giáo dục nói riêng đã chỉ đạo triển khai nhiều biện pháp giáo dục đạo đức, lối sống, thẩm mỹ, giáo dục văn hóa cho học sinh, sinh viên, nỗ lực xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Điều này góp phần thúc đẩy hiệu quả nâng cao giáo dục. Điển hình là phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực.

Nhận định văn hóa học đường là một phần của văn hóa quốc gia dân tộc, là lĩnh vực đặc biệt quan trọng tạo điều kiện môi trường để hiện thực hóa: “Học để làm người” của giáo dục, các đại biểu cho rằng, chúng ta cần nhận thức văn hóa học đường là hệ thống các giá trị chuẩn mực được kiến tạo và không ngừng hoàn thiện qua quá trình tương tác ứng xử giữa nhà quản lý giáo dục, cán bộ giảng viên, giáo viên, học sinh, sinh viên và các cộng đồng với nhau. Qua đó, giáo dục, bồi dưỡng, xây dựng thế hệ trẻ trong các nhà trường phát triển toàn diện: nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật, tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, lương tâm trách nhiệm của mỗi người với bản thân mình, với gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước…/.

Thu Phương – Nghĩa Đức