ĐẢM BẢO THỐNG NHẤT GIỮA LUẬT PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH (SỬA ĐỔI) VỚI LUẬT HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH

29/08/2022

Tại Phiên họp chuyên đề pháp luật vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Dự án Luật sẽ tiếp tục được chỉnh lý, bổ sung, hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 4. Quan tâm đến dự án Luật này, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung một số quy định trong dự thảo Luật để đảm bảo thống nhất với quy định của Luật Hôn nhân và gia đình.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022

Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp chuyên đề pháp luật vừa qua, sẽ tiếp tục được chỉnh lý, bổ sung, hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 4. Quan tâm đến dự án Luật quan trọng này, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, sau gần 15 năm thực hiện, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng và chính quyền các cấp trong công tác này, nhiều hành vi bạo lực gia đình đều bị lên án và xử lý. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, bạo lực gia đình vẫn còn là một vấn đề nhức nhối, nan giải ở Việt Nam. Nhiều vụ việc xuất hiện những hành vi bạo lực gia đình có mức độ gây hại nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, tinh vi, khó lường và khó xử lý bằng các quy định pháp luật hiện hành. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống bạo lực gia đình là cần thiết nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng tại Nghị quyết Đại hội Đảng XII, XIII, thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình một cách toàn diện, khả thi, có hiệu quả, phát triển gia đình hạnh phúc, bền vững.

Góp ý về các vấn đề cụ thể trong dự thảo Luật, một số chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng dự thảo Luật chưa bảo đảm tính phù hợp, thống nhất với quy định của Luật Hôn nhân và gia đình. Theo quy định tại Điều 85 của Luật Hôn nhân và gia đình thì trường hợp cha, mẹ là người có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con bị hạn chế quyền và căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, Tòa án có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ra quyết định không cho cha, mẹ trông nom, chăm sóc, giáo dục con…như vậy, cha, mẹ đối với con chưa thành niên mà có hành vi bạo lực gia đình quy định tại Điều 2 Luật phòng, chống bạo lực gia đình là vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con và phải bị áp dụng quyết định không cho trông nom, chăm sóc, giáo dục con, do đó, đây cũng là một biện pháp cần phải bổ sung trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất pháp luật.

Cho ý kiến về quy định yêu cầu người gây bạo lực gia đình đến trụ sở Công an xã (Điều 32 Dự thảo Luật), các chuyên gia đề nghị bổ sung quy định về việc phối hợp giữa giữa Công an xã với Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng Tổ dân phố trong việc yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở Công an xã để bảo đảm kịp thời và hiệu quả trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình, cụ thể đề nghị bổ sung vào khoản 1 quy định như sau: “Khi tiếp nhận tin báo về vụ việc bạo lực gia đình, Trưởng Công an xã đề nghị Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố phối hợp thực hiện việc yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở Công an cấp xã để làm rõ vụ việc bạo lực gia đình”.

Quan tâm đến dự án Luật này, ThS. Khuất Thị Thu Hiền, Vụ pháp chế và Quản lý khoa học, Tòa án nhân dân tối cao cùng các chuyên gia đề nghị bổ sung một điều về hạn chế quyền của cha, mẹ là người có hành vi bạo lực gia đình. Theo đó, các chuyên gia kiến nghị dự thảo Luậ quy định: cha, mẹ là người có hành vi bạo lực gia đình bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên trong các trường hợp sau đây:Đã bị áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc do có hành vi bạo lực gia đình đối với con chưa thành niên theo quy định tại Điều 33 và Điều 34 Luật này; Đã bị áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính về hành vi bạo lực gia đình đối với con chưa thành niên. Việc yêu cầu hạn chế quyền của cha, mẹ là người có hành vi bạo lực gia đình theo quy định tại Điều này được thực hiện theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình về hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên”.

ThS.Khuất Thị Thu Hiền, Vụ pháp chế và Quản lý khoa học, Tòa án nhân dân tối cao

Về đối tượng gây bạo lực gia đình, nhấn mạnh đây là vấn đề được dư luận quan tâm, cần được xem xét, các chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng Dự thảo cần dự liệu đến những trường hợp hiện nay đang gặp phải như những vụ việc trẻ em gánh chịu cảnh bạo hành do bạn gái của cha hoặc bạn trai của mẹ gây ra. Người sai phạm không phải mẹ kế hay cha dượng nạn nhân,mà là người có quan hệ tình cảm với cha, mẹ bị hại… Ngoài các biện pháp xử lý hình sự, biện pháp xử lý hành chính, cũng cần có các biện pháp răn đe đối với những hành vi chưa đến các mức độ xử lý hình sự và hành chính để ngăn chặn các hành vi bạo lực gia đình.

Về vấn đề đẩy mạnh xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình, TS.Trần Công Phàn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội luật gia Việt Nam nêu ý kiến, phòng, chống bạo lực gia đình là hoạt động khó khăn, phức tạp, liên quan với quan hệ huyết thống, hôn nhân, gia đình, mối quan hệ kinh tế của các thành viên gia đình, truyền thống, văn hóa, tập quán của từng địa phương, dân tộc, vùng miền… Do đó việc huy động, khuyến khích các cá nhân, tổ chức xã hội tham gia vào các hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình có ý nghĩa hết sức quan trọng, tác động đến các tế bào xã hội, cuốn hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia vào công tác này. Đây là một trong những giải pháp lâu dài và có hiệu quả trong công tác phòng chống bạo lực gia đình.

TS.Trần Công Phàn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội luật gia Việt Nam

Đối với quy định về việc cấm tiếp xúc theo quyết định của các cơ quan tiến hành tố tụng (Điều 34 Dự thảo Luật), các chuyên gia cho biết, theo quy định tại Điều 486 Bộ luật Tố tụng hình sự thì những người tố giác tội phạm, người làm chứng, người bị hại, người thân thích của người tố giác tội phạm, người làm chứng, bị hại được áp dụng các biện pháp bảo vệ khi có căn cứ xác định tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ bị xâm hại hoặc bị đe dọa xâm hại do việc cung cấp chứng cứ, tài liệu, thông tin liên quan đến người phạm tội thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng quyết định áp dụng những biện pháp, trong đó có biện pháp hạn chế tiếp xúc.

Thực tiễn đặt ra đối với những trường hợp người có hành vi bạo lực gia đình đang là bị can, bị cáo tại ngoại trong vụ án hình sự thì nguy cơ tái diễn bạo lực gia đình là không thể tránh khỏi, do đó, để bảo đảm an toàn tính mạng cho người tố giác bạo lực gia đình, người làm chứng, người bị bạo lực gia đình và người thân thích của họ thì các cơ quan tiến hành tố tụng đang giải quyết vụ án hình sự liên quan đến người bị bạo lực gia đình phải tiến hành đồng thời quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc cho đến khi xét thấy không cần thiết áp dụng biện pháp bảo vệ. Do đó, nhiều ý kiến của các chuyên gia đề nghị bổ sung quy định dẫn chiếu quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về biện pháp bảo vệ trong đó có biện pháp cấm tiếp xúc theo quyết định của Cơ quan điều tra của Công an nhân dân, Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân đối với người có hành vi bạo lực gia đình là bị can, bị cáo đang tại ngoại trong các vụ án hình sự do cơ quan mình thụ lý, giải quyết, điều tra hoặc theo đề nghị của Viện kiểm sát, Tòa án cùng cấp, đề nghị của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Do đó, ngoài biện pháp cấm tiếp xúc theo quyết định của Tòa án nhân dân được quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự, các chuyên gia đề nghị bổ sung 1 khoản quy định về biện pháp cấm tiếp xúc theo quyết định của Cơ quan điều tra của Công an nhân dân, Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân được quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự, cụ thể: Cơ quan điều tra của Công an nhân dân, Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân ra quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tiếp xúc đối với người báo tin, tố giác bạo lực gia đình, người làm chứng, người bị bạo lực gia đình, người thân thích của người báo tin, tố giác bạo lực gia đình, người làm chứng, người bị bạo lực gia đình theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự”.

Hồ Hương

Các bài viết khác