CỤ THỂ HÓA PHƯƠNG CHÂM DÂN BIẾT, DÂN BÀN, DÂN LÀM, DÂN KIỂM TRA, DÂN GIÁM SÁT, DÂN THỤ HƯỞNG

07/09/2022

Tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, sáng 07/9, tại Nhà Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đã báo cáo một số vấn đề lớn trong Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung phiên họp

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Cần quy định cụ thể về thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp, tổ chức có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động

Báo cáo về một số vấn đề lớn trong Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất giữ tên gọi của dự thảo Luật là “Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở”, đồng thời điều chỉnh bố cục của dự thảo Luật để làm rõ hơn cách thức tổ chức thực hiện, vai trò, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tổ chức để Nhân dân thực hiện dân chủ ở cơ sở. Theo đó, dự thảo Luật đã bổ sung 01 điều quy định về quyền thụ hưởng của người dân; bổ sung nội dung và hình thức cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bàn và quyết định; quy định cụ thể hơn trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong việc thực hiện dân chủ ở mỗi loại hình cơ sở tại từng chương tương ứng để rõ việc, rõ trách nhiệm và trình tự, thủ tục thực hiện, qua đó gắn việc thực hiện dân chủ ở cơ sở với việc bảo đảm kỷ luật, kỷ cương; chuyển quy định về Ban Thanh tra nhân dân tại Chương V của dự thảo Luật trình Quốc hội thành các tiểu mục trong các chương tương ứng để bảo đảm tính logic, gắn nội dung với phương thức kiểm tra, giám sát trong việc thực hiện dân chủ ở từng loại hình cơ sở.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng 

Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, trong thảo luận tại kỳ họp thứ 3, các vị đại biểu Quốc hội đều tán thành Luật này điều chỉnh việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn và trong các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập nhưng về việc thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp, tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động thì còn có ý kiến khác nhau. 

Đối với vấn đề này, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, việc thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp nói riêng và các tổ chức có thuê mướn, sử dụng lao động nói chung không phải là vấn đề mới được đặt ra mà đã được khẳng định từ lâu trong các văn kiện của Đảng và được thể chế hóa trong nhiều văn bản quy định về thực hiện dân chủ tại các loại hình doanh nghiệp và tại nơi làm việc. Việc tổ chức thực hiện các quy định này bước đầu đạt được các kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao thu nhập cho người lao động, góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực… Vì vậy, việc tiếp tục ghi nhận và quy định cụ thể về thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp, tổ chức có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động (sau đây gọi là tổ chức có sử dụng lao động) là cần thiết. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022, Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan chủ trì soạn thảo đã rà soát, cập nhật đầy đủ hơn trong dự thảo Luật các quy định của pháp luật hiện hành về thực hiện dân chủ ở tổ chức có sử dụng lao động, bổ sung nhiều quy định để bảo đảm cho việc thực hiện dân chủ của người lao động đi vào thực chất, có tính khả thi hơn, không chỉ giới hạn trong việc bảo đảm thực hiện quan hệ lao động mà còn mở rộng hơn với tư cách là công dân tham gia quản lý xã hội.

Cụ thể hóa phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan chủ trì soạn thảo đã rà soát, đối chiếu với các quy định của pháp luật chuyên ngành và thống nhất tiếp thu, chỉnh lý các quy định để cụ thể hóa phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trong dự thảo Luật. Cụ thể, các quy định liên quan đến nội dung và hình thức công khai thông tin để dân biết ở tất cả các loại hình cơ sở được chỉnh lý theo hướng cập nhật, bổ sung tối đa các quy định tương ứng trong các luật chuyên ngành có liên quan; bổ sung những quy định cụ thể khác nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác công khai thông tin. Cụ thể là: bổ sung quy định lựa chọn hình thức công khai thông tin; trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc công khai thông tin; bổ sung quy định về trách nhiệm của người đứng đầu và của cơ quan, đơn vị trong việc công khai thông tin; bổ sung quy định về thời gian công khai và trách nhiệm của người đại diện có thẩm quyền của tổ chức có sử dụng lao động trong việc công khai thông tin.

Toàn cảnh Hội nghị 

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, nội dung Nhân dân bàn và quyết định trong dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng: Nhân dân ở thôn, tổ dân phố bàn và quyết định bằng một trong các hình thức như tổ chức cuộc họp của thôn, tổ dân phố; phát phiếu biểu quyết, lấy ý kiến tới từng hộ gia đình. Trường hợp pháp luật có quy định khác về việc tổ chức toàn thể cử tri trên địa bàn bàn, quyết định về một số nội dung cụ thể thì thực hiện theo quy định đó. Tại cơ quan, đơn vị và tại tổ chức có sử dụng lao động: dự thảo Luật đã bổ sung mới quy định cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được bàn và quyết định trong thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị và chỉnh lý các nội dung người lao động bàn, quyết định trong thực hiện dân chủ ở tổ chức có sử dụng lao động.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng cho biết, các quy định liên quan đến nội dung và hình thức Nhân dân tham gia ý kiến ở tất cả các loại hình cơ sở được rà soát, chỉnh lý phù hợp với các luật chuyên ngành có liên quan; đồng thời bổ sung các quy định về trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã trong việc tổ chức thực hiện để Nhân dân tham gia ý kiến, trách nhiệm tham gia của Nhân dân; trách nhiệm của người đứng đầu của công đoàn cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức thực hiện và trách nhiệm của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong việc tích cực tham gia ý kiến; việc tổ chức đối thoại tại nơi làm việc; trách nhiệm của tổ chức có sử dụng lao động, tổ chức đại diện người lao động ở cơ sở trong việc tổ chức thực hiện và trách nhiệm của đảng viên, công đoàn viên, người lao động trong việc tích cực tham gia ý kiến.

Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, về nội dung người dân thụ hưởng, Dự thảo Luật bổ sung một điều quy định về quyền thụ hưởng của người dân. Theo đó, người dân được Nhà nước và pháp luật công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội, các quyền về thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; được thông tin đầy đủ về các quyền và lợi ích hợp pháp, chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội theo quy định của pháp luật và quyết định (nếu có) của chính quyền địa phương mà mình được hưởng; được thụ hưởng thành quả đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, chế độ an sinh xã hội và sự an toàn, ổn định của đất nước, của địa phương và ở cộng đồng dân cư nơi sinh sống; thành quả đổi mới, phát triển của cơ quan, đơn vị, tổ chức có sử dụng lao động nơi làm việc; được tạo điều kiện để tham gia học tập, công tác, lao động, sản xuất, kinh doanh, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bản thân, gia đình và cộng đồng. 

Hồ Hương- Phạm Thắng