Rà soát kỹ lưỡng hạ tầng công nghệ khi mở rộng giao dịch điện tử tới tất cả hoạt động của đời sống xã hội
Nghị quyết số 50/2022/QH15 ngày 13/6/2022 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 cũng đề cập đến dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) đã được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022), thông qua tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023).
Luật Giao dịch điện tử được Quốc hội khóa XI thông qua tại kỳ họp thứ 6 ngày 29/11/2005 đã tạo hành lang pháp lý, phù hợp với thông lệ quốc tế cho giao dịch điện tử trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; trong lĩnh vực dân sự, kinh doanh, thương mại và các lĩnh vực khác do pháp luật quy định.
Các quy định của Luật đi vào cuộc sống đã góp phần thúc đẩy sự phát triển giao dịch điện tử đồng thời tạo tiền đề quan trọng trong việc thúc đẩy Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Kết quả tổng kết thực tiễn 17 năm thực hiện Luật Giao dịch điện tử cho thấy, bên cạnh những đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 vẫn đang tồn tại một số bất cập cần sửa đổi, bổ sung.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy.
Một trong những nội dung đáng chú ý của dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) là đảm bảo an toàn thông tin của người dân khi tham gia giao dịch điện tử; không nên phát sinh thủ tục, điều kiện bắt buộc cho người dân khi thực hiện các giao dịch điện tử. Các cơ quan bắt buộc phải tiếp nhận và xử lý giao dịch điện tử gửi đến từ người dân và doanh nghiệp, không được phép từ chối hoặc yêu cầu nộp thêm hồ sơ bất kỳ dưới hình thức nào.
Thay mặt Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Chủ nhiệm Lê Quang Huy khẳng định, việc nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) là một trong những nhiệm vụ lập pháp đã được nêu ra tại Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 15/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Việc sửa đổi toàn diện Luật lần này nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật, khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật hiện hành và giải quyết những vấn đề phát sinh mới trong thực tiễn.
Về cơ bản, dự án Luật đã cụ thể hoá 9 nhóm chính sách trong Tờ trình của Chính phủ khi đưa dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2022. Tuy nhiên, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu thể chế hóa cụ thể hơn chủ trương “ngăn chặn kịp thời các tác động tiêu cực cả về kinh tế và xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng” như yêu cầu của Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị.
Quy định tại khoản 2 Điều 27 “Về trách nhiệm của tổ chức sử dụng chữ ký điện tử dùng riêng phải đăng ký với Bộ Thông tin và Truyền thông và được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn” có thể sẽ làm phát sinh giấy phép, tăng chi phí trong vận hành đối với các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng chữ ký điện tử dùng riêng, trong khi quy định của Luật hiện hành mang tính xã hội hóa, đang được triển khai thực hiện.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Nhất trí với Báo cáo Thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường về nội dung trên, tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) phải đảm bảo an toàn thông tin, quyền công dân, bí mật riêng tư cho người dân. Người dân không muốn công khai thông tin thì phải đảm bảo an toàn cho họ. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng lưu ý, việc sửa đổi Luật Giao dịch điện tử không nên phát sinh thủ tục, điều kiện bắt buộc cho người dân, chính sách thực hiện cũng cần rõ ràng.
Đồng thuận với quan điểm trên, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới nhấn mạnh: Cơ quan Nhà nước đã cung cấp một số dịch vụ công trực tuyến thiết yếu cho người dân và doanh nghiệp. Điều này đã góp phần chuyển đổi cách thức của dịch vụ công một nhanh chóng. Tuy nhiên, hiện nay vẫn có tình trạng là có nơi vừa cung cấp giao dịch điện tử nhưng lại vẫn yêu cầu người dân vẫn phải xuất trình bản giấy tờ trong giao dịch. Trình trạng này đã gây bất tiện cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời cũng tạo ra kẽ hở pháp luật như có thể xuất hiện tiêu cực trong các loại giao dịch cần thiết.
Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) cần quy định về nguyên tắc bắt buộc phải tiếp nhận và xử lý giao dịch điện tử gửi đến từ người dân và doanh nghiệp, không được phép từ chối hoặc yêu cầu nộp thêm hồ sơ bất kỳ dưới hình thức nào.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới.
Nêu tổng quan chỉ đạo về nội dung trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao quá trình chuẩn bị dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Dự án Luật cơ bản đủ điều kiện trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ nghiên cứu tiếp thu ý kiến của cơ quan thẩm tra, ý kiến tham gia của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện dự án Luật; lưu ý ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Bên cạnh đó là tiếp tục rà soát thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng nhất là Nghị quyết số 52 của Bộ Chính trị, Nghị quyết đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 để hoàn thiện dự thảo Luật, góp phần thực hiện chuyển đổi số quốc gia một cách toàn diện nhằm phát triển kinh tế số, xã hội số; phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới dựa trên nền tảng công nghệ số, Internet và không gian mạng; ngăn chặn kịp thời các tác động tiêu cực cả về kinh tế và xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn trên không gian mạng; thực hiện tốt việc quản lý dữ liệu, định danh số, xác thực điện tử quốc gia, thiết lập khung danh tính số quốc gia.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của cơ quan thẩm tra để hoàn chỉnh hồ sơ dự án Luật; Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường hoàn chỉnh báo cáo thẩm tra để trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV./.