CẦN ĐÁNH GIÁ KỸ PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG ĐIỀU CHỈNH CỦA DỰ THẢO LUẬT PHÒNG THỦ DÂN SỰ TRÁNH CHỒNG CHÉO VỚI CÁC LUẬT CHUYÊN NGÀNH

23/09/2022

Theo chương trình, dự thảo Luật Phòng thủ dân sự sẽ được cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV. Trước đó, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã tổ chức Hội nghị, Hội thảo góp ý dự thảo luật. Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng phạm vi và đối tượng điều chỉnh của dự thảo Luật Phòng thủ dân sự rất quan trọng cần đc nghiên cứu, đánh giá kỹ, tránh chồng chéo với phạm vi điều chỉnh của các luật chuyên ngành, bảo đảm tính khả thi, thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Làm rõ khái niệm "phòng thủ dân sự" bảo đảm thống nhất với trong hệ thống pháp luật và phù hợp thực tiễn

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Xuân Thành

Góp ý vào dự thảo Luật Phòng thủ dân sự (PTDS), Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Xuân Thành cho biết, về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật PTDS cần làm rõ khái niệm thảm họa và khái niệm sự cố trong dự thảo Luật như vậy mới không chồng chéo với phạm vi của các luật chuyên ngành, đúng với Thông báo số 1357/TB-TTKQH ngày 19/8/2022 của Tổng thư ký Quốc hội thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật PTDS; trên cơ sở đó mới thiết kế nội dung các Điều trong dự thảo Luật phù hợp, không quy định lại các nội dung do các luật chuyên ngành đã điều chỉnh.

Cụ thể tiêu chí đánh giá mức độ rủi ro về thảm họa, sự cố quy định tại Điều 6, để không mâu thuẫn với cấp độ rủi ro thiên tai tại Luật Phòng, chống thiên tại.

Tại Điều 10, dự thảo Luật quy định nguyên tắc áp dụng pháp luật “Luật này áp dụng chung cho hoạt động PTDS. Trường hợp luật khác có quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố mà không trái với các nguyên tắc quy định tại Điều 3 của Luật này thì thực hiện theo quy định của luật đó. Trường hợp luật khác không có quy định thì áp dụng quy định của Luật này”. Như vậy, khi tổ chức thực hiện có thể xảy ra trùng lắp, một hoại động có 2 đơn vị phải cùng thực hiện.

ThS. Đinh Ngọc Quang - Trưởng Phòng Pháp chế và Chính sách, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Bộ Khoa học và Công nghệ

Nêu quan điểm về vấn đề này, ThS. Đinh Ngọc Quang - Trưởng Phòng Pháp chế và Chính sách, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, việc quy định chính xác phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật PTDS rất quan trọng, quyết định đến toàn bộ nội dung cũng như tên gọi của Luật. ThS. Đinh Ngọc Quang cho rằng, quy định về cơ chế bảo đảm nguồn lực chính là một chính sách quan trọng của hoạt động PTDS.

Bên cạnh đó, ThS. Đinh Ngọc Quang nhấn mạnh cần bổ sung cụm từ “cơ quan” và viết lại như sau: “Luật này quy định về hoạt động PTDS; chế độ, chính sách và quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động phòng thủ dân sự.”

Về phạm vi điều chỉnh có liên quan mật thiết đến tên gọi của Luật. Có ý kiến cho rằng nên đổi tên Luật PTDS thành Luật Hoạt động PTDS. Tuy nhiên ThS. Đinh Ngọc Quang nhất trí với ý kiến giữ nguyên tên gọi Luật PTDS vì “phòng thủ” vừa có nghĩa là biện pháp, vừa có nghĩa là hoạt động. Từ đó, ThS. Đinh Ngọc Quang đề nghị viết lại khái niệm về “Phòng thủ dân sự” như sau: “Phòng thủ dân sự là bộ phận của phòng thủ đất nước, bao gồm các biện pháp phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh và chiến tranh nhằm bảo vệ Nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân.”

Bên cạnh đó, ThS. Đinh Ngọc Quang cũng đề nghị nghiên cứu có thể bổ sung khoản về đối tượng áp dụng vào Điều 1 và đổi tên điều này thành “Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng” trong trường hợp cân nhắc hạn chế đối tượng áp dụng. Luật PTDS có áp dụng cho các đối tượng là cơ quan đại diện, tổ chức, cá nhân nước ngoài ở Việt Nam hay không?

ThS. Đinh Ngọc Quang nêu rõ, Phòng thủ dân sự bao gồm các biện pháp và hoạt động phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố; trong đó phải lấy việc chủ động phòng ngừa là chính, đúng như tên gọi “phòng thủ”. Việc xây dựng Chiến lược và xây dựng Kế hoạch thực hiện Chiến lược là hai nội dung hoạt động quan trọng hàng đầu của phòng thủ dân sự, phải được xây dựng từ sớm và định kỳ, thường xuyên phải được rà soát, điều chỉnh, cập nhật.

Ngoài ra, Hoạt động phòng thủ dân sự khi có nguy cơ xảy ra thảm họa, sự cố và Hoạt động phòng thủ dân sự khi xảy ra thảm họa, sự cố cần phải là nội dung quan trọng của Kế hoạch phòng thủ dân sự. Kế hoạch này cần được cụ thể hóa thành các kịch bản, mỗi kịch bản lại có một hoặc nhiều quy trình hành động khác nhau làm căn cứ để chuẩn bị nhân lực, trang thiết bị và diễn tập; để khi có nguy cơ xảy ra hoặc xảy ra thảm họa, sự cố thì hệ thống ứng phó có thể kích hoạt được kịp thời, trơn tru.

Để tránh chồng chéo với các Kế hoạch ứng phó sự cố khác, quy định về nội dung Kế hoạch phòng thủ dân sự tại khoản 2 Điều 10 dự thảo Luật PTDS nên bổ sung quy định về mối liên hệ giữa các Kế hoạch phòng thủ dân sự với các Kế hoạch khác, hoặc dẫn chiếu đến các Kế hoạch ứng phó sự cố liên quan thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, ngành Trung ương trong Kế hoạch phòng thủ dân sự của Bộ, ngành.

Tuy nhiên, phương án khác có thể cân nhắc bổ sung quy định về việc tích hợp Kế hoạch ứng phó thảm họa, sự cố các cấp trong từng lĩnh vực cụ thể vào Kế hoạch PTDS do hiện nay thẩm quyền ban hành, nội dung Kế hoạch ứng phó thảm họa, sự cố các cấp có một số quy định khác nhau và khác với quy định về xây dựng Kế hoạch phòng thủ dân sự./.

Ánh Nguyệt