Sửa đổi Luật đất đai: Chỉ thể chế hoá những vấn đề đã chín, đã rõ
Sửa đổi Luật đất đai: Gỡ bỏ nhiều nút thắt về thể chế và khung khổ pháp luật
Ảnh minh họa
Luật Đất đai là đạo luật có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, phức tạp, có tác động đến mọi mặt của đời sống, kinh tế, xã hội của đất nước và hoạt động của tất cả các tổ chức kinh tế, từng người dân. Không chỉ giữ vị trí trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai mà đạo luật này còn tác động sâu sắc tới việc thực thi các chính sách, các quy định trong rất nhiều đạo luật khác. Sau gần 10 năm thực hiện, Luật Đất đai năm 2013 đã tạo hành lang pháp lý để khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, luật cũng bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế, ảnh hưởng đến công tác quản lý đất đai.
Qua nghiên cứu kinh nghiệm của Pháp, Thuỵ Điển, Nhật Bản về quản trị, quản lý đất đai, TS.Bùi Tiến Đạt – Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, trong quản lý đất đai, Chính phủ đóng vai trò chủ chốt bằng việc tạo ra một môi trường an toàn để thị trường phát triển và hạn chế sự dư thừa của thị trường thiếu kiểm soát. Đặc biệt, ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, Nhà nước còn đóng vai trò điều tiết trực tiếp một số yếu tố thị trường để khắc phục sự non nớt và thiếu hoàn thiện của thị trường nội địa.
TS.Bùi Tiến Đạt cho rằng một trong những yếu tố cần hoàn thành trong việc triển khai hệ thống thông tin đất đai của Việt Nam là hoàn thiện hành lang pháp lý cho hệ thống thông tin đất đai bên cạnh các yếu tố khác như xây dựng, chuẩn hoá cơ sở dữ liệu đất đai; xây dựng và triển khai phần mềm ứng dụng cho hệ thống thông tin đất đai; triển khai Trung tâm dữ liệu, trang thiết bị đường truyền, thiết bị đầu cuối; đào tạo nhân lực; vận hành bảo trì.
Trong đó, TS.Bùi Tiến Đạt cho rằng cần hoàn thiện pháp luật về hai khía cạnh. Cụ thể, chấp nhận giấy chứng nhận dùng để cung cấp chứng nhận dòng quyền lợi bất động sản được cấp bởi văn phòng đăng ký quản lý thuộc hệ thống đăng ký bất động sản toàn quốc thay vì giấy chứng nhận được cấp bởi Uỷ ban nhân dân các cấp. Từ đó có thể giảm tải được các thủ tục cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng do cơ quan tài nguyên và môi trường thực hiện; đính chính, thu hồi giấy chứng nhận đã cấp. Đồng thời còn giúp minh bạch thông tin cho người dân khi muốn kiểm tra tính hợp pháp của quyền sử dụng bất động sản nhằm thực hiện các giao dịch liên quan.
Bên cạnh đó cần hoàn thiện hệ thống quản lý đất đai dựa trên những nền tảng cơ bản áp dụng công nghệ trong quy trình xử lý. Hệ thống bao gồm các tính năng, giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh phục vụ việc kết nối liên thông và chia sẻ dữ liệu đất đai do trung ương, địa phương quản lý với Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia cung cấp thông tin cho Trung tâm thông tin điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Cổng dịch vụ công Quốc gia phục vụ công tác chỉ đạo điều hành và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; kết nối chia sẻ, sử dụng chung cho các bộ, ngành, địa phương giúp cung cấp dịch vụ công thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp, phát triển Chính quyền điện tử, chuyển đổi số tiến tới Chính phủ số.
Mặt khác, trong công tác quản lý đất đai hiện nay, TS.Nguyễn Trọng Tuấn cho rằng hệ thống các văn bản pháp luật phải được ban hành đồng bộ, kịp thời, mang tính chất ổn định, đồng thời các quy định pháp luật dù có điều chỉnh nhưng vẫn phải đảm bảo tính kế thừa. Về hồ sơ đất đai phải xây dựng được hệ thống dữ liệu thông tin đất đai thống nhất, đồng bộ trên cơ sở công nghệ tin học điện tử hiện đại từ trung ương đến địa phương. Muốn đạt được điều đó cần đầu tư đồng bộ để có hệ thống hồ sơ địa chính cơ sở có độ tin cậy cao ở các địa phương trong cả nước. Thống nhất phương pháp phân loại, quản lý hồ sơ đất đai và công khai thông tin từ trung ương đến địa phương.
Theo TS.Nguyễn Trọng Tuấn, thực tế cho thấy hệ thống hồ sơ địa chính được lưu trữ ở Việt Nam chưa được tốt, chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý. Việc triển khai lập hồ sơ địa chính ở các địa phương khác nhau không được tiến hành vào cùng một thời điểm như chỉ đạo của trung ương, số liệu tổng hợp của tất cả các cấp có độ chính xác thấp. Các thông tin về đất chưa được cập nhật thường xuyên đầy đủ, vì vậy Nhà nước không thể quản lý chặt chẽ đất đai. Do đó, TS.Nguyễn Trọng Tuấn nhấn mạnh cần phải xác định việc đăng ký quyền về tài sản không chỉ là lợi ích của người dân mà còn là lợi ích của cả Nhà nước. Để làm tốt công tác này cần có những biện pháp mạnh để tạo ra những sự thay đổi về mặt nhận thức của cả bộ máy quản lý và đội ngũ công chức nhà nước.
Ngoài ra, một số chuyên gia cũng cho biết, xã hội càng phát triển tính cạnh tranh càng gay gắt, để đảm bảo thế mạnh trong cạnh tranh, công tác quản lý của Nhà nước phải tăng cường và có hiệu lực cao. Tuy nhiên, tăng cường quyền lực của Nhà nước nhưng không hạn chế quyền của các chủ thể sử dụng đất. Quyền lực Nhà nước phải tăng cường để đảm bảo mọi chủ thể hoạt động đúng khuôn khổ pháp luật và tự do phát triển./.