PGS.TS NGUYỄN QUANG TUYẾN: HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH QUẢN LÝ, SỬ DỤNG ĐẤT NÔNG NGHIỆP NHẰM SỬ DỤNG ĐẤT ĐAI HIỆU QUẢ TRONG BỐI CẢNH CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA ĐẤT NƯỚC

04/10/2022

Quan tâm đến những vấn đề cốt lõi của Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến - Trưởng Khoa Pháp luật Kinh tế, Đại học Luật Hà Nội đưa ra một số giải pháp hoàn thiện chính sách quản lý, sử dụng đất nông nghiệp nhằm khuyến khích sử dụng đất đai hiệu quả trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

TỔNG THUẬT SÁNG 22/9: UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN LẦN ĐẦU VỀ DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến- Trưởng Khoa Pháp luật Kinh tế, Đại học Luật Hà Nội

Chỉ ra nhiều vấn đề còn tồn tại trong Luật Đất đai hiện hành, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến nêu rõ, điều đầu tiên phải làm trong sửa đổi Luật Đất đai lần này là phải giải thích một cách chính thức khái niệm tích tụ và tập trung đất nông nghiệp nhằm khắc phục những cách hiểu khác nhau, hạn chế sai lệch không cần thiết. Do đó, trong sửa đổi Luật cần bổ sung quy định giải thích cụ thể về khái niệm tích tụ đất nông nghiệp; khái niệm tập trung đất nông nghiệp để có cách hiểu thống nhất tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tích tụ, tập trung đất nông nghiệp đạt hiệu quả. Sửa đổi, bổ sung quy định về hạn mức sử dụng đất nông nghiệp theo hướng không nên quy định về hạn mức giao đất, cho thuê đất nông nghiệp mà thay thế bằng việc bổ sung quy định chính sách thuế để điều chỉnh quy mô sử dụng đất nông nghiệp.

Đồng thời, cần bỏ quy định về thời hạn sử dụng đất nông nghiệp bằng việc bổ sung quy định giao, cho thuê đất nông nghiệp sử dụng ổn định lâu dài như đối với đất phi nông nghiệp. Mặt khác, Nhà nước cần bổ sung quy định các trường hợp cụ thể thu hồi đất nông nghiệp để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; cụ thể quy định rõ. Sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai hiện hành theo hướng cho phép các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân trong nước không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa đi kèm điều kiện như phải có kế hoạch sử dụng đất cụ thể, phải đảm bảo sử dụng đúng mục đích đất nông nghiệp, phải đảm bảo quy trình sản xuất nông nghiệp, phải có trụ sở hoặc chi nhánh của doanh nghiệp gần vùng sản xuất…

PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến cũng nhấn mạnh, để thúc đẩy quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn cần thực hiện theo hướng:

Một là, các hộ nông dân liên kết ruộng đất với nhau trong các hình thức hợp tác xã thành vùng sản xuất hàng hóa lớn. Đây là hình thức các hộ nông dân vẫn có quyền sở hữu (sử dụng) ruộng đất riêng biệt, hoặc góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp; nhưng thống nhất với nhau (liên kết với nhau) ở những cấp độ khác nhau, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn (như lúa, hoa quả, rau, cá…).

Hai là, tích tụ ruộng đất cho các hộ nông dân sản xuất hàng hóa giỏi (trang trại sản xuất hàng hóa lớn) với các quy mô khác nhau trong các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Ở hình thức này, quyền sở hữu (sử dụng) ruộng đất được tích tụ vào các hộ nông dân sản xuất giỏi thông qua quá trình mua bán, sang nhượng, hay thuê quyền sử dụng ruộng đất (có thời hạn, hay lâu dài).

Việc lựa chọn các phương hướng tích tụ, tập trung ruộng đất trên cần phù hợp với điều kiện từng vùng, từng lĩnh vực (Ảnh minh họa)

Ba là, các hộ nông dân liên kết với các doanh nghiệp hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn. Trong mô hình này, quyền sử dụng ruộng đất vẫn thuộc các hộ nông dân, nhưng mục đích sử dụng ruộng đất (mục đích sản xuất) đã có sự thống nhất giữa các hộ nông dân với nhau và với doanh nghiệp. Trong quá trình phát triển, mô hình tập trung ruộng đất này thường có sự tham gia của một chủ thể quan trọng nữa là các hợp tác xã. Các hợp tác xã là cầu nối hữu cơ giữa các hộ nông dân với các doanh nghiệp.

Bốn là, tích tụ ruộng đất cho các doanh nghiệp nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng cao. Đây là hình thức tích tụ ruộng đất vào các doanh nghiệp nông nghiệp thông qua việc thuê hoặc mua lại đất nông nghiệp (hay quyền sử dụng đất).

Hình thức này không chỉ đòi hỏi điều kiện ruộng đất thuận tiện cho quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn, mà còn phụ thuộc rất nhiều vào loại sản phẩm hàng hóa nông sản có thể sản xuất được trên đất đó một cách liên tục để đảm bảo được hiệu quả sản xuất - kinh doanh theo phương thức doanh nghiệp. Mỗi hình thức tích tụ, tập trung ruộng đất nêu trên có những ưu thế và hạn chế khác nhau trong những điều kiện ruộng đất, quy mô ruộng đất, trình độ nền sản xuất và loại hình nông sản khác nhau. Điều kiện ruộng đất và trình độ nền nông nghiệp ở các vùng của Việt Nam rất khác nhau, do đó việc lựa chọn hình thức nào cho phù hợp và hiệu quả cần được xem xét cụ thể. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm của thế giới và tình hình thực tế đang thay đổi của Việt Nam, có thể thấy hình thức phổ biến nhất sẽ là tích tụ ruộng đất để hình thành các hộ nông dân sản xuất hàng hóa (nông trại); đồng thời, các hộ nông dân sản xuất hàng hóa này liên kết ruộng đất với nhau (tập trung ruộng đất) trong các hợp tác xã để hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn và liên kết với các doanh nghiệp. Còn hình thức tích tụ ruộng đất cho các doanh nghiệp nông nghiệp sẽ phát triển có hiệu quả trong một số lĩnh vực và sản phẩm nông nghiệp phù hợp, đây không phải là hình thức phổ biến.

Việc lựa chọn các phương hướng tích tụ, tập trung ruộng đất trên cần phù hợp với điều kiện từng vùng, từng lĩnh vực; đảm bảo hài hòa lợi ích và sự phát triển bền vững của hộ nông dân, của nông thôn, của doanh nghiệp và các chủ thể tham gia cả về mặt kinh tế và xã hội, chứ không thể chỉ nghiêng về lợi ích của những chủ thể được tích tụ ruộng đất. Vấn đề đặt ra là: Trong điều kiện hiện nay ở nước ta còn một tỷ lệ rất lớn lao động và dân cư sống dựa vào nông nghiệp, trong khi công nghiệp và dịch vụ chưa đủ sức thu hút phần lớn lao động ra khỏi lĩnh vực nông nghiệp, hơn nữa cần tính tới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 về chuyển dịch cơ cấu lao động, cho nên phải rất coi trọng hình thức các hộ nông dân liên kết ruộng đất với nhau trong các hợp tác xã, liên kết bền vững với các doanh nghiệp để hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng cao. Việc thu hồi ruộng đất để giao cho các doanh nghiệp phát triển nông nghiệp hàng hóa lớn - công nghệ cao là một nhu cầu khách quan, song cần phải được xem xét kỹ trong những điều kiện cụ thể, lĩnh vực cụ thể, quy mô cụ thể, nhất là phải đảm bảo ổn định và thỏa đáng lợi ích của các hộ nông dân.

Cần khuyến khích và ưu tiên tích tụ ruộng đất cho phát triển nông nghiệp theo chiều sâu; từng bước hạn chế tích tụ ruộng đất phát triển nông nghiệp theo chiều rộng. Ban hành các quy định để loại bỏ tình trạng tích tụ, tập trung và sử dụng ruộng đất theo kiểu “đầu cơ” (để rồi xin chuyển đổi mục đích sử dụng), theo kiểu “phát canh thu tô”. Vấn đề quan trọng là phải xây dựng khung pháp lý phù hợp, minh bạch cho các hình thức tích tụ, tập trung ruộng đất. Phải hình thành được các chuỗi liên kết hợp lý, có sự chia sẻ cả về trách nhiệm, nghĩa vụ, lợi ích và rủi ro giữa các hộ nông dân với các hợp tác xã, các doanh nghiệp và các chủ thể liên quan.

Đảng và Chính phủ cần đưa ra các quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc, định hướng và khung chính sách chung về vấn đề tích tụ, tập trung ruộng đất để phát triển nền nông nghiệp hàng hóa hiện đại, hiệu quả. Đồng thời, cần khẩn trương hoàn thiện khung pháp lý cho việc lưu chuyển ruộng đất trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nhất là về chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, mua bán, thừa kế, thế chấp, ủy thác canh tác, góp vốn bằng quyền sử dụng ruộng đất, hạn điền, thay đổi mục đích sử dụng ruộng đất trong khuôn khổ sản xuất nông nghiệp, quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa…Trên cơ sở đó cần xây dựng các đề án cụ thể, phù hợp đối với điều kiện đất đai, điều kiện kinh tế - xã hội, trình độ sản xuất, lĩnh vực sản xuất…của từng khu vực, địa phương.

Năm là, cần phải tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật đất đai theo hướng: “Pháp luật hóa” việc công nhận quyền sử dụng đất là tài sản; Quy định cụ thể, đầy đủ và đồng bộ việc điều tiết phần lớn địa tô chênh lệch được tạo ra khi chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp vào ngân sách nhà nước: Tiếp tục hoàn thiện cơ chế hoạt động của thị trường quyền sử dụng đất.../.

Hồ Hương