Luật sư Việt Nam có Bác chỉ lối dẫn đường
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn kiên trì thực hiện đường lối đẩy mạnh cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, dân chủ hóa hoạt động tố tụng, nâng cao vị thế, vai trò của đội ngũ Luật sư trong sứ mệnh phụng sự công lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể xã hội. Đường lối đúng đắn ấy đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng trong quá trình đấu tranh giành độc lập và xây dựng đất nước.
Qua thực tiễn thời kỳ Pháp thuộc, thấu hiểu nỗi đau của người dân mất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu cao chân lý về quyền và tự do của cá nhân, trong đó có quyền được hưởng sự công bằng về pháp luật và sự trợ giúp về mặt pháp lý, chỉ có thể được thể hiện một cách thực chất nhất khi dân tộc có được nền độc lập và tự do. Trong Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người đã khẳng định: “tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.
Bác Hồ tiếp gia đình Luật sư Loseby
Xuyên suốt quá trình hoạt động cách mạng và xây dựng đất nước, tư tưởng của Người về việc bảo đảm bằng pháp luật các quyền tự do cơ bản của công dân luôn được thể hiện rõ nét. Ngay từ những đạo luật, pháp lệnh đầu tiên của Nhà nước Việt Nam mới do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt bút ký, đã quan tâm đến việc ban hành Luật bảo đảm quyền tự do thân thể và quyền bất khả xâm phạm đối với nhà ở, đồ vật, thư tín của nhân dân, Luật về quyền tự do hội họp và Luật về quyền lập hội (1957).
Đặc biệt trong giai đoạn xây dựng hoàn thiện chính quyền, kiến thiết đất nước, khi nhiều vấn đề phức tạp nổi lên do có sự không đồng nhất trong quyền lợi riêng giữa các tầng lớp nhân dân, Người đã lưu ý rằng, trong hoạt động xét xử “nên dùng chính sách cảm hóa, khoan dung, không nên bắt bớ lung tung, không nên tịch thu vô lý, làm cho dân kinh khủng”.
Bác còn nhắc nhở cán bộ ngành Tòa án vào năm 1950: “Xét xử đúng là tốt, nhưng nếu không phải xét xử càng tốt hơn”. Bác đã sớm đặt nền móng cho nền tư pháp Việt Nam, theo đó, cốt lõi của việc xây dựng và hoàn thiện các thiết chế và thể chế tư pháp chính là giải quyết các vấn đề của đời sống dân sinh, bảo đảm các quyền và tự do cơ bản của công dân, trong đó có việc bảo đảm quyền bào chữa và nhờ ngưới khác bào chữa.
Để bảo vệ quyền lợi của con người cá nhân bằng pháp luật, không thể thiếu vai trò của đội ngũ Luật sư. Xung quanh Chính phủ liên hiệp lâm thời và Chủ tịch Hồ Chí Minh, luôn có vai trò đóng góp to lớn của đội ngũ Luật gia, Luật sư tên tuổi thời bấy giờ. Khi đánh giá về đóng góp của cán bộ tư pháp nói chung và giới Luật sư nói riêng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng: “Công việc tư pháp cũng như mọi công việc khác càng làm ta càng tiến bộ, nhưng càng tiến bộ ta càng thấy rõ những sự trở ngại và những cố gắng để giải quyết hoặc khắc phục những trở ngại và những khuyết điểm nó còn sót lại. Và ta phải càng cố gắng để giải quyết hoặc khắc phục những trở ngại và khuyết điểm ấy”. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến việc xây dựng một đội ngũ những công chức là “công bộc của dân”, một đội ngũ những người hành nghề luật làm sao trong tư tưởng và hành động một lòng một dạ phục vụ xã hội, phục vụ nhân dân, làm bất cứ việc gì cũng phải nghĩ đến đạo đức và các quy tắc ứng xử chuẩn mực, dựa trên cơ sở pháp luật.
Nâng cao chất lượng hoạt động của nghề Luật sư
Ngày 10/10/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 46/SL tổ chức đoàn thể của Luật sư. Sắc lệnh này đã trở thành dấu mốc quan trọng của nghề Luật sư Việt Nam. Kế thừa tư tưởng, tinh thần của Người về việc xây dựng đội ngũ Luật sư có tài, có đức, nâng cao vai trò, phát huy năng lực của đội ngũ Luật sư trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, ngày 14/01/2013, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định số 149/QĐ-TTg, chính thức lấy ngày 10/10 hàng năm là Ngày Truyền thống Luật sư Việt Nam, đây là dấu mốc đáng tự hào về nghề Luật sư. Nghề Luật sư được coi là một nghề cao quý, mang sứ mệnh bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức, cơ quan, bảo vệ sự độc lập của tư pháp, góp phần bảo vệ công lý, công bằng, phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, một nghề xứng đáng để được xã hội tôn vinh.
Qua từng giai đoạn lịch sử Đảng, Nhà nước ta đã rất quan tâm đến việc hoàn thiện và nâng cao chất lượng hoạt động của nghề Luật sư, thể hiện qua việc rất nhiều các văn bản như Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị nêu rõ: “Các cơ quan tư pháp có trách nhiệm tạo điều kiện để Luật sư tham gia vào quá trình tố tụng, tham gia hỏi cung bị can, nghiên cứu hồ sơ vụ án, tranh luận dân chủ tại phiên tòa”, trong hoạt động tư pháp, hoạt động xét xử, đề cao vai trò tranh tụng của Luật sư, xem đây là khâu trọng tâm để cải cách tư pháp. Đặc biệt, Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã xác định rõ, trong nhiệm vụ hoàn thiện các chế định bổ trợ tư pháp, cần đào tạo, phát triển đội ngũ luật sư đủ về số lượng, có phẩm chất chính trị, đạo đức, có trình độ chuyên môn. Hoàn thiện cơ chế bảo đảm để luật sư thực hiện tốt việc tranh tụng tại phiên tòa, đồng thời xác định rõ chế độ trách nhiệm đối với luật sư. Nhà nước tạo điều kiện về pháp lý để phát huy chế độ tự quản của tổ chức luật sư; đề cao trách nhiệm của các tổ chức luật sư đối với thành viên của mình.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 49/NQ-TW
Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, công tác cải cách tư pháp đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng; nền tư pháp nước ta đã có một bước tiến dài trong việc bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Về hoạt động thực tiễn, một số nhiệm vụ, giải pháp cải cách tư pháp đề ra trong Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị đến nay chưa được thực hiện một cách thực sự hiệu quả. Hiện nay, nhiều vấn đề mới, chưa có tiền lệ phát sinh trong bối cảnh diễn biến mau lẹ, khó dự báo của tình hình thế giới và khu vực, sự tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện của đất nước... cũng đòi hỏi công tác cải cách tư pháp cần phải tiếp tục được đẩy mạnh để đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tình hình mới.
Để kế thừa, tiếp nối tinh thần, tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hiện tốt nhiệm vụ cải cách tư pháp trong giai đoạn mới, rất cần nâng cao vai trò, phát huy năng lực của đội ngũ Luật sư trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Với những thành tựu đạt được trong thời gian vừa qua, số lượng Luật sư phát triển nhanh, chất lượng đội ngũ Luật sư đã từng bước được nâng cao và đáp ứng hiệu quả hơn yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế. Đội ngũ Luật sư thường xuyên được bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề, đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư, qua đó, góp phần thực hiện chức năng xã hội cao quý của Luật sư, góp phần bảo vệ công lý, tham gia quá trình phát triển kinh tế, xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng và văn minh, xây dựng một nền tư pháp mang đậm tính nhân dân như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.