PGS.TS Nguyễn Thị Nga cho biết, Luật Đất đại năm 2013 được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 29/11/2013 và có hiệu lực thi hành ngày 01/07/2014. Sau hơn 8 năm tổ chức triển khai, Luật Đất đai năm 2013 bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, gây nhiều cản trở, vướng mắc trên thực tế. Trong đó, vấn đề nổi cộm là thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Nga. Luật Đất đai năm 2013 bộc lộ sự thiếu công bằng và bình đẳng khi điều tiết quyền lợi cho người có đất bị thu hồi để giao cho các nhà đầu tư thực hiện dự án. Dự thảo Luật Đất đai 2013 (sửa đổi) cũng chưa có sự điều chỉnh để giải quyết triệt để vấn đề này. Cụ thể:
Luật Đất đai năm 2013 quy định, cơ sở để tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất được xác định là “giá đất cụ thể” do UBND cấp tỉnh quyết định. Điều này cũng vẫn được giữ nguyên trong Dự thảo Luật Đất đai 2013 (sửa đổi) tại khoản 3 Điều 81. Giá này về bản chất vẫn là giá mang nặng yếu tố chủ quan và áp đặt một chiều từ phía Nhà nước mà không phải là giá được xây dựng trên cơ sở tôn trọng thị trường.
PGS.TS Nguyễn Thị Nga - Trưởng Bộ môn Luật Đất đai và Kinh doanh bất động sản, Khoa Pháp luật Kinh tế, Trương Đại học Luật Hà Nội
PGS.TS Nguyễn Thị Nga cho biết, nếu nghiên cứu về quy trình và thẩm quyền xác định giá đất cụ thể làm cơ sở cho việc bồi thường cho thấy, cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh là cơ quan quyết định cuối cùng trong việc xác định giá đất cụ thể, các ý kiến của cơ quan thẩm định, tổ chức tư vấn độc lập về giá đất cũng chỉ là ý kiến tham khảo. Luật Đất đai hiện hành đã không quy định về giá đất do đơn vị tư vấn xác định có giá trị ràng buộc như thế nào khi quyết định giá đất.
Thực tiễn cho thấy, nếu hội đồng thẩm định không thống nhất với kết quả tư vấn của đơn vị tư vấn, hội đồng yêu cầu đơn vị tư vấn xác định lại theo định hướng của hội đồng. Như vậy, vai trò của tổ chức tư vấn giá đất sẽ chẳng có ý nghĩa gì trong việc xác định giá đất cụ thể nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân có đất bị thu hồi mà quyền lợi của người dân phụ thuộc vào ý chí quyết định của nhà nước.
Cùng với đó, trong Dự thảo Luật lại chưa có quy định rõ cơ quan định giá đất cấp tỉnh là cơ quan nhà nước cụ thể nào: Phòng định giá đất của sở Tài nguyên- Môi trường hay Sở Tài chính? Hơn nữa, trước khi ủy ban nhân dân tỉnh quyết định giá đất cụ thể thì vẫn thông qua các bước quy trình giống như Luật Đất đai năm 2013 khi trao Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh là Chủ tịch Hội đồng thẩm định, sau đó Hội đồng thống nhất giá để ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định. Như vậy, về bản chất Dự thảo luật Đất đai (sửa đổi) vẫn chưa có sự đổi mới về cơ chế xác định giá đất cụ thể, vẫn kế thừa khoản 3, Điều 114 của Luật Đất đai năm 2013.
Mặt khác, về trình tự, thủ tục xác định giá đất cụ thể từ giai đoạn lập kế hoạch định giá, đến giai đoạn thẩm định giá đất thì cả Luật Đất đai hiện hành và Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đều không ghi nhận sự tham gia của chủ thể có đất bị thu hồi. Điều này, không đảm bảo tính dân chủ, khách quan trong hoạt động bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, PGS.TS Nguyễn Thị Nga đề xuất xác định cơ quan định giá cấp tỉnh là cơ quan độc lập với ủy ban nhân dân cấp tỉnh, có nhiệm vụ định giá và quản lý giá.
Bên cạnh đó, trong quá trình xác định giá đất cụ thể cần quy định trách nhiệm bắt buộc cơ quan định giá phải thuê đơn vị có chức năng tư vấn xác định giá đất cụ thể. Việc xác định giá phải dựa trên cơ sở điều tra, thu thập thông tin về thửa đất, giá thị trường và thông tin về giá đất trong cơ sở dữ liệu đất đai, áp dụng phương pháp định giá phù hợp.
Thành phần Hội đồng thẩm định giá sẽ không có sự xuất hiện của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh với vai trò chủ tịch Hội đồng như hiện nay mà thay vào đó, thành viên bao gồm người đứng đầu cơ quan định giá, đại diện các đơn vị liên quan, có chức năng tư vấn định giá; đặc biệt trong Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể áp dụng để tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất thì cần có sự tham gia, lấy ý kiến từ phía người dân và chủ đầu tư thực hiện dự án.
Ngoài ra, PGS.TS Nguyễn Thị Nga cũng kiến nghị, cần quy định cụ thể, đầy đủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và hình thức hoạt động của Hội đồng về bồi thường, giải phóng mặt bằng. Cùng với đó là việc quy định rõ trách nhiệm pháp lý đối với các sai phạm của cán bộ thuộc Hội đồng bồi thường và giải phóng mặt bằng.
Đồng thời, để bảo đảm tính dân chủ thì pháp luật cần phải ghi nhận thêm sự tham gia của đại diện các chủ thể có đất bị thu hồi vào hội đồng thẩm định phương án giá đất trong trường hợp định giá đất để tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất.
PGS.TS Nguyễn Thị Nga nhấn mạnh, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là chế định quan trọng, có tác động sâu rộng tới quá trình phân bổ, điều chỉnh đất đai của Nhà nước, tới quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Thực tiễn triển khai trên thực tế nhiều vướng mắc, khó khăn và có nhiều khiếu kiện của người dân bị thu hồi đất. Vì vậy, hoàn thiện pháp luật đất đai cần phải được rà soát kỹ lưỡng, thận trọng , toàn diện trên tinh thần hiện thực hóa sâu rộng Nghị quyết 18 –NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng kháo XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”./.