GS.TS ULRICH BATTIS: THU HỒI ĐẤT CHỈ ĐƯỢC TIẾN HÀNH THEO LUẬT HOẶC TRÊN CƠ SỞ LUẬT QUY ĐỊNH HÌNH THỨC VÀ MỨC BỒI THƯỜNG
TS.Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp
Phóng viên: Theo chương trình lập pháp, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XV, Luật sư có đánh giá như nào sau gần 10 năm triển khai thực hiện?
TS.Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp: Tổng kết quá trình gần 10 năm thực hiện Luật đất đai năm 2013 cho thấy công tác quản lý sử dụng đất đai có hiệu quả tốt hơn trước. Trong những năm qua, đất đai thực sự đã trở thành nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế xã hội làm thay đổi bộ mặt ở nhiều khu vực, nhiều địa phương, cùng với chính sách phù hợp đã góp phần thu hút đầu tư, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển hạ tầng kĩ thuật, hạ tầng kinh tế xã hội. Đất đai trở thành động lực, là nguồn lực để cho nhiều ngành kinh tế phát triển... không thể phủ nhận được vai trò của Luật Đất đai năm 2013 trong việc phát triển kinh tế, xã hội, làm cơ sở pháp lý cho các hoạt động kinh tế xã hội, các lĩnh vực khác vận hành và phát triển.
Tuy nhiên, sau gần 10 năm thực hiện, nhiều nội dung trong Luật Đất đai năm 2013 không còn phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội, trở thành rào cản cho việc phát triển kinh tế, gây khiếu kiện, bức xúc trong dư luận. Việc quy định về giá đất không hợp lý dẫn đến khó khăn trong công tác thu hồi đất, phát sinh những hệ lụy, tiêu cực trong xã hội. Khiếu kiện về đất đai vẫn chiếm tỷ lệ lớn, đến trên 70 % các vụ việc dân sự, hành chính và có liên quan đến đất đai. Sai phạm trong công tác quản lý đất đai xảy ra ở nhiều địa phương khiến nhiều cán bộ bị xử lý kỷ luật, thậm chí có những cán bộ cấp cao bị truy cứu trách nhiệm hình sự làm giảm sút uy tín của Đảng và Nhà nước trước nhân dân. Bởi vậy, sửa đổi bổ sung quy định của Luật Đất đai năm 2013 là nhu cầu, đòi hỏi cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.
Vừa qua, ngày 16/6/2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao", qua đó đưa ra những nguyên tắc, định hướng cơ bản để sửa đổi luật đất đai, làm cơ sở quan trọng để xây dựng dự thảo tiến tới sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 trong năm tới đây.
Phóng viên: Luật Đất đai được đánh giá là đạo luật quan trọng, phức tạp và có tác động đến mọi mặt trong đời sống và kinh tế - xã hội. Tuy vậy, đây cũng là đạo luật có tần suất sửa đổi khá nhiều. Luật sư có nhìn nhận như nào về vấn đề này?
TS.Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp: Về mặt lý luận, pháp luật cũng là một trong những hình thái ý thức xã hội, sẽ phụ thuộc vào tồn tại xã hội, khi tồn tại xã hội thay đổi thì các hình thái ý thức xã hội sẽ thay đổi theo quan điểm biện chứng của triết học về mối quan hệ giữa vật chất và ý thức, giữa tồn tại xã hội và ý thức xã hội.
Bởi vậy, có thể nói rằng xã hội thế nào thì pháp luật thế đó. Pháp luật có tính vượt trước, có tính định hướng phát triển, tuy nhiên đó chỉ là những nhân tố, thành tố không cơ bản, còn về cơ bản thì pháp luật luật luôn lạc hậu hơn đối với tồn tại xã hội. Chính vì thế, không riêng Việt Nam mà tất cả các quốc gia trên thế giới đều thực hiện việc sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật. Mức độ sửa đổi, bổ sung nhiều hay ít phụ thuộc vào việc các quan hệ xã hội đã ổn định hay chưa, phụ thuộc vào kĩ thuật lập pháp và một số yếu tố khác.
Về tư tưởng chung, không nhà nước nào muốn sửa đổi pháp luật, trừ trường hợp pháp luật đó không còn phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội, kìm hãm sự phát triển kinh tế xã hội thì mới cần phải sửa đổi để tạo hành lang pháp lý, làm công cụ để nhà nước quản lý xã hội một cách hiệu quả hơn, hợp lý hơn, khoa học hơn. Pháp luật chính là hiện thân của chính sách, là hình thức biểu hiện của chính sách trong đời sống xã hội.
Để quản lý xã hội, nhà nước sẽ đưa ra chính sách phù hợp, chính sách đó sẽ được thể chế hóa thành quy phạm pháp luật, nhà nước sử dụng các quy phạm pháp luật để điều chỉnh các quan hệ trong xã hội; sau quá trình điều chỉnh các quan hệ xã hội bằng pháp luật thì sẽ có tổng kết rút kinh nghiệm để đánh giá tính hiệu quả của chính sách. Kết quả tổng kết đó sẽ soi chiếu lại đối với chính sách để có những sửa đổi, bổ sung cho phù hợp; khi chính sách thay đổi thì pháp luật cũng thay đổi theo một vòng khép kín như vậy để xã hội vận động phát triển không ngừng. Vòng đời của luật tồn tại lâu dài hay không sẽ phụ thuộc vào chính sách có thay đổi hay không, pháp luật có phù hợp với chính sách hay không, có tạo ra động lực phát triển kinh tế xã hội hay không...
Trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ở Việt Nam, Hiến pháp là đạo luật có giá trị pháp lý cao nhất, sau hiến pháp là đến luật rồi mới đến các văn bản dưới luật. Việc ban hành sửa đổi bổ sung các văn bản luật phải phù hợp với hiến pháp, khi hiến pháp thay đổi thì các văn bản luật cũng thay đổi. Tổng kết thực tiễn cho thấy, cứ khoảng 10 năm Việt Nam lại sửa đổi luật một lần, nghị định, thông tư, các văn bản dưới luật thì khoảng 3-5 năm sửa đổi một lần. Điều này cho thấy xã hội Việt Nam đang có sự phát triển, chuyển biến mạnh mẽ các quan hệ xã hội, điều kiện kinh tế xã hội cũng có nhiều biến động dẫn đến đòi hỏi cần phải có những chính sách phù hợp, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp trong đó có luật đất đai. Vì vậy việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 là nhu cầu, đòi hỏi có tính chất tất yếu của sự phát triển kinh tế xã hội. Đến khi nào xã hội phát triển đến một mức độ nhất định, các quan hệ xã hội ổn định, trình độ quản lý kinh tế, quản lý xã hội được nâng cao thì chính sách sẽ ít thay đổi hơn và các văn bản quy phạm pháp luật cũng sẽ ổn định hơn.
Việc sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là Luật Đất đai sẽ có những tác động nhất định đối với xã hội. Nếu văn bản pháp luật này phù hợp với chính sách, có kĩ thuật lập pháp tốt, sửa đổi đúng thời điểm thì sẽ có những tác động tích cực cho sự phát triển kinh tế xã hội. Ngược lại, nếu văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp sẽ trở thành rào cản đến sự phát triển kinh tế xã hội, sẽ dẫn đến khó khăn, thậm chí vi phạm trong công tác quản lý dẫn đến khiếu kiện, tranh chấp, bất ổn định trong xã hội. Nếu chậm sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật quan trọng đang không còn phù hợp nữa sẽ gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội. Bởi vậy, việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 vào thời điểm này là phù hợp và cần thiết, đáp ứng nguyện vọng mong muốn của Nhà nước và Nhân dân Việt Nam hiện nay.
Phóng viên: Luật sư có nhìn nhận tổng quan như nào về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này?
TS.Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp: Về cơ bản, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này đã lĩnh hội được các quan điểm tư tưởng định hướng trong Nghị quyết số 18-NQ/TW. Tuy nhiên còn nhiều vấn đề vẫn tiếp tục cần phải bàn luận sâu hơn, kĩ thuật lập pháp tốt hơn để dễ hiểu, dễ áp dụng. Vấn đề về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cần phải quy định cụ thể hơn nữa, có sự phân cấp, phân quyền, gắn với trách nhiệm trong công tác quản lý để dễ vận dụng, dễ áp dụng và dễ chịu trách nhiệm nếu có sai phạm. Việc xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi) cần phải hướng đến chuyển đổi số, khả năng ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác quản lý để đảm bảo công khai minh bạch, công bằng, dễ quản lý và dễ kiểm soát.
Trong lần sửa đổi này, vấn đề nhiều người dân quan tâm đến đó là vấn đề thu hồi đất và bồi thường hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các quyền của người sử dụng đất trong việc sử dụng, thừa kế, thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Trong đó, quy định về giá đất là vấn đề cần phải nghiên cứu xem xét kỹ lưỡng; các trường hợp nhà nước thu hồi đất, các trường hợp thỏa thuận để chuyển quyền sử dụng đất nhằm thực hiện các dự án đầu tư; vấn đề quyền lợi của người sử dụng đất khi nhà nước thu hồi để thực hiện các dự án phục vụ an ninh, quốc phòng, phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.
Vấn đề chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng là vấn đề được dư luận quan tâm. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất mà không được quy định cụ thể sẽ dẫn đến tùy tiện, dẫn đến cơ chế xin cho, bất bình đẳng trong xã hội, có thể là nguy cơ dẫn đến tham nhũng, tiêu cực.
Ngoài ra, vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng là vấn đề còn nhiều bất cập trong thời gian qua đã dẫn đến những tranh chấp, khiếu kiện. Thời gian qua đã xảy ra không ít những vụ việc chảy máu đất công, còn những bất cập trong công tác quản lý tài sản công, quản lý đất đai công sản dẫn đến nhiều cán bộ lợi dụng biến đất công thành đất tư để trục lợi, gây bức xúc trong dư luận. Việc cấp những dự án chuyển mục đích sử dụng đất từ đất rừng phòng hộ, đất quốc phòng sang đất thương mại khiến nhiều cán bộ bị xử lý kỷ luật, trong đó có nhiều trường hợp đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự cho thấy vấn đề về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất về thẩm quyền giao đất, công nhận quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất và vấn đề thực hiện nghĩa vụ tài chính khi chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất là những vấn đề cần phải có quy định cụ thể và chặt chẽ hơn nữa trong Luật Đất đai (sửa đổi) lần này.
Phóng viên: Từ những mặt tích cực và bất cập đã chỉ ra, qua nghiên cứu, Luật sư quan tâm đến vấn đề nào của dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022)?
TS.Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp: Trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này có hai nội dung tôi quan tâm nhất bởi nó liên quan đến hoạt động nghề nghiệp của Luật sư. Đó là trường hợp nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng (Hiện nay đang quy định tại điều 62 Luật Đất đai năm 2013) và quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất khi nhà nước thu hồi, trong đó có quyền lợi giá trị bồi thường, hỗ trợ và chính sách tái định cư.
Trong quá trình nghiên cứu pháp luật về đất đai cũng như thực tiễn hành nghề Luật sư bảo vệ quyền lợi của người dân khi bị thu hồi đất, chúng tôi thấy rằng ở rất nhiều địa phương đã xảy ra tình trạng lợi dụng vào Điều 62 Luật Đất đai năm 2013 để thu hồi đất vô tội vạ sau đó giao cho doanh nghiệp phân lô bán nền gây bức xúc trong dư luận, bất bình đẳng trong việc sử dụng đất, gây khiếu kiện kéo dài, nhiều nơi dẫn đến mất an ninh trật tự, suy giảm niềm tin của người dân đối với các cấp chính quyền, tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng. Trước đây, Luật Đầu tư còn quy định hình thức đầu tư “BT” dẫn đến nhiều địa phương đã vận dụng quy định này để "đổi đất lấy hạ tầng". Theo đó, doanh nghiệp có thể đầu tư để làm một đoạn đường hoặc một công trình công cộng phúc lợi nào đó rồi bàn giao cho địa phương, chính quyền địa phương không có nguồn kinh phí để chi trả nên đã thu hồi đất của nhiều hộ dân để giao cho doanh nghiệp nhằm "đổi lấy hạ tầng " kĩ thuật về giao thông, công trình công cộng ở địa phương. Sau khi nhận đất, doanh nghiệp phân lô bán nền với giá rất cao, trong khi đó đơn giá bồi thường thì quá thấp dẫn đến bất bình đẳng, khiếu kiện kéo dài ở nhiều nơi. Việc không quy định rõ ràng thế nào là dự án thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng dẫn đến tình trạng nhiều địa phương lợi dụng quy định này để lấy đất của người dân, sau đó giao cho doanh nghiệp theo hình thức “BT”.
Vấn đề thứ hai là vấn đề giá đất để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất. Luật Đất đai quy định giá đất nhà nước đưa ra để bồi thường phải sát với giá thị trường. Nhưng trên thực tế không có đủ cơ chế để đảm bảo việc giá đất nhà nước đưa ra bằng với giá thị trường dẫn đến người có đất bị thu hồi bị thiệt thòi, không đồng ý bàn giao mặt bằng, gây khó khăn cho công tác giải phóng mặt bằng và gây thiệt hại đến tài sản của người sử dụng đất. Nghị quyết 18-MQ/TW quy định quyền lợi của người sử dụng đất sau khi bị thu hồi đất phải được đảm bảo. Theo đó, bỏ khung giá đất để địa phương lập giá đất phù hợp với giá thị trường, điều kiện đời sống của người dân sau khi bị thu hồi đất, ít nhất là bằng hoặc tốt hơn điều kiện sống trước đây. Nội dung quy định, định hướng này trong Nghị quyết 18-NQ/TW cần phải được thể chế hóa thành những điều luật cụ thể, chặt chẽ, dễ hiểu, dễ áp dụng và đảm bảo tính khả thi trên thực tế.
Nếu thực hiện được điều này thì vấn đề khiếu kiện hành chính về đất đai khi nhà nước thu hồi sẽ giảm đi rất nhiều, đảm bảo công bằng xã hội và giảm bớt những hệ lụy, tiêu cực xã hội khi thực hiện thủ tục thu hồi đất. Khi giá đất mà nhà nước thu hồi bằng với giá thị trường, quyền lợi điều kiện tái định cư tốt hơn chỗ ở hiện tại thì người dân sẽ sẵn sàng bàn giao đất, sẵn sàng hợp tác phối hợp tối đa với chính quyền để bàn giao mặt bằng khi nhà nước thu hồi đất, các dự án sử dụng đất sẽ được đưa vào triển khai nhanh chóng bởi khi đó đã hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Phóng viên: Một số chuyên gia chỉ ra rằng, Chương II dự thảo Luật trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 09/2022 quy định về quyền và trách nhiệm của nhà nước, công dân với đất đai có tất cả 18 Điều nhưng lại dành 16 Điều quy định về quyền và trách nhiệm của Nhà nước và chỉ có 02 Điều về quyền và nghĩa vụ của công dân, quan điểm của Luật sư về vấn đề này như thế nào?
TS.Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp: Kết cấu về mặt kĩ thuật của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này cho thấy sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với người sử dụng đất. Trong Chương II của dự thảo luật có tới 16/18 điều quy định về quyền và trách nhiệm của nhà nước trong việc quản lý đất đai với tư cách là đại diện chủ sở hữu cho thấy công tác quản lý đất đai được quan tâm nhiều hơn; trách nhiệm của nhà nước trong việc quản lý đất đai được quy định cụ thể, rõ ràng hơn là cơ chế để đảm bảo quyền của người sử dụng đất, quyền của công dân trong mối quan hệ hành chính về đất đai.
Nội dung quy định của chương này là cơ sở để nhà nước đưa ra các chính sách về đất đai, quy định quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, quy định trách nhiệm trong việc phân cấp, phân quyền quản lý đất đai và các cơ chế để đảm bảo cho việc sử dụng đất hiệu quả là nguồn lực để phát triển kinh tế xã hội. Bởi vậy, dự thảo luật thiết kế số điều quy định về quyền và trách nhiệm của nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu đối với đất đai là phù hợp.
Phóng viên: Để hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), tại lần sửa đổi này, theo Luật sư đâu là những nội dung trọng tâm cần chú trọng?
TS.Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp: Qua nghiên cứu, tôi cho rằng có mấy vấn đề trọng tâm cần phải nghiên cứu, bàn luận để đảm bảo chất lượng của văn bản pháp luật. Đó là vấn đề về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; vấn đề về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; về thu hồi đất, quy định về quyền lợi của người sử dụng đất khi nhà nước thu hồi và vấn đề đất đai gắn với thị trường bất động sản. Đây là những vấn đề quan trọng, nhạy cảm, liên quan đến công tác quản lý sử dụng đất và liên quan đến quyền lợi của người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục, các giao dịch, các hoạt động dân sự, kinh tế xã hội liên quan đến quyền sử dụng đất.
Nếu những vấn đề này quy định không chặt chẽ, thiếu thống nhất, không khoa học, chưa phù hợp với chính sách mới về đất đai thì sẽ dẫn đến có những cách hiểu khác nhau, khó áp dụng, dễ gây ra tranh chấp, khiếu kiện, tiêu cực trong công tác quản lý đất đai. Bởi vậy, việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013 cần phải bám sát vào chính sách trên cơ sở tổng kết thực tiễn và có học hỏi, vận dụng kinh nghiệm của nước ngoài. Nếu Luật Đất đai không phù hợp với chính sách thì không thể phát huy hiệu quả, nếu kĩ thuật lập pháp không tốt, thiếu pháp điển hóa thì sẽ dẫn đến khó áp dụng, không đảm bảo quyền và lợi ích của các chủ thể trong mối quan hệ hành chính, dân sự, kinh tế về đất đai. Bởi vậy, tất cả các chương, mục, điều, khoản của Luật Đất đai đều có những vai trò, ý nghĩa khác nhau.
Tuy nhiên, những vấn đề quan trọng nhất là những vấn đề liên quan đến quản lý vĩ mô, quản lý đất đai với tư cách là công sản quốc gia, là tài nguyên quý giá và hữu hạn, là chủ quyền lãnh thổ, là nguồn lực để phát triển kinh tế xã hội. Đồng thời đất đai cũng là động lực để cho người dân và doanh nghiệp có cơ hội sử dụng, vận dụng, phát huy tối đa hiệu quả để phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Hy vọng rằng, những đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học, của các cơ quan quản lý nhà nước sẽ góp phần hoàn thiện dự thảo, làm cơ sở để trình Quốc hội thông qua trong các kỳ họp tới đây.
Phóng viên: Qua thực tiễn triển khai thực hiện gần 10 năm qua, Luật sư có kỳ vọng như nào trong lần sửa đổi Luật Đất đai theo tinh thần của Nghị quyết 18-NQ/TW?
TS.Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp: Có thể nói rằng, Nghị quyết số 18-NQ/TW đã có nhiều định hướng quan trọng, chỉ ra những vấn đề trọng tâm cần phải sửa đổi, bổ sung của Luật Đất đai hiện hành. Đặc biệt là những nội dung của Nghị quyết này góp phần tăng cường công tác quản lý đất đai, đảm bảo công bằng trong việc sử dụng đất, tránh tích tụ, đầu cơ đất đai, sử dụng đất đai không hiệu quả. Đặc biệt hơn nữa, quy định về bỏ khung giá đất là một bước đột phá có thể tiến đến quy định về giá đất phù hợp với giá thị trường, đảm bảo công bằng cho các chủ thể sử dụng đất khi thực hiện các giao dịch về đất đai cũng như khi nhà nước bồi thường, hỗ trợ tái định cư trong các dự án có thu hồi đất...
Nghị quyết 18-NQ/TW như là “ngọn đuốc soi đường” làm cơ sở để cơ quan soạn thảo chuyển hóa các tư tưởng, quan điểm, định hướng này trở thành các quy phạm pháp luật, làm căn cứ để Quốc Hội thông qua; chuyển đổi những tư tưởng nội dung của Nghị quyết trở thành các quy phạm pháp luật, làm hành lang pháp lý trong việc quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên quý giá là động lực để phát triển kinh tế xã hội, thu hút đầu tư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 sẽ góp phần cởi trói cho doanh nghiệp trong việc thuê đất, nhận sử dụng đất để triển khai các dự án, chuyển mục đích sử dụng đất, đồng thời rõ ràng, minh bạch về thẩm quyền và trình tự thủ tục giao đất, hạn chế những hệ lụy tiêu cực phát sinh khi thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Khi giá đất được quy định phù hợp với giá thị trường thì người có đất bị thu hồi sẽ vui vẻ thoải mái, hợp tác với chính quyền trong việc bàn giao đất để triển khai các dự án phát triển kinh tế xã hội. Bản thân tôi rất kỳ vọng rằng, Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội thông qua năm 2023 sẽ là văn bản pháp lý quan trọng để đất đai không còn là vấn đề nóng bỏng, không còn là cơ hội để tham nhũng của một số cán bộ thoái hóa, biến chất; không còn những con số thống kê về những vụ việc khiếu kiện hành chính để đất đai thực sự trở thành nguồn lực quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội, mang lại đời sống ấm no hạnh phúc cho nhân dân.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Luật sư!