BẢO ĐẢM PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH PHÁT TRIỂN ỔN ĐỊNH, LÀNH MẠNH VÀ BỀN VỮNG

24/10/2022

Tại các phiên thảo luận tổ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2022 và định hướng năm 2023, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, lành mạnh hóa thị trường tài chính là việc cấp thiết, quan trọng cần thực hiện hiệu quả trong thời gian tới. Quan tâm đến vấn đề này, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã đóng góp nhiều ý kiến để xây dựng thị trường tài chính minh bạch, lành mạnh, hướng tới mục tiêu phục hồi và phát triển bền vững.

ĐẢM BẢO TÍNH KHẢ THI ĐỂ CÁC CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP KỊP THỜI PHÁT HUY HIỆU QUẢ THỰC TIỄN

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2022, định hướng năm 2023

Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, bên cạnh những kết quả khả quan đã đạt được, tình hình kinh tế, xã hội vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, vàng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Các quy định về phát hành trái phiếu riêng lẻ chậm hoàn thiện, ảnh hưởng đến việc phát triển các kênh huy động vốn mới cho doanh nghiệp, làm gia tăng áp lực lên hệ thống ngân hàng. Thị trường bất động sản có dấu hiệu tăng nóng trong những tháng đầu năm, hình thành mặt bằng giá mới, gia tăng áp lực đối với nhà nước, nhà đầu tư khi thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng đầu tư các dự án mới và cả người dân về khả năng chi trả, nhất là với các hộ gia đình trẻ, thu nhập thấp.

Tại các phiên thảo luận tổ, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, trong thời gian tới, cần khắc phục vướng mắc, bất cập, tạo điều kiện môi trường pháp lý để phát triển đồng bộ các loại thị trường ổn định, lành mạnh, bền vững, hiệu quả, hội nhập, nhất là thị trường bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, lao động và khoa học công nghệ. Có những giải pháp để nâng hạng thị trường chứng khoán trong thời gian sớm nhất. Kịp thời điều chỉnh, tháo gỡ những khó khăn, hạn chế, bất cập của cơ chế, chính sách, pháp luật để thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững.

Các đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến tại phiên họp tổ

Về thị trường vốn, các đại biểu nhấn mạnh, cần nhanh chóng hoàn thiện quy định sửa đổi về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, chào bán, giao dịch chứng khoán riêng lẻ (cổ phiếu, trái phiếu) tại thị trường trong nước, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ nhưng vẫn tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh chính đáng. Về thị trường bất động sản, cần nghiên cứu, xây dựng dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) theo Nghị quyết số 50/QH15 ngày 13/6/2022 của Quốc hội về Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2022; tiếp tục triển khai một số nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế; Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bên cạnh đó, cần khẩn trương tiến hành rà soát, đánh giá toàn diện thực trạng và phân loại doanh nghiệp, dự án, công trình đầu tư và vốn, tài sản nhà nước để có giải pháp cơ cấu lại, xử lý phù hợp. Rà soát phát hiện và có biện pháp xử lý các doanh nghiệp, dự án đầu tư thua lỗ, kém hiệu quả. Có các giải pháp phù hợp để lành mạnh hóa tình hình tài chính, xử lý dứt điểm tồn đọng tài chính, nợ không có khả năng thanh toán và các tài sản không sinh lời trong các tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp thành viên.

GS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân

Quan tâm đến vấn đề này, GS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, để đảm bảo thị trường tài chính lành mạnh, trước hết cần thực hiện một số giải pháp đối với hệ thống ngân hàng hiện nay. Cụ thể, cần phát triển thị trường ngân hàng theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng sự minh bạch và tuân thủ các chuẩn mực, thông lệ quốc tế trong quản trị và hoạt động của các tổ chức tín dụng như Basel III, IFRS 9.

Ngân hàng Nhà nước cũng tiếp tục yêu cầu hệ thống ngân hàng giảm lãi suất cho vay sâu và đại trà bằng thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi có chọn lọc với 2 điểm khác biệt: có sự tham gia của ngân sách Nhà nước và tập trung vào các ngành kinh tế có tính lan tỏa cao.

GS.TS Phạm Hồng Chương cũng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần đẩy mạnh chuyển đổi số và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ hiện đại, tiếp tục nâng cấp và hoàn thiện hạ tầng công nghệ. Bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng, tăng cường xử lý nợ xấu, tiếp tục chấn chỉnh, cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém để lành mạnh hóa, nâng cao năng lực tài chính cả về quy mô và chất lượng, hiệu quả, bảo đảm an toàn hệ thống.

Đối với thị trường chứng khoán, nhiều chuyên gia khuyến nghị cần tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ phát triển thị trường chứng khoán ổn định, vững chắc, đảm bảo là kênh cung ứng vốn trung dài hạn quan trọng của nền kinh tế, giảm gánh nặng cho khu vực ngân hàng.

Cùng với đó, cần tiếp tục đẩy mạnh việc tái cấu trúc thị trường chứng khoán theo 4 trụ cột lớn bao gồm: Cơ cấu lại tổ chức thị trường; Cơ cấu lại cơ sở hàng hóa; Cơ cấu lại cơ sở nhà đầu tư; Cơ cấu lại tổ chức kinh doanh chứng khoán.

Theo GS.TS Phạm Hồng Chương, cần tăng quy mô thị trường cổ phiếu và đa dạng hoá sản phẩm chứng khoán thông qua các giải pháp tăng số lượng, chất lượng hàng hoá, thúc đẩy cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp theo hướng minh bạch gắn với xếp hạng tín nhiệm. Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý, giám sát thị trường tài chính để kịp thời phát hiện các rủi ro phát sinh trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

PGS.TS Tô Trung Thành, trường Đại học Kinh tế Quốc dân

Chia sẻ ý kiến về việc phát triển lành mạnh thị trường bảo hiểm, PGS.TS. Tô Trung Thành cho rằng, trước hết cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về kinh doanh bảo hiểm, cho phép phát triển đa dạng hóa hơn đối với các nhà cung cấp dịch vụ nhằm phục vụ các tầng lớp dân cư khác nhau và các nhu cầu bảo hiểm khác nhau. Ban hành các qui định cụ thể về các sản phẩm bảo hiểm nhóm cung cấp cho nhóm khách hàng doanh nghiệp, các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp.

PGS.TS Tô Trung Thành cũng cho rằng cần thay đổi cơ chế quản lý vốn và hoạt động tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm để đảm bảo an toàn cho thị trường. Xem xét áp dụng quản lý giám sát hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm theo hướng quản lý vốn trên cơ sở rủi ro.

Đối với chính sách bình ổn thị trường bất động sản, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng cần hoàn thiện thể chế với việc định giá, tư vấn, phát hành, mua bán trái phiếu doanh nghiệp trong hệ thống theo hướng loại bỏ mọi mọi xung đột lợi ích trên thị trường.

Thêm vào đó, cần quy định rõ tổ chức, định chế nào được tư vấn, tổ chức nào được xếp hạng tín nhiệm, tổ chức nào được mua bán sản phẩm nợ. Mỗi khâu trên thị trường nợ cần được đảm bảo không có xung đột lợi ích, các định chế tham gia độc lập; điều này sẽ làm giảm khả năng thị trường nợ bị thao túng, đảm bảo duy trì lành mạnh cho hệ thống.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, cần giảm tính chất đầu cơ trên thị trường bất động sản, cần loại bỏ xung đột lợi ích cơ bản trên thị trường BĐS, tính tới nhanh chóng áp dụng Luật Tài sản. Cần siết chặt kỷ cương về lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện quy hoạch tại mọi cấp chính quyền. Xây dựng và nâng cao hiệu quả giám sát tuân thủ đối với lập, thực hiện, quản lý quy hoạch sử dụng đất, đô thị từ trung ương đến địa phương./

Minh Hùng