TỔNG THUẬT SÁNG 04/11: CÁC THÀNH VIÊN CHÍNH PHỦ TIẾP TỤC TRẢ LỜI CHẤT VẤN NHÓM VẤN ĐỀ VỀ XÂY DỰNG VÀ QUỐC HỘI TIẾN HÀNH CHẤT VẤN NHÓM VẤN ĐỀ THỨ 2 – LĨNH VỰC THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG
Hôm nay (04/11), Phiên Chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV tiếp tục diễn ra với các nội dung chất vấn thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Nội vụ.
Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội về việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước, xây dựng Chính phủ số, chính quyền số; công tác xây dựng, kết nối, chia sẻ, khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia; việc tiếp cận thông tin và phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; việc quản lý các thuê bao, đầu số của các nhà mạng; công tác kiểm tra, quản lý các trang mạng, trang thông tin điện tử và các nền tảng trực tuyến khác; việc xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên các trang thông tin điện tử, thu thập, mua bán trái phép dữ liệu thông tin cá nhân.
Chiều nay, các đại biểu Quốc hội sẽ chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà về việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ. công chức, viên chức và việc triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ công chức viên chức. Công tác tuyển dụng đào tạo bồi dưỡng đánh giá xử lý vi phạm của cán bộ, công chức và giải pháp nâng cao chất lượng ngũ cán bộ công chức. Nguyên nhân, giải pháp trước tình trạng công chức viên chức nghỉ việc gia tăng trong thời gian gần đây, nhất là lĩnh vực vị trí địa bàn đông dân cư chịu nhiều áp lực công việc, nhất là công chức cấp xã dôi dư sau sắp xếp.
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm- Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang
Quan tâm tới nhóm vấn đề trong lĩnh vực thông tin truyền thông, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm - Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang cho rằng, một trong những vấn đề trọng tâm của phiên chất vấn này là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành của Nhà nước. Đại biểu mong chờ những câu hỏi sắc sảo và những giải đáp thỏa đáng, thẳng thắn về tiến độ xây dựng Chính phủ số, chính quyền số nhằm tạo thuận lợi cho công tác quản lý, tạo sự thuận lợi nhất cho người dân khi tiếp cận với các dịch vụ công của các cơ quan công quyền.
Cho biết công tác quản lý nhà nước trên không gian mạng hiện nay còn chưa đáp ứng được yêu cầu, còn nhiều hiện tượng đăng tải xuyên tạc, sai sự thật về Đảng, Nhà nước, đại biểu mong đợi những giải pháp thiết thực, khả thi, cụ thể sẽ được nêu trong phiên chất vấn, để có định hướng giải quyết dứt điểm vấn đề này trong thời gian tới.
Đại biểu Tạ Văn Hạ- Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam
Chia sẻ cùng mối quan tâm của đông đảo đại biểu Quốc hội cùng các cử tri, đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam mong chờ phiên chất vấn để làm rõ các vấn đề thừa thiếu giáo viên, công chức bỏ việc, chế độ chính sách với ngành y tế, thông tin xấu độc trên mạng xã hội,…
Đại biểu cũng bày tỏ quan tâm tới vấn đề trách nhiệm, hiệu quả, hiệu lực của công tác thanh tra, công bố các kết luận thanh tra. Theo đó, qua phiên chất vấn này, cần có những định hướng cụ thể, rõ ràng để đảm bảo chất lượng các cuộc thanh tra, công khai các kết luận thanh tra, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác kiểm tra, thanh gia, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Cho rằng đây là cơ hội để các Bộ trưởng giãi bày về các vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai, thực hiện, đại biểu Tạ Văn Hạ hy vọng, các Bộ trưởng được chất vấn sẽ đi trực diện vào vấn đề, trả lời thấu đáo, rõ ràng, đẩy đủ các nội dung mà đại biểu và cử tri quan tâm.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng, mỗi đại biểu Quốc hội đưa ra câu hỏi phải có trách nhiệm giám sát việc thực hiện vấn đề đó. Bộ trưởng cũng phải có trách nhiệm với phần trả lời, với lời hứa của mình để thực hiện trước cử tri, tránh việc đặt vấn đề rồi buông xuôi, mà cần có hướng giải quyết, giám sát và theo dõi đến cùng.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng, Đoàn ĐBQH Tp.Cần Thơ
Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng, Đoàn ĐBQH Tp.Cần Thơ hy vọng qua phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, sẽ làm rõ được những giải pháp về khoa học công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn, để tận dụng cơ hội phát triển. Cùng với đó là giải pháp ngăn chặn thông tin xấu độc trên môi trường mạng có ảnh hưởng xấu đến người dân, doanh nghiệp, tránh những xáo động trong đời sống, sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, một vấn đề cần lưu tâm là phát triển môi trường kinh doanh qua mạng nhưng phải bảo đảm truy thu thuế một cách triệt để, xây dựng môi trường kinh doanh qua mạng hiệu quả, lành mạnh, minh bạch. Đại biểu cũng kỳ vọng trong phiên giải trình, sẽ có nhiều câu hỏi sắc sảo và Bộ trưởng sẽ phân tích kỹ, đưa ra giải pháp cho vấn đề này.
Chia sẻ bên lề phiên chất vấn, đại biểu Trần Đức Thuận, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An, hy vọng các Bộ trưởng sẽ tiếp tục phát huy tinh thần của các kỳ họp trước, thẳng thắn và trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, giải quyết thấu đáo các vấn đề đặt ra. Sau hơn 2 năm đại dịch, người dân và doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, do đó vấn đề an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp, cải cách tiền lương là những nội dung được nhiều cử tri quan tâm hơn cả.
Đại biểu Trần Đức Thuận, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An
Đại biểu Trần Đức Thuận cho biết, qua tiếp xúc cử tri, nhân dân cả nước đang rất quan tâm đến việc thực hiện tăng lương cơ sở từ 01/7/2023. Trong hoàn cảnh nhiều khó khăn, thách thức này, việc thực hiện chính sách tiền lương là rất quan trọng, nếu tăng đúng thời điểm sẽ kiềm chế được lạm phát cũng như cải thiện được đời sống người lao động.
Theo đại biểu Trần Đức Thuận, thực tế mỗi vùng miền có mức chi phí sinh hoạt khác nhau, do đó Chính phủ có thể xem xét phương án tăng lương cơ sở theo các mức các nhau tùy từng vùng, giống như mức lương tối thiểu vùng ở khu vực ngoài nhà nước hiện nay. Bên cạnh đó, việc tăng lương cần tính toán thật phù hợp để đạt được các mục tiêu kinh tế vĩ mô cũng như bảo đảm an sinh xã hội./.