NĂM 2022, CÁC HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA ỦY BAN KHCN&MT BẢO ĐẢM HIỆU QUẢ, TIẾT KIỆM VÀ PHÙ HỢP VỚI BỐI CẢNH DỊCH COVID-19

17/11/2022

Theo Ủy viên Thường trực Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn, trong năm 2022, các hoạt động giám sát, khảo sát của Ủy ban đã được tổ chức thực hiện tốt, đúng nguyên tắc, bảo đảm hiệu quả; các đoàn giám sát được tổ chức đúng thành phần, tiết kiệm, không hình thức, phù hợp với bối cảnh dịch COVID-19.

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI: LÀM RÕ VẤN ĐỀ VỀ TÀI CHÍNH, HIỆU QUẢ ĐẦU TƯ CHO KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường vừa tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ V. Theo đó, Ủy ban thông tin về tình thực hiện chương trình giám sát năm 2022.

Phát biểu tại Phiên họp, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, những tháng đầu năm 2022, đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến nhiều mặt đời sống kinh tế - xã hội nhưng với quyết tâm cao, nỗ lực trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã chủ động nghiên cứu, điều chỉnh, cải tiến, đổi mới cách thức tiến hành các hoạt động giám sát bảo đảm khả thi, phù hợp với thực tiễn. Qua đó, đến nay cơ bản Ủy ban đã hoàn thành các nội dung đề ra, đạt yêu cầu về tiến độ và chất lượng.

Trong năm 2022, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã tổ chức giám sát và có báo cáo thẩm tra, tham gia thẩm tra thường xuyên hằng năm đối với 10 nội dung được quy định trong Luật. Ủy ban cơ bản tán thành với nhiều nội dung trong Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội, đồng thời đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong triển khai thực hiện. Tuy nhiên, bên cạnh những tồn tại, hạn chế đã được Chính phủ thẳng thắn nhìn nhận trong Báo cáo, qua giám sát, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, trong quá trình thực hiện vẫn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Theo đó, Ủy ban đã kiến nghị với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đề nghị Chính phủ, các cơ quan liên quan cần tiếp tục triển khai về một số nội dung.


Ủy viên Thường trực Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn báo cáo công tác giám sát năm 2022 của Ủy ban.

Về tình hình thực hiện nhiệm vụ, ngân sách nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu năm 2022; dự kiến kế hoạch nhiệm vụ, ngân sách nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu năm 2023, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đưa ra 24 kiến nghị (trong đó 02 kiến nghị đối với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; 06 kiến nghị đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; 06 kiến nghị đối với Bộ Tài nguyên và môi trường; 03 kiến nghị đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư; 02 kiến nghị đối với Bộ Tài chính; 05 kiến nghị với bộ ngành liên quan và chính quyền địa phương).

Về tình hình thực hiện nhiệm vụ, ngân sách nhà nước trong lĩnh vực Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo năm 2022; Dự kiến kế hoạch nhiệm vụ, ngân sách nhà nước trong lĩnh vực Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo năm 2023, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đưa ra 15 kiến nghị (trong đó 04 kiến nghị đối với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; 05 kiến nghị đối với Chính phủ; 02 kiến nghị đối với Bộ Khoa học và Công nghệ; 02 kiến nghị đối với Bộ Tài chính; 02 kiến nghị với chính quyền địa phương).

Về kết quả thực hiện Chương mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: từ năm 2021-2025, năm 2022, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đưa ra 03 kiến nghị đối với Chính phủ để đáp ứng yêu cầu về chất lượng giám sát của Quốc hội.

Về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Chính phủ làm rõ hơn những kết quả nghiên cứu về khoa học và công nghệ nổi bật, đánh giá tác động của việc áp dụng kết quả của những nghiên cứu trong thực tế; làm rõ mức độ xử lý bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường với chỉ tiêu “Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị” trong kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; Báo cáo rõ hơn về kết quả đạt được, về tình hình triển khai thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; bổ sung, phân tích đánh giá cụ thể hơn tình hình triển khai trong những tháng đầu năm 2022 đối với việc thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu theo Điều 3 Nghị quyết 32/2021/QH15 đối với 06 nội dung trong triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2022.

Về đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị làm rõ thêm kết quả thực hiện các chỉ tiêu về bảo vệ môi trường, ứng phó biển đổi khí hậu, về phát triển tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ, phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ và các nhiệm vụ, giải pháp năm 2023.

Về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị làm rõ việc giảm nguồn thu ngân sách Trung ương; lý do chuyển nguồn vốn đầu tư phát triển đối với chi sự nghiệp khoa học và công nghệ; nguyên nhân của việc quyết toán thấp và bổ sung số liệu dự toán, quyết toán ngân sách địa phương cho bảo vệ môi trường; lý do quyết toán chi thấp.

Về danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; điều chỉnh, bổ sung vốn ngân sách trung ương kế hoạch năm 2022 của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đánh giá cao tinh thần khẩn trương, có trách nhiệm của Chính phủ đã sớm rà soát và đề xuất danh mục nhiệm vụ, dự án theo tinh thần, chính sách đầu tư phát triển được nêu trong Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và có 01 ý kiến cụ thể đối với UBTVQH, 03 ý kiến đối với Chính phủ.

Về kết quả thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng năm 2021, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác chỉ đạo, điều hành, về kết quả thực hiện và nhiệm vụ, các giải pháp.

Về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2022, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Chính phủ cần làm rõ 05 nội dung về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2022.

Về tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội về các biện pháp cấp bách liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị cần nhấn mạnh hơn nữa về việc thực hiện Nghị quyết 30 là chưa có tiền lệ từ trước đến nay, là việc thực hiện lần đầu tiên để đáp ứng yêu cầu về phòng, chống dịch COVID-19 và có các kiến nghị cụ thể đối với các nội dung: Thành lập và hoạt động các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 và việc tổ chức hoạt động khám, chữa bệnh trong phòng chống dịch COVID-19; chế độ chính sách đối với người được điều động tham gia phòng, chống dịch COVID-19 bị nhiễm COVID-19 hoặc phải cách ly y tế sau thời gian tham gia phòng, chống dịch COVID-19; bảo đảm an sinh xã hội, việc làm, chăm lo sức khỏe và đời sống Nhân dân, đặc biệt là người có công, gia đình chính sách, người nghèo, phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người yếu thế khác và lực lượng tuyến đấu chống dịch; nghiên cứu thực hiện miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19; ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch COVID-19, chuyển giao công nghệ trong sản xuất thuốc.

Đối với việc giám sát việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các công trình quan trọng quốc gia

Ủy viên Thường trực Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, trong năm 2022, Ủy ban đã giám sát về tình hình thực hiện nghị quyết của Quốc hội về đường Hồ Chí Minh, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã tiến hành giám sát thực tế tại địa phương và nhận thấy một số nội dung chưa thực hiện đúng theo yêu cầu trong Nghị quyết số 66/2013/QH13 của Quốc hội. Ủy ban đã có ý kiến cụ thể đối với kết quả thực hiện dự án, kết quả thực hiện nhiệm vụ Quốc hội giao Chính phủ, về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Dự án trong giai đoạn sau năm 2020 cũng như kiến nghị, đề xuất đưa nội dung về đường Hồ Chí Minh vào Nghị quyết của Quốc hội về Kỳ họp thứ 3; yêu cầu Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, triển khai đồng bộ các giải pháp hoàn thành Nghị quyết trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (2021-2025).


Phiên họp toàn thể lần thứ V của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường.

Về tình hình thực hiện nghị quyết của Quốc hội về dự án hồ chứa nước Kapet, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, đến nay, chủ đầu tư là UBND tỉnh Bình Thuận đã hoàn thành Hồ sơ trình Chính phủ thẩm định; Hội đồng Nhà nước đã có Báo cáo kết quả thẩm định và đang trong quá trình xem xét, cho ý kiến và phân công lập hồ sơ trình Quốc hội xem xét quyết định việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án. Tuy nhiên, việc thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án còn chậm. Do đó, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã có kiến nghị đối với Chính phủ, UBND tỉnh Bình Thuận về một số nội dung để sớm triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Dự án sau khi được Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Về tình hình thực hiện nghị quyết của Quốc hội về chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng tại tỉnh Nghệ An và tỉnh Thanh Hóa; dự án Hồ chứa nước Sông Than tại tỉnh Ninh Thuận, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã có báo cáo giám sát cụ thể cho từng Dự án, trong đó đã chỉ rõ những tồn tại, hạn chế đối với từng dự án và đưa ra các kiến nghị cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn và sớm đưa dự án vào sử dụng (đối với dự án Hồ chức nước bản Mồng có 3 kiến nghị gửi đến Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Nghệ An, UBND tỉnh Thanh Hóa, Dự án Hồ chứa nước Sông Than có 2 kiến nghị gửi Chính phủ, UBND tỉnh Ninh Thuận).

Đối với việc giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Thực hiện Kế hoạch số 80/KH-UBTVQH15 ngày 01/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về triển khai thực hiện Chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã cử đại diện tham gia các Đoàn giám sát của Quốc hội, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tổ chức triển khai các hoạt động theo đúng yêu cầu của lãnh đạo đoàn giám sát. Cụ thể như sau:

Đối với giám sát chuyên đề của Quốc hội việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành: Với vai trò Phó Trưởng đoàn giám sát, Đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban đã cùng đại diện Thường trực Ủy ban tham gia tích cực hoạt động của Đoàn giám sát; chỉ đạo việc tổng hợp báo cáo của các địa phương, một số bộ, ngành, phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức hội thảo lấy ý kiến chuyên gia, tổ chức rà soát, đánh giá một số quy hoạch đã được phê duyệt; tham gia góp ý, hoàn thiện dự thảo báo cáo kết quả của Đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Đối với giám sát chuyên đề của Quốc hội việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021: Đại diện Thường trực Ủy ban đã tham gia tích cực hoạt động của Đoàn giám sát và được Đoàn giám sát cử làm Tổ trưởng Tổ công tác trực tiếp làm việc với một số bộ, ngành, địa phương; xây dựng báo cáo kết quả giám sát của Tổ công tác, tham gia góp ý, hoàn thiện vào các dự thảo báo cáo của Đoàn giám sát.

Đối với chuyên đề của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016: Đại diện Thường trực Ủy ban đã tham gia tích cực hoạt động của Đoàn giám sát và được Đoàn giám sát cử làm Tổ trưởng Tổ công tác làm việc với Bộ Xây dựng; đã tham gia góp ý, hoàn thiện vào các dự thảo báo cáo của Đoàn giám sát.

Đối với giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021”: Nghiên cứu, xây dựng dự thảo kế hoạch, đề cương báo cáo giám sát; tổ chức họp với chuyên gia để chuẩn bị cho giám sát; đóng góp ý kiến với Văn phòng Quốc hội về dự thảo Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; phục vụ họp phiên thứ nhất của Đoàn giám sát; hoàn thiện kế hoạch chi tiết, đề cương báo cáo cáo giám sát, các tài liệu liên quan trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Phiên họp tháng 9; tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn thiện kế hoạch chi tiết, đề cương báo cáo cáo giám sát chuyên đề, các tài liệu liên quan gửi các cơ quan yêu cầu báo cáo; xây dựng Thông báo Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi các cơ quan liên quan; chuẩn bị tài liệu phục vụ Hội nghị triển khai hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2023; xây dựng kế hoạch phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo góp ý cho chuyên đề giám sát.

Đối với giám sát của Ủy ban

Ủy viên Thường trực Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, trong năm 2022, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã thực hiện hoạt động giám sát đối với các Ủy ban của Quốc hội.

Đối với giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu”: Ủy ban đã tiến hành giám sát tại địa phương; xây dựng và ban hành báo cáo kết quả giám sát trong năm 2022.

Đối với giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý nuôi, chế biến thủy sản và kiểm soát khai thác thủy sản bất hợp pháp, không theo quy định và không khai báo”: Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã tổ chức giám sát thực tế tại một số địa phương; tổ chức Hội thảo góp ý cho chuyên đề giám sát; tổng hợp báo cáo giám sát của bộ ngành, địa phương; xây dựng và ban hành báo cáo kết quả giám sát trong năm 2022.

Đối với giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”: Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã tiến hành khảo sát thực tế và làm việc với các Bộ, ngành, địa phương; xây dựng và ban hành báo cáo kết quả giám sát. Báo cáo giám sát đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân trong việc ban hành và thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời, có những đề xuất, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đối với giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về sử dụng ngân sách thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ tại Bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp khoa học và công nghệ”: Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường xây dựng và ban hành các văn bản liên quan đến chuyên đề giám sát, yêu cầu các cơ quan, đơn vị báo cáo; nghiên cứu tài liệu phục vụ giám sát; xây dựng và ban hành báo cáo kết quả giám sát trong năm 2022.

Đối với giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến chuyển đổi số quốc gia”: Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường điều chỉnh tiến độ giám sát chuyên đề này để kết hợp trong quá trình trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023).

Về giám sát văn bản quy phạm pháp luật, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chuẩn bị triển khai việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật đối với một số luật theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH15 ngày 22/7/2022 (giám sát văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện đối với văn bản ban hành từ ngày 01/01 đến hết ngày 31/12).

Về hoạt động giải trình, để phục vụ việc tổ chức phiên giải trình về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng đã tiến hành khảo sát thực tế tại một số địa phương; tổng hợp, nghiên cứu báo cáo các Bộ/nghành, địa phương, chuyên gia để phục vụ xây dựng báo cáo Phiên giải trình về chất thải rắn sinh hoạt. Báo cáo kết quả Phiên giải trình gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ được Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường ban hành trong năm 2022.

Về hoạt động chất vấn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã tham gia, phối hợp với các cơ quan hữu quan phục vụ hoạt động chất vấn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xây dựng 02 văn bản báo cáo gửi lãnh đạo Quốc hội (trong đó phục vụ phiên chất tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội: 01 báo cáo, phục vụ phiên chất vấn tại kỳ họp: 01 báo cáo); đồng thời chủ động tham gia vào xây dựng Nghị quyết chất vấn đối với những lĩnh vực thuộc Ủy ban như nội dung chất vấn tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (tháng 3/2022) về kiểm soát hoạt động xả thải của các nhà máy; xử lý chất thải công nghiệp; thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải liên quan đến phòng, chống COVID-19; ô nhiễm nước thải, rác thải sinh hoạt; ô nhiễm nước thải). Các đại biểu Quốc hội trong Ủy ban tích cực tham gia chất vấn các thành viên Chính phủ.

Đối với các hoạt động khác, thực hiện quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Quốc hội và một số quy định khác có liên quan, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã tích cực chủ động triển khai một số hoạt động giám sát khác như: Theo dõi, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về kiểm soát dịch bệnh trong chăn nuôi; xem xét việc thực hiện chính sách, pháp luật về việc nghiên cứu khoa học, phát triển văc-xin phòng COVID-19 ở trong nước, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin phòng COVID-19, thuốc chữa Covid-19, trong đó có thuốc cổ truyền; xem xét việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống thiên tai và công tác cứu hộ, cứu nạn trong phòng, chống thiên tai... Bên cạnh đó, Ủy ban cũng tổ chức và phục vụ và xây dựng báo cáo Đoàn công tác do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải làm Trưởng đoàn khảo sát thực tế, thăm và làm việc tại huyện đảo Cô Tô nhằm phục vụ công tác chỉ đạo liên quan đến Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ngoài ra, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường còn tham gia đoàn công tác của Uỷ ban Kinh tế khảo sát thực tế tại Ninh Thuận và xây dựng Báo cáo tham gia sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 31/2016/QH14 của Quốc hội về dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận. Tham gia nội dung phục vụ sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 31/2016/QH14, có văn bản gửi Ủy ban Kinh tế. Xây dựng kế hoạch giám sát và tổ chức Đoàn công tác đến làm việc với một số tập đoàn về việc thực hiện điểm b khoản 3 Điều 3 Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đối với  giải quyết các vướng mắc trong quy định về nội dung chi và quản lý Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp. Nghiên cứu, xây dựng kế hoạch khảo sát về đổi mới sáng tạo. Xây dựng và báo cáo điều hòa hoạt động giám sát của Ủy ban 6 tháng cuối năm 2022; báo cáo kết quả thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022. Khảo sát về dự án đường Trường Sơn Đông theo yêu cầu của lãnh đạo Quốc hội: Phối hợp với Ủy ban Quốc phòng, An ninh khảo sát và xây dựng báo cáo về dự án đường Trường Sơn Đông.

Theo Ủy viên Thường trực Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn, trong năm 2022, mặc dù ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhưng với sự đoàn kết, quyết tâm của Thường trực Ủy ban, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã khắc phục khó khăn, kịp thời triển khai công việc. Do vậy, về cơ bản, các hoạt động giám sát của Ủy ban được triển khai bảo đảm tiến độ, tuân thủ quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Quy chế tổ chức thực hiện một số hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội, bảo đảm sự điều hòa của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Việc xây dựng Chương trình giám sát của Ủy ban năm 2022 đã giúp cho Ủy ban hoàn toàn chủ động trong tổ chức thực hiện chương trình giám sát, khảo sát cụ thể của Ủy ban. Các nội dung giám sát, khảo sát tập trung vào những lĩnh vực thuộc thẩm quyền của Ủy ban, có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn; chú trọng giám sát văn bản quy phạm pháp luật, giám sát việc thực hiện các kiến nghị giám sát. Các hoạt động giám sát, khảo sát của Ủy ban đã được tổ chức thực hiện tốt, đúng nguyên tắc, bảo đảm hiệu quả; các đoàn giám sát được tổ chức đúng thành phần, tiết kiệm, không hình thức, phù hợp với bối cảnh dịch COVID-19. Các báo cáo giám sát có chiều sâu, huy động được sự tham gia tích cực, phát huy vai trò của các chuyên gia bên ngoài cơ quan, các thành viên Ủy ban dưới nhiều hình thức khác nhau, góp phần nâng cao chất lượng báo cáo giám sát, báo cáo thẩm tra và tham gia thẩm tra của Ủy ban./.

Bích Lan