PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI: LÀM RÕ VẤN ĐỀ VỀ TÀI CHÍNH, HIỆU QUẢ ĐẦU TƯ CHO KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
Chiều ngày 22/11, tại Hà Nội, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tại Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo Đối thoại quốc gia về “Chuyển dịch năng lượng bền vững - Quản trị, Tài chính và Công nghệ”. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tham dự và phát biểu chỉ đạo Hội thảo.
Toàn cảnh Hội thảo “Chuyển dịch năng lượng bền vững - Quản trị, Tài chính và Công nghệ".
Tham dự Hội thảo còn có Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy và các lãnh đạo, thành viên của Ủy ban cùng đại diện lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính...
Về phía các tổ chức quốc tế có Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam Guido Hildner; Ông Simon Rolland - Giám đốc vùng chương trình CASE cùng một số đại biểu khác.
Việt Nam đã đưa ra cam kết chính trị mạnh mẽ, thể hiện quyết tâm ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải
Thay mặt Lãnh đạo Quốc hội Việt Nam, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải hoan nghênh sáng kiến tổ chức Hội thảo và kỳ vọng các bạn Đức sẽ chia sẻ nhiều kinh nghiệm về quá trình thực hiện chuyển dịch năng lượng ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là vai trò của Quốc hội Đức. Hội thảo là diễn đàn mở để các Bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong và ngoài nước trao đổi về kế hoạch, định hướng, thách thức trong quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện các cam kết về phát thải ròng.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kỳ vọng Hội thảo sẽ có nhiều thông tin, cơ sở khoa học và thực tiễn phục vụ Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021.
Những năm gần đây, Việt Nam nổi lên là một nền kinh tế năng động với tốc độ tăng trưởng cao. Nhu cầu sử dụng năng lượng, đặc biệt là điện năng ngày càng lớn. Để đạt được các mục tiêu về phát triển kinh tế xanh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng.
Đặc biệt, ngày 11/02/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55 về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó nêu rõ quan điểm “Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia là nền tảng, đồng thời là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững, đi trước một bước, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu khai mạc Hội thảo.
Để thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương đã và đang tập trung xây dựng và triển khai các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ có liên quan. Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 26), Việt Nam đã đưa ra cam kết chính trị mạnh mẽ, thể hiện quyết tâm ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải, chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, tuần hoàn; đồng thời, thể hiện sự tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam trong những nỗ lực chung của Cộng đồng quốc tế để giữ gìn, bảo vệ môi trường sống, bảo vệ Trái Đất. Quốc hội Việt Nam có vai trò hết sức quan trọng trong quá trình triển khai Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam và thúc đẩy lộ trình chuyển dịch năng lượng quốc gia thông qua chức năng lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Về lập pháp: Năm 2020, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); năm 2022, Quốc hội đã thông qua Luật Dầu khí (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số luật, trong đó sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực; đồng thời yêu cầu nghiên cứu, đánh giá tình hình, rà soát hệ thống pháp luật phục vụ cho việc sửa đổi toàn diện Luật Điện lực, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Năng lượng nguyên tử, Luật Khoáng sản.
Về giám sát: Năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021”. Cuộc giám sát này sẽ hoàn thành trong năm 2023, với mục đích: (1) Đánh giá khách quan, trung thực, đầy đủ và toàn diện việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021; (2) Phát hiện những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân; làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu; (3) Kịp thời xử lý hoặc đề xuất phương án xử lý ngay những khó khăn, vướng mắc, bất cập. Kiến nghị, đề xuất giải pháp hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật và nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng; (4) Rút ra các bài học kinh nghiệm về xây dựng, hoàn thiện và thực hiện chính sách, pháp luật cho phát triển năng lượng trong giai đoạn tiếp theo.
Các đại biểu tham dự Hội thảo.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội cũng đã yêu cầu Chính phủ đôn đốc hoàn thiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch liên quan đến phát triển năng lượng như: Chiến lược Phát triển năng lượng quốc gia; Chiến lược Phát triển ngành công nghiệp than Việt Nam; Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia; Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia; Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia; Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung cứng xăng dầu, khí đốt quốc gia; Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản.
Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 63, trong đó yêu cầu Chính phủ “Triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đột phá nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng, chống thiên tai và chuyển dịch năng lượng nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26); huy động các nguồn vốn đầu tư phát triển nền kinh tế các-bon thấp để hướng tới phát triển bền vững”.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 888 phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu; Quyết định số 896 phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050. Việt Nam sẽ nỗ lực đạt kết quả cao nhất mục tiêu về phát thải ròng để bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất; đồng thời nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Tại các kỳ họp của Quốc hội, mặc dù tập trung vào các giải pháp phòng, chống đại dịch Covid- 19 và Kế hoạch hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhưng vẫn dành thời gian quan tâm đến các chỉ tiêu, giải pháp về chuyển đổi năng lượng quốc gia; các đại biểu đã phản ánh ý kiến của cử tri, thực hiện chất vấn liên quan đến chuyển đổi năng lượng. Các cơ quan của Quốc hội như Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Ủy ban Kinh tế đã tổ chức giám sát một số ngành, địa phương về các dự án, chương trình có liên quan. Quốc hội Việt Nam tích cực tham gia các nội dung có liên quan tại các diễn đàn đa phương và song phương, hợp tác với các tổ chức quốc tế tại Việt Nam trên nhiều nội dung từ hợp tác trợ giúp kỹ thuật đến các chương trình sử dụng vốn tài trợ, vốn vay ODA và hỗ trợ các doanh nghiệp, khuyến khích thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh: Khi Hội nghị COP27 diễn ra trong bối cảnh thế giới liên tục xuất hiện các đợt lũ lụt, nắng nóng bất thường, khủng hoảng về năng lượng, lương thực, nước, lạm phát do các bất ổn chính trị toàn cầu… Tại Hội nghị, những bất đồng liên quan tài chính khí hậu về bồi thường “tổn thất và thiệt hại” là vấn đề nổi cộm nhất trong những giờ đàm phán cuối cùng của COP27. Trong phiên bế mạc, Hội nghị COP27 đã thống nhất hướng tới thành lập quỹ hỗ trợ tổn thất và thiệt hại.
Tại Hội nghị, do tình hình phức tạp, đã có một số quốc gia trì hoãn hoặc giảm tham vọng đối với các chính sách về khí hậu và thậm chí chuyển hướng quay về sử dụng năng lượng hóa thạch, nhưng Việt Nam đã và đang tiếp tục khẳng định luôn theo đuổi mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu theo nguyên tắc công lý, công bằng, với cách tiếp cận toàn cầu và toàn dân; dựa trên thể chế đồng bộ, chính sách, pháp luật hiệu lực và hiệu quả, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy nội lực và hợp tác quốc tế; coi đây là cơ hội để thúc đẩy mô hình phát triển theo hướng xanh, tuần hoàn, các-bon thấp và bền vững.
Bên cạnh nỗ lực tự thân và nguồn lực trong nước, Việt Nam luôn mong muốn nhận được sự hợp tác, hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế, các đối tác quốc tế, đặc biệt là Cộng hòa Liên bang Đức, một quốc gia có nhiều hành động quyết liệt và giàu kinh nghiệm về chuyển dịch năng lượng.
Quốc hội Việt Nam mong muốn các đối tác của Đức và Việt Nam, cũng như các nước Đông Nam Á tiếp tục tăng cường hợp tác trong giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu; các nước phát triển tiếp tục thúc đẩy thực hiện các cơ chế hỗ trợ tài chính, công nghệ, tri thức, kỹ năng quản trị cho các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Quốc hội Việt Nam luôn mong muốn được chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm trong xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về giảm phát thải khí nhà kính, phát triển năng lượng tái tạo, thực hiện mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn và phát triển bền vữngphù hợp với thực tiễn Việt Nam.
Tại hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải biểu dương và hoan nghênh sự tham gia đông đảo của các vị đại biểu Quốc hội, các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong và ngoài nước. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải mong các đại biểu sẽ tranh thủ tối đa cơ hội này để cùng nhau chia sẻ, trao đổi thẳng thắn những vấn đề các bên cùng quan tâm, bảo đảm thực hiện được mục tiêu đề ra của hội thảo, phục vụ thiết thực cho việc xây dựng pháp luật, triển khai giám sát trong phát triển năng lượng tại Việt Nam.
Tự hào với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của năng lượng tái tạo ở Việt Nam
Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau cập nhật những kết quả hội nghị COP 27; trao đổi, thảo luận và chia sẻ về kinh nghiệm của Cộng hòa Liên bang Đức, Indonesia và các nước khác trong khu vực về Lộ trình chuyển dịch năng lượng hướng tới Net-zero, vai trò của khoa học, công nghệ, tài chính trong việc thúc đẩy chuyển dịch năng lượng… Qua đó, có những khuyến nghị đối với quá trình chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam.
TS. Guido Hildner - Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam bày tỏ ấn tượng và tự hào với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của năng lượng tái tạo ở Việt Nam.
TS.Guido Hildner- Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam khẳng định: Chuyển dịch năng lượng công bằng hiện đang là một thách thức toàn cầu. Cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đang diễn ra với giá năng lượng tăng phi mã một lần nữa đặt ra sự cấp thiết phải đầu tư vào một cơ cấu năng lượng đa dạng, đặc biệt với các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) sạch, chi phí hợp lý và an toàn. Với tư cách là Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam, Đại sứ Guido Hildner thấy rất ấn tượng và tự hào với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của NLTT ở Việt Nam, với hơn 20 GW công suất NLTT trong vòng 3 năm trở lại đây. Đây là một thành quả được thế giới đánh giá cao và đã tạo nền tảng cho việc thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 như Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã cam kết năm ngoái. Điều quan trọng lúc này là duy trì đà tăng trưởng và phát huy thành quả đã đạt được một cách mau lẹ và có chiến lược phù hợp.
Để chuyển dịch thành công sang năng lượng sạch, theo Đại sứ Guido Hildner, chúng ta cần đảm bảo sự công bằng, toàn diện và bền vững trong mọi khía cạnh. Yêu cầu này có thể đặt ra những thách thức cho Việt Nam và đồng thời cũng sẽ mở ra rất nhiều cơ hội. Đại sứ Guido Hildner đảm bảo rằng Việt Nam không đi một mình trên hành trình này.
Tại Đức, chuyển dịch công bằng hay chuyển dịch năng lượng công bằng đã trở thành chủ đề thu hút mối quan tâm lớn từ cuối những năm 2000. Chuyển dịch năng lượng công bằng yêu cầu phải giảm thiểu biến đổi khí hậu mà không tạo gánh nặng không cân xứng với các thành phần bị ảnh hưởng trong xã hội, không chỉ khi nói tới sản xuất nhiên liệu hóa thạch. Bài học kinh nghiệm từ Đức cho thấy rằng để chuyển dịch thành công, cần có sự cam kết lâu dài từ cộng đồng nhằm thực hiện bền vững việc thay đổi cấu trúc của tất cả các ngành liên quan, từ năng lượng đến giao thông vận tải, từ môi trường đến tài chính.
Đại sứ Guido Hildner tin rằng, chuyển dịch năng lượng công bằng phải là sự chung tay góp sức của cộng đồng quốc tế. Năm 2021, Đức đã đóng góp khoảng 8,1 tỷ Euro cho các cơ chế tài chính khí hậu quốc tế khác nhau, bao gồm cả hỗ trợ tài chính và kỹ thuật. Chính phủ Đức rất vinh hạnh khi hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực phát triển bền vững nói chung và chuyển dịch năng lượng nói riêng, trong đó có thể kể đến các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật của Chính phủ Đức thông qua GIZ như hỗ trợ thiết kế các biểu giá điện hỗ trợ (FIT), nhờ đó thúc đẩy phát triển thị trường điện mặt trời và điện gió ở Việt Nam. Hoạt động hợp tác phát triển của Chính phủ Đức tại Việt Nam không chỉ trong lĩnh vực năng lượng mà còn ở cả nhiều lĩnh vực khác như chính sách kinh tế vĩ mô, đào tạo nghề, phát triển thị trường lao động cũng như chính sách khí hậu.
Theo Đại sứ Guido Hildner, chuyển dịch năng lượng công bằng sẽ chỉ thành công khi có sự chung tay, hợp tác tích cực của các tổ chức, cơ quan Nhà nước để thực hiện những thay đổi cần thiết trong tất cả các lĩnh vực liên quan của nền kinh tế. Trên tinh thần đó, với vai trò là đối tác tin cậy và lâu dài, Đức luôn đồng hành và sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu tham vọng về năng lượng và khí hậu của quốc gia.
Với vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, những định hướng và hỗ trợ của Quốc hội đối với lộ trình Chuyển dịch năng lượng công bằng của quốc gia là vô cùng quan trọng. Trong tương lai, Đại sứ quán Đức rất vui được tiếp tục hỗ trợ đối thoại và chia sẻ kinh nghiệm giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Đức.
Phát biểu tại hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nhấn mạnh: Biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu, là thách thức lớn đối với nhân loại và diễn biến ngày càng phức tạp. Ứng phó với biến đổi khí hậu đã và đang là một trong những nhiệm vụ cấp bách đối với hầu hết các quốc gia, cộng đồng quốc tế.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy.
Mặc dù thế giới đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề nhưng tầm quan trọng của biến đổi khí hậu tiếp tục được nhấn mạnh tại Hội nghị về biến đổi khí hậu
của Liên Hợp Quốc năm 2022 (COP27) mới đây. Với sự hiện diện của nhiều nguyên thủ và lãnh đạo quốc gia, hơn 33.000 đại biểu đến từ 195 quốc gia thành viên tham gia Công ước, hàng nghìn cơ quan, tổ chức, báo chí, truyền thông cho thây tầm quan trọng, câp bách và sự quan tâm của các quốc gia, các tổ chức quốc tế về vấn đề này.
Chuyển dịch năng lượng bền vững nhằm giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất; đồng thời bảo đảm an ninh năng lượng và giảm thiểu tác động đến phát triển kinh tế - xã hội - môi trường là một xu hướng tât yếu ở quy mô toàn cầu mà Việt Nam đã kịp thời nắm bắt và thúc đẩy mạnh mẽ. Đây là quá trình đòi hỏi nỗ lực rất lớn của Việt Nam cùng với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để giải quyết những vấn đề khó khăn, bất cập cả ở góc độ chính sách, quản trị, tài chính, công nghệ; đồng thời đòi hỏi phải có được một kế hoạch, lộ trình chuyển đổi phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) phù hợp, khả thi.
Quốc hội Việt Nam cùng với các cơ quan khác trong hệ thống chính trị luôn quan tâm, hết sức tích cực trong hoạt động xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật và giám sát nhằm thực hiện các cam kết quốc tế, chiến lược, kế hoạch quốc gia về ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường là cơ quan của Quốc hội được phân công phụ trách và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong việc chủ trì, phối hợp thẩm tra, giám sát, kiến nghị thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển năng lượng bền vững nói chung. Ủy ban có trách nhiệm trực tiếp giúp Ủy ban Thường vu Quốc hội và Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc thực hiện giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021”.
Trong quá trình thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đánh giá cao sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các quốc gia trong khu vực và trên thế giới trong việc chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ tham vấn chuyên gia nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế, phát huy tiềm năng và huy động nguồn lực phát triển năng lượng bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu. Ủy ban quan tâm các giải pháp chính sách tổng thể, trong đó bao gồm những vấn đề quản trị, tài chính và công nghệ để chuyển dịch năng lượng của Việt Nam thành công theo hướng công lý, công bằng, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nhấn mạnh: Hội thảo đã khẳng định quyết tâm, trách nhiệm của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về cam kết giảm phát thải khí nhà kính; Định hướng và kế hoạch đạt mục tiêu Net-zero năm 2050. Bên cạnh sự nỗ lực của bản thân mình, Việt Nam cũng cần ở cộng đồng quốc tế trong việc chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ về tài chính để giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu đề ra.
Tại Hội thảo, đại diện các cơ quan, đơn vị, chuyên gia cũng đã đưa ra các khuyến nghị, giải pháp khắc phục hạn chế, vướng mắc trong chính sách, pháp luật của Việt Nam và việc tổ chức thực thi liên quan đến quản trị, tài chính và công nghệ, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực chất lượng cao…
Những ý kiến phát biểu, thảo luận, chia sẻ của các cơ quan, đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý tại Hội thảo sẽ là nguồn thông tin, tư liệu quý giá đối với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội Việt Nam và Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phát triển năng lượng, đối với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, các đại biểu Quốc hội và các cơ quan hữu quan trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo luật định.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy hy vọng rằng, Hội thảo này không chỉ là cơ hội trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về chủ đề đã đặt ra mà còn góp phân kết nối để tạo lập thêm nhiêu cơ hội, diễn đàn chính sách khác trong thời gian tới nhằm thúc đẩy sự hợp tác về chuyển dịch năng lượng bền vững ở Việt Nam./.
Một số hình ảnh tại Hội thảo:
Toàn cảnh Hội thảo “Chuyển dịch năng lượng bền vững - Quản trị, Tài chính và Công nghệ".
Các đại biểu tham dự Hội thảo.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu khai mạc Hội thảo.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu tại Hội thảo.
Ông Simon Rolland - Giám đốc vùng chương trình CASE đề cập tổng quan kết quả Hội nghị COP 27.
Ông Phạm Hoàng Lương - Chuyên gia năng lượng cao cấp điều hành thảo luận Phiên 2 của Hội thảo.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi phát biểu ý kiến tại Hội thảo.
Ông Phạm Văn Tấn- Phó Cục trưởng Cục Biến đổi Khí hậu, Bộ Tài Nguyên và Môi trường đề cập về định hướng chiến lược và kế hoạch hành động của Việt Nam đạt mục tiêu Net-zero năm 2050.
Ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo, Bộ Công thương đề cập về định hướng chiến lược phát triển ngành điện đạt mục tiêu Net-zero năm 2050.
Ông Nguyễn Như Quỳnh- Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính thảo luận về Chính sách tài chính xanh hỗ trợ đạt mục tiêu Net-zero năm 2050.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy kết luận tại Hội thảo.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cùng lãnh đạo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu.