PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG: ĐẢNG ĐOÀN QUỐC HỘI QUYẾT TÂM, ĐỒNG HÀNH ĐỂ CÙNG THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ PHÁT TRIỂN VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG

29/11/2022

Sáng 29/11, tại Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thay mặt Đảng đoàn Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương trình bày Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị.

TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG CHỦ TRÌ HỘI NGHỊ TOÀN QUỐC QUÁN TRIỆT NGHỊ QUYẾT SỐ 30-NQ/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN VÙNG ĐỒNG BĂNG SÔNG HỒNG

TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG: ĐỔI MỚI MẠNH MẼ, PHÁT HUY HẾT TIỀM NĂNG VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG ĐỂ LUÔN XỨNG ĐÁNG LÀ TRUNG TÂM CHÍNH TRỊ ĐẦU NÃO QUỐC GIA

Toàn cảnh hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, Đảng và Nhà nước ta xác định Vùng đồng bằng sông Hồng là địa bàn chiến lược, đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước, là nơi kết tinh hội tụ của tinh hoa văn hóa, có lịch sử nghìn năm gắn liền với quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. Vì vậy phát triển nhanh, bền vững phải trên cơ sở bám sát đường lối chủ trương của Đảng để khai thác tối đa, tiềm năng lợi thế vượt trội của Vùng và phát huy vai trò là vùng động lực phát triển hàng đầu để định hướng dẫn dắt quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của cả nước. Đây không chỉ là trách nhiệm của Trung ương mà của các cấp các ngành nhất là các địa phương trong Vùng và cả hệ thống chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, để triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chương trình hành động cả Đảng đoàn Quốc hội xác định 3 nhóm nội dung lớn. Một là xác định 5 mục đích, yêu cầu. Hai là đề ra 3 nhóm giải pháp. Ba là công tác tổ chức thực hiện.

Theo đó, về mục đích, yêu cầu, Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội đề ra: tập trung nâng cao nhận thức và tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện từ Đảng đoàn Quốc hội đến các Đoàn đại biểu Quốc hội. Cụ thể hóa mục tiêu, giải pháp tại Nghị quyết 30-NQ/TW của Bộ Chính trị bằng những nhóm nhiệm vụ giải pháp thiết thực. Đây là căn cứ để các cơ quan của Quốc hội thực hiện các chức năng, nhiệm vụ. Công tác tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết phải được tiến hành nghiêm túc, hiệu quả và chất lượng và hành động quyết liệt. Bám sát Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, nhất là quan điểm về phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu tại hội nghị 

Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội yêu cầu từng cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của mình nắm rõ mục tiêu, quan điểm để tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết. Đồng thời, Đảng đoàn Quốc hội cũng đã đề ra một số nhiệm vụ giải pháp trọng tâm cần tập trung triển khai, Phó Chủ tịch Quốc họi Trần Quang Phương chỉ rõ.

Một là, lãnh đạo, chỉ đạo nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật để khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng đồng bằng sông Hồng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương chỉ rõ, ở nhóm nhiệm vụ này, Đảng đoàn Quốc hội đã cụ thể bằng 14 giải pháp: Tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật để thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng về đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế của Vùng đồng bằng sông Hồng theo hướng bền vững, cơ cấu hợp lý, hiện đại; nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích việc hình thành, phát triển, nâng cao hiệu quả các trung tâm đổi mới sáng tạo, xã hội số, kinh tế số và các mô hình kinh tế mới. Hoàn thiện cơ chế chính sách để phát triển Vùng mang tính đột phá, thể chế điều phối Vùng đủ mạnh với quyết tâm chính trị cao, tập trung các lĩnh vực như quy hoạch, phát triển hạ tầng, xúc tiến đầu tư, xử lý các vấn đề môi trường liên tỉnh và cụm liên kết ngành.

Tập trung sửa đổi Luật Thủ đô; nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách về đầu tư để khuyến khích nuôi dưỡng nguồn thu, tạo động lực mới cho phát triển và cho phép các địa phương sử dụng ngân sách địa phương đầu tư cho các dự án vùng và liên vùng; xem xét thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia.

Đảng đoàn Quốc hội phối hợp với Ban Cán sự Đảng Chính phủ xem xét bố trí cân đối vốn cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm có tính chất liên kết vùng bằng nguồn lực đầu tư công và hợp tác công tư.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Nhà Quốc hội 

Nghiên cứu xây dựng cơ chế phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong Vùng trong đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng do Trung ương quản lý trên địa bàn tỉnh/thành phố, đặc biệt là các công trình hạ tầng giao thông để phát huy tính chủ động của các địa phương.

Nghiên cứu thế chế hóa Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII về công nghiệp hóa, hiện đại hóa phù hợp với đặc thù của Vùng đồng bằng sông Hồng, theo hướng đô thị hóa phải bảo đảm đồng bộ với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo đảm đồng bộ cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, nền tảng xã hội, dịch vụ y tế, giáo dục, việc quy hoạch đô thị.

Thực hiện một số mô hình thí điểm cơ chế, chính sách vượt trội, cạnh tranh quốc tế cao nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của Vùng tam giác động lực tăng trưởng Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh và nghiên cứu thí điểm khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại Hải Phòng.

Xem xét cơ chế, chính sách đủ mạnh để hình thành, phát triển một số ngành công nghiệp mới như sản xuất chíp bán dẫn, sản xuất robot, công nghiệp môi trường, công nghệ năng lượng tái tạo và vật liệu mới.

Ban hành cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại, mang tầm quốc tế hàng đầu Đông Nam Á. Quảng Ninh trở thành vùng trung tâm du lịch kết nối với khu vực và thế giới. Chú trọng phát triển kinh tế biển khu vực Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình.

Các đại biểu tham dự hội nghị 

Cùng với đó, có chính sách thu hút đủ mạnh để phát triển nhà ở xã hội và các thiết chế văn hóa; nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, tuyến Hà Nội – Hải Phòng, tuyến vành đai phía Đông Hà Nội. Hoàn thiện cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa, kinh tế thể thao. Nghiên cứu thể chế quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội của Vùng gắn với củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng cơ chế, chính sách thí điểm triển khai Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Nam – Trung Quốc ở Quảng Ninh, hợp tác quốc tế với Trung Quốc thông qua liên kết 02 hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng và Nam Ninh – Lạng Sơn – Hải Phòng – Hà Nội. Nghiên cứu thể chế quan điểm của Đảng về bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ dám làm.

Hai là, tổ chức giám sát, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện pháp luật về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh Vùng đồng bằng sông Hồng. Theo đó, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát, kiểm tra. Giám sát 02 Nghị quyết của Quốc hội là Nghị quyết 115/2020/QH14 về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đặc thù đối với Thành phố Hà Nội và Nghị quyết 35/2021/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thành phố Hải Phòng. Thực hiện giám sát các dự án quan trọng quốc gia trong Vùng như Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội; giám sát việc thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Ba là, lãnh đạo, chỉ đạo việc thẩm tra việc quyết định các vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Với tinh thần vào cuộc từ sớm, từ xa, đồng hành với Chính phủ để các vấn đề quan trọng của đất nước được thông qua cấp có thẩm quyền và khi Quốc hội quyết định tháo gỡ được khó khăn, bất cập, sớm đi vào cuộc sống, phù hợp với đặc thù của Vùng đồng bằng sông Hồng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, căn cứ Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chương trình hành động, kế hoạch, Đảng đoàn Quốc hội sẽ thực hiện hiệu quả, quyết liệt để cùng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, địa phương đẩy mạnh việc xây dựng phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng xứng tầm với vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của Vùng./.

Bảo Yến

Các bài viết khác