DỰ ÁN LUẬT KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH (SỬA ĐỔI): XEM XÉT KỸ LƯỠNG, CÂN NHẮC THẬN TRỌNG, TOÀN DIỆN

30/11/2022

Thảo luận về Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 4, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cần xem xét kỹ lưỡng, cân nhắc thận trọng, toàn diện một số nội dung còn ý kiến khác nhau. Do đó, Quốc hội đã quyết định chưa thông qua Luật này tại kỳ họp thứ 4 để có thêm thời gian chuẩn bị nội dung mới được đề nghị bổ sung một cách kỹ lưỡng hơn.

QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ LUẬT KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH (SỬA ĐỔI)

Toàn cảnh phiên họp

Đại biểu đề nghị xem xét thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại Kỳ họp kế tiếp

Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được đánh giá là Luật có ý nghĩa quan trọng, tác động lớn đến người dân, định hướng công tác quản lý, sự phát triển trước mắt và lâu dài của ngành y tế. Quốc hội đã thảo luận kỹ lưỡng các nội dung liên quan đến: quy định đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; quy định đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; quy định chuyên môn kỹ thuật; cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh; xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; quy định bảo đảm an ninh trật tự cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; quy định bảo đảm an ninh trật tự cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và an toàn cho người hành nghề và người khác làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh…

Sau khi xem xét kỹ lưỡng, cân nhắc thận trọng, toàn diện, Quốc hội đã quyết định chưa thông qua Luật này tại kỳ họp thứ 4 để có thêm thời gian chuẩn bị nội dung mới được đề nghị bổ sung một cách kỹ lưỡng hơn, tiếp tục tiếp thu, chỉnh lý, lấy ý kiến chuyên gia và đối tượng chịu sự tác động, hoàn thiện dự thảo Luật.

Đại biểu Tạ Văn Hạ phát biểu

Thảo luận tại Hội trường, đại biểu Tạ Văn Hạ và một số đại biểu cho rằng, mục tiêu xuyên suốt của Nghị quyết 20 Trung ương 6 khóa XII là xây dựng một hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế và có một nền y học khoa học dân tộc và hiện đại. Sau khi nghiên cứu nội dung, để đảm bảo được mục tiêu này thì còn rất nhiều những quy định còn chưa rõ, ví dụ như hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh tư mới nằm rải rác ở một số các điều, khoản, chưa có quy định nào cụ thể, hay ví dụ như vấn đề tự chủ của các cơ sở khám, chữa bệnh công lập cũng chưa thấy, vấn đề xã hội hóa, vấn đề giá dịch vụ cũng chưa rõ, vấn đề phân cấp chuyên môn, giấy phép hành nghề, vấn đề là khám, chữa bệnh từ xa, vấn đề dinh dưỡng trong khám, chữa bệnh v.v.. tất cả đều có những nội dung mới hoàn toàn và có những nội dung cũ, hiện nay chúng ta vẫn đang triển khai thực hiện nhưng chưa thấy quy định rõ và cụ thể trong luật.

Trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chính phủ đề nghị cho phép bổ sung một mục về thử nghiệm lâm sàng (mục 2, Chương VIII) và đại biểu đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong việc mua bảo hiểm trách nhiệm trong khám bệnh, chữa bệnh cho người hành nghề của cơ sở và cho chính cơ sở tại doanh nghiệp bảo hiểm.

Báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Xã hội nêu rõ, việc quy định các nội dung nêu trên là cần thiết nhằm bảo đảm những quy định liên quan đến quyền con người được quy định bằng luật và nhằm bảo vệ người hành nghề cũng như cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trước những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu và thể hiện các nội dung này tại mục 2 Chương VIII và các Điều 58, 102 của dự thảo Luật.

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng tham gia ý kiến

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng – Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định cho rằng còn có một số vấn đề của Dự án Luật cần tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng như vấn đề mua bảo hiểm trách nhiệm đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; xác định người hành nghề có sai sót hoặc không có sai sót chuyên môn kỹ thuật…. Đồng thời, đại biểu đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, báo cáo Quốc hội nội dung quy định về vấn đề tự chủ tài chính của cơ sở khám chữa bệnh trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) lần này để kịp thời giải quyết những vướng mắc, khó khăn mà thực tiễn đã đặt ra. Vì vậy, để có thời gian cho việc này, đại biểu đề nghị xem xét thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại Kỳ họp kế tiếp.

Chưa quy định việc chi trả cho sản phẩm dinh dưỡng điều trị cho trẻ em dưới 6 tuổi trong lần sửa đổi này

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Nàng Xô Vi – Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum quan tâm đến vấn đề suy dinh dưỡng cấp tính nặng ở trẻ em. Đại biểu phân tích, suy dinh dưỡng cấp tính nặng là một bệnh được liệt kê trong danh mục phân loại bệnh tật quốc tế của Tổ chức Y tế thế giới. Trẻ bị suy dinh dưỡng nặng cấp tính có nguy cơ tử vong cao gấp 20 lần so với trẻ bình thường đủ dinh dưỡng. Đây là nguyên nhân tử vong chính ở trẻ em dưới 5 tuổi một cách trực tiếp hoặc gián tiếp ở những trẻ bị mắc các bệnh phổ biến như: Tiêu chảy hoặc viêm phổi. Trẻ bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng ngoài nguy cơ tử vong còn bị ảnh hưởng đến phát triển não bộ và khả năng học tập sau này. Suy dinh dưỡng cấp tính nặng chỉ có thể được điều trị hiệu quả bằng cách sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt được kê theo hướng dẫn của y tế. Suy dinh dưỡng nặng cấp tính có tỷ lệ cao ở các địa bàn miền núi, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đa số trẻ em bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng là con của các hộ gia đình nghèo, cận nghèo, sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, không có khả năng chi trả cho việc điều trị.

Đại biểu Nàng Xô Vi tham gia thảo luận

Trong giai đoạn 2010-2020 tỉnh Kon Tum được hỗ trợ của tổ chức UNICEF đã triển khai hiệu quả mô hình quản lý và điều trị suy dinh dưỡng cấp tính nặng dựa vào cộng đồng. Tuy nhiên, hiện nay nguồn hỗ trợ từ các dự án này đã kết thúc nên việc điều trị cho trẻ em suy dinh dưỡng ở tỉnh Kon Tum nói riêng và những trẻ em suy dinh dưỡng trong cả nước nói chung còn gặp nhiều khó khăn. Từ thực trạng trên đại biểu cho rằng cần có một khung pháp lý cụ thể quy định việc điều trị suy dinh dưỡng cấp tính nặng, do đó đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét có quy định cụ thể trong văn bản luật về việc điều trị suy dinh dưỡng cấp tính nặng đối với trẻ em.

Cùng mối quan tâm về dinh dưỡng trong điều trị, đại biểu Trần Khánh Thu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình đề nghị bổ sung thêm điểm về khám sàng lọc, đánh giá tình trạng dinh dưỡng, phân loại mức độ suy dinh dưỡng, tư vấn, chỉ định chế độ dinh dưỡng, điều trị phù hợp với bệnh lý, tình trạng dinh dưỡng, tiêu hóa và hấp thu, theo dõi tình trạng dinh dưỡng của người bệnh nội trú trong quá trình điều trị.

Đại biểu phân tích, một quy trình khám, chữa bệnh lâm sàng đầy đủ là khám, sàng lọc, đánh giá, chẩn đoán, chỉ định điều trị, can thiệp điều trị, theo dõi, tiên lượng. Một người bệnh đến khám, chữa bệnh cần được thực hiện đầy đủ các bước này. Hơn nữa, có những trường hợp người bệnh như những bệnh nhân nằm ở ICU, bệnh nhân đa chấn thương hay trường hợp bệnh nhân COVID-19 nặng trong thời gian vừa qua không thể tự ăn uống được, không thể chỉ định việc thực hiện tư vấn dinh dưỡng, vì bệnh nhân đang hôn mê hay thở máy không thể nghe tư vấn được mà cần phải có chỉ định chế độ dinh dưỡng điều trị, như nuôi dưỡng ống thông hay nuôi dưỡng qua tiêm, truyền tĩnh mạch. Điều này cũng phù hợp với quy định tại Điều 60 của dự thảo luật là người hành nghề được giao nhiệm vụ khám bệnh, chẩn đoán bệnh, chỉ định phương pháp điều trị.

Đại biểu Trần Khánh Thu phát biểu ý kiến

Đối với vấn đề về dinh dưỡng trong khám bệnh, chữa bệnh, báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Xã hội khẳng định, Nhà nước luôn quan tâm đến công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, đặc biệt là các chính sách liên quan đến chăm sóc sức khỏe, theo đó, Luật Bảo hiểm y tế quy định ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi, trẻ em dưới 6 tuổi khi đi khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế được quỹ bảo hiểm y tế chi trả 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh; dự thảo Luật Khám bệnh. chữa bệnh cũng quy định, ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước cho công tác khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em. Tuy nhiên, do “sản phẩm dinh dưỡng” hiện vẫn chưa xác định rõ cơ chế quản lý của sản phẩm dinh dưỡng điều trị (như thuốc hay thực phẩm chức năng), chưa đánh giá tác động chặt chẽ, nhiều chiều đến công tác quản lý nhà nước và khả năng đáp ứng của quỹ bảo hiểm y tế cũng như tham khảo kinh nghiệm quốc tế.

Căn cứ ý kiến của các cơ quan chuyên môn, để đảm bảo thận trọng, tính thống nhất của hệ thống pháp luật và cân đối trong dự thảo Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép Quốc hội được tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội theo hướng quy định một cách khái quát về dinh dưỡng trong khám bệnh, chữa bệnh như thể hiện tại Điều 65 của dự thảo Luật và chưa quy định việc chi trả cho sản phẩm dinh dưỡng điều trị cho trẻ em dưới 6 tuổi trong lần sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh này. Trước mắt, đề nghị Chính phủ quan tâm bố trí nguồn lực để điều trị cho trẻ em bị suy dinh dưỡng nặng cấp tính thông qua các dự án về dinh dưỡng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030.

Ngoài ra, Ủy ban Xã hội cũng cho biết, nội dung về cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh vẫn còn hai loại ý kiến khác nhau: Loại ý kiến thứ nhất nhất trí với quy định của dự thảo Luật, song cần quy định cụ thể về cơ cấu của mỗi cấp cũng như quy định lộ trình thay đổi cách thức phân cấp, phân tuyến khám bệnh, chữa bệnh.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị giữ như quy định hiện hành, theo đó có 04 tuyến khám bệnh, chữa bệnh. Ủy ban Xã hội thấy rằng, việc quy định thành 03 cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng và tạo tiền đề cho việc đầu tư phát triển y tế cơ sở, góp phần khắc phục một số tồn tại, bất cập liên quan đến phân hạng bệnh viện, phân tuyến chuyên môn kỹ thuật và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Do đó, Ủy ban nghiêng về loại ý kiến thứ nhất. Bên cạnh đó, dự thảo Luật giao Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn về cấp chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh và danh mục dịch vụ kỹ thuật tối thiểu mà mỗi cấp khám bệnh, chữa bệnh bắt buộc phải cung cấp.

Ngoài các nội dung trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra nghiên cứu, tiếp thu kỹ lưỡng, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo luật và trình xin ý kiến Quốc hội, đảm bảo yêu cầu chất lượng cao nhất, phải đảm bảo tính khả thi, đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn và tính ổn định khi được Quốc hội thông qua.

Hồ Hương