PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TRẦN THANH MẪN HỌP BAN CHỈ ĐẠO ĐỀ ÁN VỀ CÔNG TÁC GIÁM SÁT, HƯỚNG DẪN CỦA UBTVQH ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG CỦA HĐND

01/12/2022

Sáng 01/12, tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo Đề án "Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực hiệu quả công tác giám sát, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với hoạt động của Hội đồng nhân dân".

PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TRẦN THANH MẪN CHỦ TRÌ PHIÊN HỌP BAN CHỈ ĐẠO ĐỀ ÁN TĂNG CƯỜNG CHỈ ĐẠO, GIÁM SÁT, HƯỚNG DẪN CỦA UBTVQH VỚI HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Toàn cảnh phiên họp

Tham dự cuộc họp có Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Trưởng Ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thị Thanh; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Đỗ Đức Hồng Hà; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng; Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp Lê Hải Đường; đại diện Văn phòng Chính phủ, HĐND Tp.Hà Nội cùng một số ban, ngành hữu quan.

Nghiên cứu ban hành Quy chế mẫu hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến các đại biểu về Đề án, Trưởng Ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, Ban soạn thảo đã tiếp thu tối đa ý kiến kết luận của Đảng đoàn Quốc hội tại phiên họp ngày 13/10/2022, ý kiến góp ý và chỉnh sửa bằng văn bản của các đại biểu. Theo đó, Đề án đã chỉnh sửa nội dung mục 3 (nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Đề án) theo hướng phù hợp với thời điểm sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12/9/2022 hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân.

Cụ thể, Đề án chỉnh sửa lại tên nội dung tại mục 3.1 thành: Đánh giá hiệu quả việc thực hiện các văn bản pháp luật về hoạt động giám sát, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với Hội đồng nhân dân và tiếp tục nghiên cứu rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về giám sát, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với Hội đồng nhân dân.

Trưởng Ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thị Thanh trình bày báo cáo

Bên cạnh đó, dự thảo cũng chỉnh sửa nội dung tại mục 3.2 Tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với Hội đồng nhân dân theo hướng bảo đảm đúng theo quy định về chức năng nhiệm vụ của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội theo quy định tại Điều 57 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Dự thảo cũng bổ sung Nghị quyết Trung ương 4, Nghị quyết Trung ương 5 vào phần căn cứ chính trị; bổ sung các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành có liên quan đến tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân vào phần căn cứ pháp lý.

Theo Trưởng Ban Công tác Đại biểu, dự thảo cũng đã bổ sung một số nhiệm vụ về tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát hoạt động của Hội đồng nhân dân; bảo đảm thống nhất khi đánh giá hạn chế, tồn tại và làm rõ nguyên nhân gồm các quy định của pháp luật toàn diện, đầy đủ hơn; nghiên cứu ban hành Quy chế mẫu hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn do Luật định.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, dự thảo đã bổ sung nội dung: Việc tổ chức thực hiện Đề án bảo đảm không trùng lắp, chồng chéo với các nhiệm vụ nội dung trong các Đề án khác Quốc hội đang xây dựng, triển khai.

Đối với các ý kiến đề nghị bổ sung quy định cụ thể về trình tự xem xét báo cáo, trách nhiệm của các chủ thể tham gia trong quá trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo của Hội đồng nhân dân, Trưởng Ban Công tác Đại biểu cho biết, khoản 1 Điều 9 Nghị quyết 334/2017/NQ-UBTVQH14 đã quy định về trách nhiệm của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trong việc nghiên cứu báo cáo hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Trên cơ sở đó, tại dự thảo Đề án đã tập trung vào rõ vai trò của các chủ thể (đặc biệt là Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội) trong việc thẩm tra báo cáo của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Theo đó, khi thực hiện hoạt động thẩm tra thì Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban sẽ thực hiện trình tự theo quy định tại Điều 39 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Giới hạn phạm vi Đề án trong việc hướng dẫn, giám sát Hội đồng nhân dân cấp tỉnh

Tham gia phát biểu tại phiên họp, các đại biểu đánh giá cao tổ biên tập đã tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ bản tán thành với nhiều nội dung của đề án. Các đại biểu cho biết, ban soạn thảo đã đánh giá sâu sắc những thành tựu cũng như hạn chế, tồn tại trong công tác giám sát, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với hoạt động của Hội đồng nhân dân thời gian qua.

Phát biểu ý kiến thảo luận, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai cho biết, Đề án đã đề ra cơ chế quy định rõ trách nhiệm của các địa phương trong việc gửi Nghị quyết đã ban hành tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công các cơ quan theo dõi, giám sát, tổng kết, đánh giá. Tuy nhiên, trong thực tế, số lượng Nghị quyết Hội đồng nhân dân ban hành hằng năm là rất lớn, đòi hỏi huy động rất nhiều nguồn lực về nhân lực, thời gian, đại biểu cho rằng quy định này chưa đảm bảo khả thi trong tổ chức thực hiện.

Quan tâm đến nội dung giao nhiệm vụ cho các cơ quan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị bổ sung thẩm quyền của Ủy ban Kinh tế trong việc trả lời về nội dung đất đai theo đúng quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, phù hợp với thực tiễn hoạt động của Ủy ban. Đối với việc Ban Công tác Đại biểu phối hợp với Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động của Hội đồng nhân dân các địa phương, đại biểu cho rằng, việc xây dựng tiêu chí định lượng cụ thể là thách thức không nhỏ, đồng thời cũng sẽ khó khăn trong việc so sánh giữa các địa phương.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu

Cho ý kiến thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu thực tế, phần lớn thời gian Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ yếu chỉ hướng dẫn, giám sát HĐND cấp tỉnh. Đối với HĐND cấp thấp hơn, HĐND cấp trên thực hiện công tác hướng dẫn, giám sát HĐND cấp dưới. Chỉ khi tổ chức thực hiện công tác bầu cử hay một số thời điểm nhất định khi văn bản pháp luật có thay đổi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới hướng dẫn, giám sát HĐND các cấp. Do vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, phạm vi của Đề án chỉ nên giới hạn công tác giám sát, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với HĐND cấp tỉnh.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị gắn chặt kết quả, hiệu quả của công tác hướng dẫn với công tác giám sát và ngược lại. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đánh giá cao nội dung giao Ban Công tác Đại biểu nghiên cứu tham mưu Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Quy chế mẫu hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, đồng thời đề nghị Ban Công tác Đại biểu cần tập trung cho công tác này để bảo đảm tính thống nhất trong quy trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho rằng, phần giải pháp trong Đề án đang được trình bày tương đối chi tiết, cụ thể, nhưng chưa tương ứng với các tồn tại, hạn chế đã nêu; đề nghị cần bổ sung đầy đủ, chi tiết nội dung đánh giá thực trạng, nhận diện tồn tại, hạn chế, phân tích kỹ lưỡng nguyên nhân để đảm bảo sự chặt chẽ, logic của Đề án.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên cho biết, trong phần giải pháp, Đề án có đề xuất ban hành văn bản hướng dẫn cá biệt về sự phối hợp cụ thể giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Chính phủ trong thực hiện hướng dẫn và giám sát, kiểm tra công tác của Hội đồng nhân dân các cấp. Đại biểu đề nghị cần cân nhắc kỹ nội dung này để đảm bảo phù hợp hơn với thực tiễn hoạt động.

Tham gia ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng đề án cần thể hiện rõ những ưu điểm, thành tựu cũng như tồn tại, hạn chế trong công tác giám sát, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với hoạt động của Hội đồng nhân dân để làm rõ hơn nữa sự cần thiết xây dựng Đề án này. Cùng với đó, dự thảo cần làm rõ mục đích, yêu cầu của đề án, đảm bảo tính chặt chẽ, nhất quán.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết luận

Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao các ý kiến phát biểu tại phiên họp và đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu kỹ lưỡng, cầu thị các ý kiến góp ý vào dự thảo Đề án; rà soát, chỉnh sửa đồng bộ nhằm hoàn thiện dự thảo Đề án. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý, Ban Công tác đại biểu được Đảng đoàn Quốc hội giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng nhiều Đề án của Đảng đoàn, do đó, cần bố trí thời gian, tập trung tâm trí để hoàn thành các đề án đúng tiến độ, đúng thời hạn, bảo đảm chất lượng cao nhất.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:

Quang cảnh phiên họp

Các đại biểu tại phiên họp

Trưởng Ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, Ban soạn thảo đã tiếp thu tối đa ý kiến kết luận của Đảng đoàn Quốc hội tại phiên họp ngày 13/10/2022, ý kiến góp ý và chỉnh sửa bằng văn bản của các đại biểu

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai đề nghị bổ sung thẩm quyền của Ủy ban Kinh tế trong việc trả lời về nội dung đất đai theo đúng quy định của Luật Tổ chức Quốc hội

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá cao nội dung giao Ban Công tác Đại biểu nghiên cứu tham mưu Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Quy chế mẫu hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng đề án cần thể hiện rõ những ưu điểm, thành tựu cũng như tồn tại, hạn chế trong công tác giám sát, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với hoạt động của Hội đồng nhân dân để làm rõ hơn nữa sự cần thiết xây dựng Đề án này

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên cđề nghị cân nhắc đề xuất ban hành văn bản hướng dẫn cá biệt về sự phối hợp cụ thể giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Chính phủ trong thực hiện hướng dẫn và giám sát, kiểm tra công tác của Hội đồng nhân dân các cấp

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Đỗ Đức Hồng Hà đóng góp một số ý kiến về Đề án

Kết luận nội dung cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Ban Công tác đại biểu tập trung tâm trí để hoàn thành các đề án đúng tiến độ, đúng thời hạn, bảo đảm chất lượng cao nhất./.

Hồ Hương- Phạm Thắng